Khát khao cháy bỏng của cậu bé có mẹ là “người rừng”

Google News

Bao nhiêu năm sống cùng mẹ và anh trai đều bị bệnh tâm thần trong căn nhà dột nát chờ sập, Nguyễn Văn Hiền mơ ước một ngày được sống trong căn nhà lành lặn.

Em cũng khao khát được cắp sách đến trường như chúng bạn, thế nhưng vì thương mẹ, thương anh, em không thể sống ích kỷ với mong muốn của riêng mình.
Khat khao chay bong cua cau be co me la “nguoi rung”
Cu Nhỏ Nguyễn Văn Hiền kể về những ước muốn của mình. Ảnh: T.g 
Ước mong ngôi nhà được lành lặn
Cách đây khoảng một năm, Báo GĐ&XH có bài viết phản ánh về trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Minh (45 tuổi, trú tại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). Theo đó, gia đình chị Minh có ba người thì chị và đứa con trai đầu có dấu hiệu của bệnh tâm thần. Hơn 10 năm nay ba mẹ con chị Minh ở trong căn nhà dột nát, sống cuộc sống rất hoang dã. Con trai đầu của chị thiếu thốn quần áo để mặc, mặt lúc nào cũng lấm lem khiến nhiều người tưởng là “người rừng”. Đáng thương cả hơn là người con trai út, dù khỏe mạnh và không có những hành động kỳ quái như mẹ và anh, nhưng hoàn cảnh của gia đình khiến em sớm chịu cuộc sống cực khổ và nhiều thiệt thòi.
Được biết, lâu nay ba mẹ con chị Minh sống cuộc sống không khác thời nguyên thủy, ngôi nhà cũ nát có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ngôi nhà dột nát ẩm ướt, ngói rụng gần hết, trời mưa là không còn chỗ nào để ẩn nấp. Cửa ra vào là vài cành cây, chất ngổn ngang. Tài sản tiện ích trong căn nhà là chiếc giường đã gãy cả bốn chân cùng bình nhựa ố vàng dùng để trữ nước.
Trước hoàn cảnh đáng thương của gia đình, chính quyền xã Lộc Điền đã tạo điều kiện xây cho ba mẹ con chị Minh một căn nhà khang trang ngay bên cạnh nhà cũ. Thế nhưng căn nhà mới từ khi xây xong luôn đóng chặt cửa; mẹ con chị Minh vẫn sống lầm lủi như “người rừng” trong căn nhà cũ dột nát. Gặp lại chúng tôi , con trai út của chị Minh luôn miệng thắc mắc: “Tại sao em có nhà mới mà vẫn không được ở?”. Câu hỏi ngây ngô của em khiến mọi người không khỏi chạnh lòng.
Khat khao chay bong cua cau be co me la “nguoi rung”-Hinh-2
Lâu nay, Nguyễn Văn Hiền vẫn phải sống kham khổ đầy thiệt thòi trong căn nhà dột nát cùng mẹ và người anh trai bị bệnh tâm thần. 
Con trai út của chị Minh vẫn được mọi người quen gọi với cái tên là cu Nhỏ. Dù có nhà mới nhưng bấy lâu nay em phải nghe theo lời mẹ sống kham khổ trong căn nhà dột nát, tồi tàn. Cách đây vài tháng, vì không thể chịu nỗi cái đói nên cu Nhỏ đến xin phục vụ cho một quán ăn ở gần nhà. Thương em, hai vợ chồng chủ quán xem như con cái trong nhà.
Hàng ngày em đến quán phụ giúp bưng bê đồ ăn cho khách rồi ở lại quán chơi đến tối mới về nhà. Nhìn những đứa trẻ hàng xóm được sống trong mái nhà lành lặn, cu Nhỏ cũng khao khát được sống trong căn nhà mới của mình nhưng ngặt một nỗi, em không thể nào thuyết phục được mẹ.
Trò chuyện với chúng tôi, giọng em đượm buồn: “Nhiều khi em xin mẹ lên nhà mới ở nhưng mẹ không cho. Em không biết tại sao mình có nhà mới mà vẫn không được ở. Hỏi mẹ, lúc nào mẹ cũng nói nhà mới không có điện có nước. Nhiều bữa bị ngấm nước mưa ốm nặng, em chỉ biết để vậy một thời gian rồi cũng tự khỏi”.
Khát khao được quay lại trường
Nhìn dáng vẻ bên ngoài của cu Nhỏ không ai nghĩ năm nay em đã 13 tuổi. Cuộc sống thiếu thốn vật chất, những bữa cơm chưa khi nào đầy đặn khiến cơ thể em không được cao lớn như chúng bạn cùng trang lứa. Vậy nhưng toát lên ở em vẫn là một cậu bé nhanh nhẹn có khuôn mặt thông minh, lanh lợi và tính tình rất ngoan hiền.
Chị Thủy (chủ quán nơi cu Nhỏ làm) cho biết: “Thấy cu Nhỏ tội quá vợ chồng tôi muốn đem về nuôi nhưng mẹ cháu không cho. Hồi Nhỏ mới đến làm, ngày nào mẹ nó cũng đến chửi. Sau cu Nhỏ về bảo nếu không cho nó qua làm sẽ bỏ đi Sài Gòn mẹ nó mới chịu. Khi cu Nhỏ qua đây làm thì thỉnh thoảng bà ấy lại sang kiểm tra xem Nhỏ làm những gì. Không thấy nó bà cũng chửi, 7h tối lại lôi nó về. Cu Nhỏ mà đi đâu chắc xóm này cũng không sống yên với bà ấy”.
Sinh ra không có cha, với cu Nhỏ thì mẹ và anh trai chính là hai người thân thương nhất của mình. Vì thương mẹ và anh mà nhiều lần em không thể bỏ đi xa để theo đuổi ước muốn học hành của mình. Thế nhưng cậu bé vẫn khao khát mãnh liệt được cùng bạn bè cắp sách đến trường.
Được biết, giấy khai sinh hai anh em cu Nhỏ cũng được chính quyền địa phương làm giúp cho. Nhỏ được đặt tên là Nguyễn Văn Hiền và cũng được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Với em, đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà em từng được nếm trải. Thế nhưng trong một lần lên cơn bệnh, mẹ em đã đốt hết sách vở, xé hết quần áo đi học và không cho em đến trường nữa.
“Mẹ bắt em ở nhà để ra chợ xin ăn với mẹ, mẹ bảo đi học không có tiền mà đi học làm gì? Nhìn các bạn đi học em thích lắm nhưng em lại không vào học được. Mẹ mà đi tìm không thấy mẹ lại chửi”, cu Nhỏ nghẹn ngào.
Khat khao chay bong cua cau be co me la “nguoi rung”-Hinh-3
Căn nhà mới khang trang lâu nay vẫn đóng cửa im lìm vì chị Minh không chịu đưa các con chuyển sang ở. 
Nói đến chuyện đi học, anh Minh (chồng chị Thủy nơi Nhỏ làm) cũng góp chuyện: “Thằng cu Nhỏ mà được đi học đầy đủ chắc cũng thông minh, học giỏi lắm đó. Hắn nhìn mọi người viết là viết lại được liền, rồi tính toán cũng nhanh lắm”.
Cu Nhỏ cũng cho hay, nhiều lần em xin mẹ để được đi học lại, mẹ em đồng ý nhưng vài hôm sau lại không cho nữa. Không được đi học em rất buồn, những lúc ấy em lại đến Trường tiểu học Lộc Điền ở gần nhà để chơi hoặc nhìn các bạn học bài cho đỡ thèm. Ước mong được đến trường đi học, sống trong nhà lành lặn chỉ là điều ước giản đơn nhưng vì thương mẹ, thương anh nên em chẳng dám sống ích kỷ cho riêng mình.
Trao đổi về hoàn cảnh của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Minh, ông Hoàng Sa – Chủ tịch UBND xã Lộc Điền cho biết, sau khi biết đến hoàn cảnh của chị, đã có rất nhiều tổ chức xã hội, các cơ quan tổ chức quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ về nhà ở, vật dụng, cơ sở vật chất. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cố gắng tìm cách giúp đỡ để đưa cháu Hiền trở lại trường, tuy nhiên việc này đang gặp nhiều khó khăn từ phía gia đình.
“Chúng tôi cũng đã làm việc với gia đình rất nhiều, thậm chí có cả gia đình anh em làm biên bản để đưa cháu đi học trở lại nhưng người mẹ lại không chịu. Do tâm lý sợ mất con nên được khoảng một tuần chị Minh lại ra trường tìm về không cho cháu đi học nữa”, ông Sa chia sẻ.

Theo L.Chung – Đ.Hoàng/Giadinh.net

>> xem thêm

Bình luận(0)