Khi cảnh sát, bác sĩ cũng tâm thần vì ma túy đá

Google News

Sau nhiều lần phải dấn thân vào những ổ tội phạm buôn bán ma túy, Nguyễn Văn Tiến, cảnh sát điều tra, quyết định tập chơi và nghiện ma túy đá từ lúc nào.

Những cậu ấm, cô chiêu với thành tích ăn chơi bất hủ xếp hàng dài trong danh sách học viên tại Trung tâm cai nghiện Thanh Đa (TP.HCM). Dù vậy, thỉnh thoảng nơi đây cũng có vài hồ sơ đặc biệt bởi học viên là công an, bác sĩ.
Bác sĩ mất khả năng nhận thức vì ma túy đá
Giữa năm 2016, Trần Văn Đoàn (40 tuổi), bác sĩ của một bệnh viện, bất ngờ vào trung tâm cai nghiện ma túy. Các bác sĩ tại đây ngỡ ngàng với hồ sơ đặc biệt này bởi anh thuộc gia đình trung lưu, học thức, hiểu rõ tác hại của ma túy đá lại vướng vào con đường hư ảo chết người này.
Anh chia sẻ mỗi lần dùng 500.000 đồng ma túy đá trong nhiều tháng liền. Ban đầu, các bác sĩ qua thăm khám thấy anh này nhận thức tốt, chấp hành không quậy phá như các học viên trong giai đoạn cắt cơn. Về sau, họ phát hiện dùng ma túy đá quá liều lượng trong thời gian dài khiến anh bị tâm thần. Để điều trị trung tâm phải phối hợp với bệnh viện tâm thần ra một phát đồ riêng.
Khi canh sat, bac si cung tam than vi ma tuy da
Mỗi ngày các học viên được tư vấn tâm lý, học hòa nhập ở trung tâm nhằm quên đi cơn thèm thuốc. Ảnh: Phú Mỹ.
Qua khai thác bệnh sử, tâm lý bệnh nhân, bác sĩ cho hay anh Đoàn hàng ngày làm việc tại bệnh viện, ban đêm đi chơi nhạc ở phòng trà, bạn bè rủ rê nên sa lầy vào con đường nghiện ma túy đá.
Sau 4 tháng điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn không thể thoát khỏi cơn nghiện và chuyển sang giai đoạn tâm thần. Ma túy đá đã phá hủy dần những nơ ron thần kinh, khiến anh mất khả năng nhận thức.
Cảnh sát điều tra chống ma túy... nghiện ma túy
Nguyễn Văn Tiến (sinh năm 1989) vào trung tâm cai nghiện cùng lúc với bác sĩ Đoàn là một cảnh sát điều tra phòng chống ma túy. Do yếu tố nghề nghiệp, anh phải dấn thân vào những ổ tội phạm buôn bán ma túy, để nhập vai hoàn hảo anh phải tập chơi và dần dần bị lệ thuộc vào ma túy đá.
Thời gian đầu vào trung tâm, bệnh nhân quyết tâm cai nghiện để sớm trở lại với công việc. Tuy nhiên, một thời gian sau, anh bắt đầu có cảm giác tội lỗi, thất vọng vào bản thân. Thậm chí, học viên này vì muốn sớm về nhà đã nuốt đồ vật để gây áp lực với các bác sĩ tại đây.
Bằng sự động viên của gia đình, bạn bè, và sự tận tình của các nhân viên trung tâm, sau 5 tháng bệnh nhân dần lấy lại ổn định về mặt tâm lý. Trước khi ra khỏi trung tâm, Tiến tâm sự sẽ xin chuyển công tác sang một vị trí khác để không còn phải tiếp xúc mới ma túy.
Theo Giám đốc Trung tâm cai nghiện Thanh Đa Nguyễn Phan Minh, hàng năm rất nhiều quý tử, cậu ấm cô chiêu vào trung tâm cai nghiện có nghề nghiệp đặc biệt nhưng khai khống hồ sơ. Trung tâm rất tôn trọng và giữ kín thông tin cá nhân, song để tìm căn nguyên vấn đề dẫn họ đến con đường nghiệp ngập, các bác sĩ vẫn cần những thông tin cơ bản phục vụ cho công tác cai nghiện.
Nghiện ma túy đá: Chưa có phương pháp điều trị
Nhiều người lầm tưởng ma túy đá là loại ma túy sạch, không có hội chứng cai như heroin nên rất an toàn. Thực chất, đây là chất kích thích, dùng lâu, quá liều lượng sẽ phá hủy các nơ ron thần kinh, dễ dẫn đến tâm thần.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, nguyên Giám đốc trung tâm cai nghiện Thanh Đa, y văn trên thế giới chưa ghi nhận có một loại thuốc hoặc phương pháp đặc trị nào dùng để chữa khỏi cho những bệnh nhân nghiện ma túy đá. Giải pháp tạm thời các bác sĩ sử dụng chỉ có cách giảm tần suất, giảm liều lượng rồi dẫn đến từ bỏ việc sử dụng ma túy đá.
Ở trung tâm cai nghiện Thanh Đa, các học viên được sống sinh hoạt như những người bình thường. “Mỗi buổi sáng, các học viên dậy sớm tập thể dục, dọn dẹp vệ sinh phòng ngủ rồi bước vào lớp học hòa nhập cộng đồng, được bác sĩ tư vấn về tác hại ma túy. Tiếp đến học viên sẽ chơi các môn thể thao như bơi lội, bóng đá, bóng chuyền”, bác sĩ Duy cho biết.
Theo đánh giá riêng của khoa Chống tái nghiện (Trung tâm cai nghiện Thanh Đa), những học viên từ 28 tuổi trở lên thường nhận thức tốt về tác hại của ma túy đá , tỷ lệ cai nghiện thành công cao. Số học viên nhập viện khi còn rất trẻ, thậm chí chưa đủ tuổi vị thành niên nhận thức còn hạn chế nên thường "ra vào trung tâm như cơm bữa".
Bác sĩ Duy lý giải: "Sau khi cắt cơn, điều trị tâm lý, các em trở về gia đình nên chúng tôi không thể quản lý các yếu tố nguy cơ tái như môi trường sống, bạn bè cũ nên rất dễ tái nghiện. Nhiều em chơi quá liều dẫn đến tâm thần trước khi trở lại trung tâm. Gia đình có con em nghiện ma túy dường như phải đối mặt với cuộc sống như địa ngục. Ma túy đá đang trở thành cơn ác mộng tàn phá cả một thế hệ".
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Theo Phú Mỹ/Zing News

>> xem thêm

Bình luận(0)