Kẻ trộm chim Giám đốc sở 30 tuổi sẽ phải ngồi tù 7 năm?

Google News

Vụ giám đốc sở mất trộm chim, đối tượng trộm cắp có thể phải lãnh mức án từ 6 tháng đến 7 năm tù.

Mời độc giả xem video: Ăn trộm chim bị camera ghi hình (Nguồn video: Youtube):
Liên quan đến vụ giám đốc sở mất trộm chim chào mào, báo chí đã có thêm nhiều thông tin mới. Khoảng 13h ngày 14/7/2015, Nguyễn Văn Tùng chở Bùi Quang Minh Tấn (cùng 23 tuổi) từ nhà ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh vào TP Tam Kỳ.
Sau đó cả hai đi đến nhà riêng của ông Lê Phước Hoài Bảo - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam tại khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP Tam Kỳ. Tùng nhận nhiệm vụ đứng ngoài giữ xe, canh gác cho Tấn leo qua tường rào vào sân vườn lấy trộm hai lồng chim cảnh (được làm bằng gỗ và tre).
Ngôi biệt thự mà ông Lê Phước Hoài Bảo sinh sống tại khu phố mới Tân Thạnh, TP Tam Kỳ bị hai đối tượng Tấn và Tùng đột nhập bắt trộm chim chào mào. 
Trong đó, một lồng đang nuôi một con chim chào mào, loại mào lân màu đen, yếm đen, lưng và cánh chim có màu nâu sẫm, phần bụng của chim có màu trắng, đặc biệt đuôi chim dài màu đen - trắng, trị giá khoảng 3 triệu đồng. Lồng còn lại cũng có một con chim chào mào, trị giá 2 triệu đồng. Tùng và Tấn mang cả lồng và chim bán được 2 triệu đồng.
Đến ngày 17/7/2015, Tùng và Tấn tiếp tục quay lại nhà ông Bảo trộm thêm một lồng chim bên trong có một con chim chào mào trị giá 4 triệu đồng.
Khi Tùng và Tấn mang lồng chim đi bán thì bị công an phát hiện. Con chim và chiếc lồng này đã được trả lại cho chủ nhân. Ông Bảo không có yêu cầu gì thêm về phần bồi thường dân sự. Ba lồng nhốt chim cảnh của ông Bảo được định giá khoảng 1,2 triệu đồng.
Ngoài hai vụ trộm chim cảnh của giám đốc sở, CQĐT còn xác định Tùng và Tấn thực hiện nhiều vụ trộm khác trên địa bàn TP Tổng tài sản trộm cắp là 16.350.000 đồng.
Cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra vụ việc này và đến ngày 25/2, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã ra cáo trạng truy tố hai bị can Bùi Quang Minh Tấn và Nguyễn Văn Tùng về hành vi “Trộm cắp tài sản” theo điểm a Khoản 2 Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009. 
Liên quan đến sự việc này, phóng viên Pháp luật Plus đã trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội về vấn đề này.
Luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ nhận định: "Trong trường hợp nêu trên, các đối tượng bị xử lý về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS là có căn cứ. Tuy nhiên, việc Viện kiếm sát Nhân dân TP Tam Kỳ truy tố các đối tượng trên theo khoản 1 hay khoản 2, Điều 138 BLHS là nội dung cần phải xem xét bởi theo nội dung cáo trạng thì các đối tượng trong vụ án này bị truy tố theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 138 BLHS".
Luật sư Đặng Văn Cường. 
Luật sư Đặng Văn Cường viện dẫn: "Điều 138. Tội trộm cắp tài sản quy định: 1, Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm."
Đồng thời tại khoản 2 điều này cũng quy định, Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo luật sư, trong vụ án này, quan điểm của Viện kiểm sát cho rằng các đối tượng phạm tội có tổ chức, trong khi đó, khoản 3, Điều 20 Bộ luật hình sự (BLHS) cũng đã quy định rõ về Đồng phạm Sửa đổi.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 20 BLHS nêu trên thì chỉ có những băng ổ nhóm thực hiện hành vi phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, có sự phân công, phối hợp, cấu kết chặt chẽ giữa các thành viên (nhóm tội phạm) thì mới được xác định là tội phạm có tổ chức. Còn các trường hợp trộp cắp vặt, nhóm thanh niên mới lớn chơi bởi lêu lổng... thì chỉ là đồng phạm giản đơn theo quy định tại khoản 2, Điều 20 BLHS.
Các đối tượng trên nhiều lần thực hiện hành vi phạm tội (trộm cắp với số tiền từ 2 triệu đồng trở lên), vì vậy, có thể áp dụng quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 48 BLHS để áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là "phạm tội nhiều lần".
Hiện tại, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã ra cáo trạng truy tố hai bị can Bùi Quang Minh Tấn và Nguyễn Văn Tùng về hành vi “Trộm cắp tài sản”, việc quyết định các bị cáo có phạm tội hay không, nếu có thì phạm tội gì, hình phạt như thế nào là thẩm quyền của tòa án.
Liên quan đến mức án mà các bị can có thể đối mặt, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: "Nếu bị xét xử về tội trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1, Điều 138 BLHS thì hình phạt với các bị cáo là từ 6 tháng tới 3 năm tù. Còn nếu xét xử các bị cáo theo như cáo trạng của Viện kiểm sát là khoản 2, Điều 138 BLHS thì hình phạt của các bị cáo là từ 2 năm tới 7 năm tù".
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong vụ án nêu trên, các đối tượng tuổi đời còn rất trẻ, thực hiện hành vi phạm tội do ham chơi, thiếu sự quan tâm giáo dục của gia đình và xã hội, đây là lần đầu tiên bị xử lý hình sự, lại có những tình tiết giảm nhẹ khác... nên thời gian các bị cáo bị tạm giam là cũng đủ để các bị cáo nhận thức được lỗi lầm của mình. 
Hành vi của các bị cáo chỉ có tính chất trộm cắp vặt chứ không phải là các băng nhóm tội phạm nguy hiểm. Vì vậy, luật sư Cường cho rằng, trong những vụ án như thế này không nên xử lý các bị cáo bằng những hình phạt nghiêm khắc, làm mất đi tính khoan dung, độ lượng của pháp luật.
Còn về hành vi trộm cắp mà hai đối tượng thực hiện đối với anh Đào Văn Tiến với tổng tài sản là 1.720.000 đồng, luật sư Cường cho rằng, số tiền trộm cắp chưa tới 2 triệu đồng nên chưa đủ căn cứ xử lý hình sự mà chỉ có thể bị xử lý hành chính.
Điều 20 BLHS: Đồng phạm Sửa đổi

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm; Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm; Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.
Báo Pháp luật Plus

Bình luận(1)

Minh Hiền

nguyễn thành dương

chán quá vùng quê đã nghèo lại trộm vật con nhà quan.