'Kẻ kích động dùng mạng với mục đích xấu, ta phải đóng góp điều tốt'

Google News

Luật An ninh mạng là cần thiết, đặc biệt ngay lúc này khi tình hình bất ổn ở Bình Thuận, Khánh Hoà... có góp phần không nhỏ của những thông tin độc hại trên Facebook - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận định.

"Những hình ảnh lan truyền trên Facebook từ Bình Thuận được chia sẻ ngay trên tài khoản của tôi và các đại biểu Quốc hội mà chúng tôi không hề biết. Cho tới khi thấy hình ảnh những chiến sĩ cảnh sát cơ động như thế thì những người dân - vốn trước đó thờ ơ với việc biểu tình - cũng đã phải thốt lên rằng tại sao những kẻ đứng đằng sau xúi giục bà con biểu tình, đập phá lại có thể tàn ác đến thế", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói với Tuổi Trẻ Online bên hàng lang Quốc hội chiều 12-6.
Tình hình bất ổn có phần từ thông tin trên Facebook
- Mặc dù dư luận băn khoăn và lo ngại về nguy cơ hạn chế quyền biểu đạt cá nhân, dự án Luật An ninh mạng vẫn được thông qua với tỉ lệ tán thành rất cao (86,86%). Là đại biểu Quốc hội, ông cảm nhận không khí thế nào trước và trong lúc biểu quyết?
Đây là một dự án luật rất được dư luận quan tâm và những ngày qua đã nóng trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, mấy hôm nay chúng tôi hiểu vì sao luật này lại được đa số đại biểu tán thành thông qua.
Tôi cho rằng đây là điều hết sức cần thiết, đặc biệt là những ngày qua tình hình mất ổn định ở các địa phương như Bình Thuận, Khánh Hoà... có sự góp phần không nhỏ của việc lan truyền những thông tin từ trên Facebook.
- Tức là các đại biểu trước đó đã có do dự, nhưng hệ quả trực tiếp từ câu chuyện những ngày qua đã làm suy nghĩ chuyển hướng và quyết tâm ủng hộ dự luật?
Chính xác. Là đại biểu Quốc hội, chúng tôi luôn muốn đóng góp tất cả những gì có thể cho đất nước, cụ thể đó bằng việc bấm nút thông qua những dự án luật. Luật An ninh mạng ra đời trong hoàn cảnh có nhiều tranh cãi. Trước đó, bản thân các đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi, cũng băn khoăn.
Khi ở bên ngoài các đối tượng đứng đằng sau đã sử dụng mạng với mục đích rất xấu, thì chúng ta càng phải quyết tâm đóng góp cho đất nước những điều tốt.
Chúng tôi hiểu rằng lá phiếu của mình sẽ quyết định đến nhiều thứ. Một người dân hay bất cứ đại biểu Quốc hội nào cũng đều đồng tình rằng sự an nguy của Tổ quốc là điều quan trọng nhất, Tổ quốc còn thì mình còn.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
Cho tới giờ tôi vẫn băn khoăn về một số điểm của Luật An ninh mạng, nhưng giữa được và mất, tôi cho rằng luật này ra đời vẫn được hơn rất nhiều.
Quan trọng nhất là luật bảo vệ sự an nguy của Tổ quốc, khi Tổ quốc bình yên và được bảo vệ thì dẫu có những sai sót ở đâu đó, chúng ta vẫn có cơ hổi để sửa sai. Luật ra đời cũng không thể hoàn hảo mà trong quá trình áp dụng sẽ có thể chỉnh sửa, điều chỉnh.
Quản lý không gian mạng ở các quốc gia cũng có những quy định cụ thể, vấn đề là người ta đã quy định như thế nào, không có lối rẽ này thì họ cũng tạo ra lối rẽ khác.
Không nghĩ các doanh nghiệp sẽ rời Việt Nam
- Ông có thể khẳng định rằng Luật An ninh mạng không ảnh hưởng tới quyền của người dân và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Facebook?
Quan điểm của tôi là Luật An ninh mạng phải tập trung cao độ để xử lý tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao. Luật này ra đời nhằm lấp lỗ hổng của Luật An toàn thông tin.
Như chúng ta đã thấy, mức độ phạm tội thời gian qua rất phức tạp, hiện giờ chúng ta có thể chưa xử lý được nhưng ngay từ bây giờ phải có kế hoạch phòng ngừa ngăn chặn. Nếu không các tài liệu, tư liệu mật sẽ bị lấy. Tôi đã từng chứng kiến việc này rồi.
Tôi không nghĩ rằng các doanh nghiệp sẽ rời VN. Họ sẽ phải cân nhắc bởi thị trường VN rất lớn, mang lại nhiều lợi ích. Chắc chắn họ sẽ hợp tác với nhà nước, cũng là cơ hội để các tập đoàn, nhà cung cấp dịch vụ mạng điều chỉnh chính sách của họ, làm sao có thể hoạt động được và thu lợi nhuận.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng
- Còn đối với những lo ngại về việc phản ánh tiêu cực, tham nhũng của người dân trên mạng xã hội có thể bị hạn chế?
Sử dụng mạng để tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng là điều chính đáng. Chính Tổng bí thư cũng đã nói rằng chưa bao giờ chúng ta có bầu không khí đấu tranh chống tham nhũng mạnh như hiện tại. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm sao đó để chống tham nhũng nhưng cũng phải được sống trong một môi trường bình yên, an lành.
- Trước tình hình lợi dụng mạng xã hội để gây rối, kích động người dân chưa hiểu hết các bản chất sự việc đi biểu tình, theo ông các địa phương nên ứng xử thế nào?
Cấp uỷ, chính quyền địa phương phải hết sức bình tĩnh bởi đây là lúc cần bình tĩnh hơn lúc nào. Các thế lực thù địch đang lợi dụng.
Chúng ta phải đứng lại đối thoại và chỉ có đối thoại mới làm người dân hiểu quyền, trách nhiệm của họ lúc này. Đó là giải pháp ôn hoà, làm cho người dân nguôi.
Phải làm cho dân hiểu rằng đập phá tài sản của nhà nước chính là đập phá những gì dân đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra, đóng thuế để mua sắm, xây dựng. Đập phá tức là làm tay sai cho bọn xấu, không đáng để bà con ủng hộ.
Nhưng đối thoại xong, dân hiểu rồi thì phải dứt khoát tìm cho ra kẻ chủ mưu, đứng đằng sau hẩy người ta vào bạo lực, và phải trừng trị nghiêm minh kẻ đó.
Lợi dụng quyền biểu tình để đập phá là không chấp nhận được
Trả lời báo chí bên ngoài phòng họp Diên Hồng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nhận định việc tụ tập đông người, biểu tình trong mấy ngày gần đây, một mặt cho thấy sự quan tâm của người dân trước những vấn đề lớn của đất nước, những thảo luận và quyết định của Quốc hội, mặt khác cho thấy quyền bày tỏ ý kiến, biểu đạt, biểu tình của người dân đã bị lợi dụng, kích động vì mục đích xấu.
“Biểu tình là quyền của người dân đã được Hiến pháp quy định. Nhưng lợi dụng quyền này để kích động, đặc biệt là vừa qua có những hành động xâm nhập, đập phá ở trụ sở chính quyền, đốt phá tài sản, phương tiện của lực lượng chức năng, thì là hành vi vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận, cần phải xử lý nghiêm”, đại biểu Nghĩa bày tỏ.
Ông Nghĩa cũng cho rằng cần điều tra, xử lý các hành vi xuyên tạc sự thật nhằm lôi kéo, kích động người dân chưa có đầy đủ thông tin tham gia các cuộc tụ tập, đập phá quá khích.
“Ví dụ, khi thảo luận luật về đặc khu kinh tế, việc biểu thị sự lo ngại đối với các quy định của dự thảo luật sơ hở, có thể dẫn đến nguy cơ thì đúng, nhưng bị suy diễn, xuyên tạc thành chuyện bán đất cho Trung Quốc, rồi nói rằng đó là bán nước, thì chính xuyên tạc để kích động”, ông Nghĩa phân tích.
Qua sự việc này, cũng như các sự kiện trước đây như “giàn khoan 981”, “Formosa”, càng thấy nhu cầu cấp thiết phải có Luật Biểu tình, đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.
“Dự án Luật Biểu tình đã từng được đưa vào chương trình của Quốc hội, nhưng vì những lý do khó khăn mà bị đưa ra khỏi chương trình. Tôi cũng từng nói việc chưa ban hành được Luật Biểu tình là món nợ của Quốc hội đối với cử tri”, ông Nghĩa nói.
"Xây dựng Luật Biểu tình là việc khó, nhưng không phải vì khó mà không làm. Quốc hội có thể dành 3, thậm chí 4 kỳ họp để thảo luận và thông qua Luật Biểu tình".
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ ra: Ngay từ sau khi thành lập Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sắc lệnh công nhận quyền biểu tình của người dân, trong đó quy định người dân muốn biểu tình thì phải thông báo trước. Nhiều nước đã có Luật Biểu tình, quy định cụ thể việc đăng ký nội dung, người tổ chức, địa điểm, thời gian…, vừa đảm bảo quyền biểu tình của người dân, lại thuận lợi cho quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự.
Theo Thái Bá Dũng/Tuoitre

>> xem thêm

Bình luận(0)