Không để khách du lịch đi lại, xem áp thấp nhiệt đới đang đổ bộ

Google News

(Kiến Thức) - Không để người dân hiếu kỳ, chủ quan nhất là đối với người nước ngoài, khách du lịch đi lại, xem ATNĐ đổ bộ để tránh tai nạn do cây đổ, điện giật, tôn bay…

Áp thấp nhiệt đới sắp đổ bộ đất liền các tỉnh Bình Thuận đến Trà Vinh
Thông tin mới nhất về diễn biến áp thấp nhiệt đới đang sắp đổ bộ các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vào hồi 10h ngày 19/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 109,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh Ninh Thuận-Bà Rịa Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Trà Vinh với sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 sau đó suy yếu thành vùng áp thấp. Đến 22 giờ ngày 19/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ), giật cấp 8.
Khong de khach du lich di lai, xem ap thap nhiet doi dang do bo
 Hướng di chuyển của ATNĐ.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Trà Vinh (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Sóng biển cao 2-4m. Biển động mạnh.
Vùng ven biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, khu vực Cần Giờ (Tp.Hồ Chí Minh), Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp 7-8. Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, suy yếu và tan dần trên khu vực Nam Campuchia.
Do ảnh hưởng của ATNĐ các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Không để khách du lịch đi lại, xem áp thấp nhiệt đới đang đổ bộ
Thông tin về tình hình ứng phó ATNĐ, Ban chỉ đạo TWPCTT đã có văn bản số 173/TWPCTT ngày 18/11/2017 chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tập trung triển khai ứng phó cấp bách với bão số 14, đặc biệt chú trọng việc đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản, sơ tán dân, chằng chống nhà cửa...
Các bộ Công An, Giao thông vận tải, Y tế Bộ Công thương, Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có các công điện chỉ đạo ứng phó. Các tỉnh, thành phố đã quyết liệt triển khai Công điện số 1786/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 173/TWPCTT ngày 18/11/2017 của Ban Chỉ đạo.
Khong de khach du lich di lai, xem ap thap nhiet doi dang do bo-Hinh-2
 Ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực BCĐ TWPCTT, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai chỉ đạo tại cuộc họp. Ảnh: BCĐ TWPCTT.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng và địa phương tính đến 06h00 ngày 19/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 62.512 tàu/307.064 lao động biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển và thoát khỏi vùng nguy hiểm. Về tàu thuyền: 04 tỉnh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng tàu đã cấm biển trước 12h00 ngày 18/11/2017.
Về công tác di dời dân, đã sơ tán 9.159 hộ/ 34.693 người (Khánh Hòa 4.496 hộ/16.250 người, Ninh Thuận 4.663 hộ/18.443 người), tỉnh Bình Thuận đã lên phương án sơ tán dân.
Ông Vũ Xuân Thành – Phó chánh văn phòng TT BCĐ TWPCTT, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng công tác ứng phó ứng bão số 14 tại địa phương đã chủ động từ sớm, đặc biệt trong công tác di dời dân, neo đậu tàu thuyền, đảm bảo an toàn lồng bè, nuôi trồng thủy sản; chính quyền địa phương đã cử các lực lượng canh gác tại các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn tài sản cho người dân.
Tại cuộc họp ứng phó với Áp thấp nhiệt đới gần bờ do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức sáng 19/11, ông Trần Quang Hoài - Ủy viên thường trực –Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã đề nghị: tiếp tục theo dõi tình hình, hoạt động của người dân ở trên biển nhất là khu vực ở sát ven biển không được chủ quan; các địa phương tiếp tục chỉ đạo ứng phó với tình hình mưa lũ đặc biệt trong vận hành các hồ chứa, đảm bảo an toàn vùng hạ du cũng như khu vực dễ bị ngập lụt, chia cắt hoặc bị sạt lở đất, lũ quét...
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng chỉ đạo không để người dân hiếu kỳ, chủ quan nhất là đối với người nước ngoài, khách du lịch đi lại, xem ATNĐ đổ bộ để tránh tai nạn do cây đổ, điện giật, tôn bay,…
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)