Hành trình thoát khỏi "nàng tiên nâu" của những người lầm lỡ

Google News

Cơ thể ngày càng gầy gò ốm yếu, rồi tiếng khóc, tiếng thở dài của đấng sinh thành khiến anh Nam thấy mình không thể cứ trượt dài trong những cơn nghiện ma túy.

Nhờ quyết tâm và những lời động viên, chăm sóc của gia đình, anh Nam đã cắt được cơn nghiện ma túy. Sau 17 tháng không thấy những cơn vật vã quay lại, anh và gia đình rơi nước mắt vì hạnh phúc, anh Nam kể: “Khi cắt cơn nghiện, tôi học và làm quản lý khách sạn của gia đình. Rồi tôi có tình cảm đặc biệt với cô lễ tân trong khách sạn. Biết tôi từng nghiện ma túy, nhưng cô ấy chỉ nghĩ đơn thuần rằng “bệnh” ấy sẽ không bao giờ tái phát nữa. Rồi chúng tôi làm đám cưới. Hai năm sau đó tôi hoàn toàn thoát khỏi ma túy. Nhưng khi đưa vợ đi sinh đứa con đầu lòng, tôi gặp lại bạn cũ, vậy là tái nghiện và lại thành con nghiện”.
Nói đến đây, Nam bỗng lặng người, anh bảo nếu không có vợ chắc cuộc đời anh đã không được như ngày hôm nay. Để cai nghiện cho người tái nghiện là hành trình gian nan hơn nhiều so với lần cai nghiện đầu. Những ngày tự giam mình trong cũi sắt để cắt cơn, anh Nam luôn có vợ bên cạnh, chăm sóc chu đáo, tiếp thêm sức mạnh, đồng hành cùng chồng. Trong một lần tình cờ biết đến trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy, đăng ký cho anh cai nghiện.
Hanh trinh thoat khoi "nang tien nau" cua nhung nguoi lam lo
Anh Nam đã thoát khỏi được "nàng tiên nâu" và giúp đỡ những người nghiện khác. 
Tuy nhiên, ở Trung tâm được vài hôm anh lại tìm cách trốn về nhà. Khi đó, gia đình gần như buông bỏ, vợ anh ôm con mếu máo: “Nếu anh không bỏ được ma túy thì không thể làm người được”, Nam như giật mình tỉnh giấc. Anh lấy điện thoại gọi điện cho Giám đốc trung tâm và muốn được thử thách thêm lần nữa.
Hơn 3 tháng sau, anh Nam cắt được cơn nghiện, anh bản lĩnh hơn, không còn sợ hãi mỗi khi nghĩ đến ma túy. “Có lúc vợ tôi vì giận quá nên đã làm đơn ra tòa, nhưng vì thương con, thương chồng nên lại thôi, vợ luôn đồng hành cùng tôi mọi lúc mọi nơi. Tôi hiểu ra, ma túy đã gây ra không ít tổn thương và tước đi của tôi quá nhiều thứ. Từ đó, tôi quyết tâm trở thành người tốt, có ích cho xã hội bằng cách mang tiếng nói của mình đi giúp đỡ những người đang lầm đường lạc lối. Ngoài làm việc ở trung tâm, tôi cùng vợ mở công ty vận tải, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi dần lấy lại được niềm tin yêu của gia đình, bạn bè. Chưa dừng lại ở đó, để nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng bản thân, tôi thi vào đại học”, anh Nam kể.
Còn đối với anh Trần Lê Tuấn, sau nhiều năm học tập, nghiên cứu tài liệu, cộng với sự trải nghiệm của bản thân, giờ đây anh đã trở thành một chuyên gia tư vấn tâm lý cho người nghiện tại một trung tâm cai nghiện. Anh cũng không ngần ngại đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, đến những trung tâm cai nghiện để nói với họ rằng: “Tôi đã từng là một thằng nghiện, gia đình tôi đã phải đau đớn, khổ sở vì ma túy, nhưng nhờ sự quyết tâm, tôi đã làm lại cuộc đời. Tôi chỉ mong, những người nghiện sau khi trở về sẽ được gia đình, xã hội đón nhận và cho họ “vốn niềm tin” để bước đến tương lai tươi sáng”.
Dừng lại câu chuyện về một thời tuổi trẻ lầm lỡ, anh Nam, anh Tuấn hồ hởi kể về công việc, những hoạt động họ đã và đang làm để góp phần kéo những người nghiện ra khỏi sự ám ảnh của ma túy. Hơn ai hết, họ hiểu, để thoát ra khỏi “vũng bùn” nghiện ngập là điều không dễ dàng, cần có sự động viên, giúp đỡ, tạo cơ hội của cả cộng đồng...
Niềm tin sẽ tạo nên tất cả
Trao đổi với PV, bà Trần Thanh Hương, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho người nghiện ma túy cho biết: “Cả Nam và Tuấn là những người đã một thời lầm lỡ, thậm chí họ lún sâu vào các tệ nạn xã hội. Thế nhưng khi hiểu ra được giá trị của cuộc sống, họ đã cố gắng học, tìm hiểu sâu hơn những kiến thức về sự hủy diệt của ma túy. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, giờ đây họ đã trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý cho người nghiện, giúp rất nhiều bạn trẻ thoát nghiện và làm lại cuộc đời”.
Theo Mai Thu – Thanh Lam/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)