Hành hiệp giang hồ và những bí pháp, kỹ nghệ “đặc dị”

Google News

Để chính thức gia nhập Hội Kín đương sự sẽ phải vượt qua cuộc huấn luyện gọi là "nấu" với những thử thách gian nan. 

Trong Hội Kín, cấp lò có nhiệm vụ quan sát "cá" để tuyển chọn thành viên.“Cá” (một từ trong tiếng Lóng) chỉ những người dân không hợp tác với Pháp. Khi phát hiện 1 cá nhân có đủ tố chất sức khỏe, cá tính mạnh, người của lò bắt đầu tiếp cận để chiêu dụ gia nhập hội. Để chính thức gia nhập Hội Kín đương sự sẽ phải vượt qua cuộc huấn luyện gọi là "nấu" với những thử thách gian nan. Muốn trở thành giang hồ thực thụ buộc người mới phải thuần thục những bí pháp, kỹ nghệ…
Những màn huấn luyện “đặc dị”
Công đoạn "nấu" gồm 3 phần: “Trụn”, “luộc” và “hấp”. “Trụn” là việc "ma cũ" (thành viên cũ) tổ chức những chuyến "ăn hàng" (trộm của nhà giàu để chia cho nhà nghèo) nhằm thử thách người mới định gia nhập hội. Phi vụ đầu tiên “ứng viên” chỉ có nhiệm vụ quan sát học hỏi các ngón nghề của người cũ. Nếu “ứng viên” tỏ ra dũng cảm sẽ được bước tiếp vào vòng “luộc”, có nghĩa phi vụ trộm sau người này được tham gia trực tiếp với vai trò phụ. Vượt qua thử thách tiếp theo, “ứng viên” phải trực tiếp tiến hành vụ trộm gọi là “hấp” (ôn lại ngón nghề ăn trộm đã học). Qua được thử thách “hấp” “ứng viên” được kết nạp chính thức vào Hội Kín.
Hanh hiep giang ho va nhung bi phap, ky nghe “dac di”
 Hội Kín thờ Bạch Mi Lão Tổ.
Lúc này, thành viên mới (ma mới) được “trui” luyện các kỹ năng, bí pháp ăn cướp. Bao gồm: Hành thích (ám sát), hành tẩu (bỏ chạy), hành ẩn (ẩn trốn), hành qui (hóa thân) và hành phục (nhập vai) theo từng cấp. Mở đầu là cấp "lôi", thứ hai là "điện", ở hai cấp này, "ma mới" sẽ được học bùa, chú, võ nghệ. Cấp thứ ba là "phong", thứ tư là “hỏa”, cuối cùng là “mộc”, qua mỗi cấp thành viên được xăm một hình xăm riêng trên thân thể. Các cấp này chỉ để khẳng định năng lực mỗi “ma mới” chứ không phân biệt ngôi thứ, vai vế. Vì luật của Hội Kín qui định mọi thành viên đều ngang vai phải lứa. Tuy vậy, để tôn trọng nhau các thành viên vẫn xưng hô theo tuổi, người lớn tuổi xưng huynh, người nhỏ tuổi xưng "đệ", "muội". Riêng thủ lĩnh của lò được các thành viên tôn xưng là đại ca và có quyền sinh sát tại lò của mình.
Tác giả từng gặp ông Hai Niệm - Một thành viên Hội Kín thuộc thế hệ cuối cùng, ẩn cư ở Đức Hòa, Long An. Ông Hai Niệm cho biết, sau khi vượt qua giai đoạn "nấu", căn cứ vào quá trình học tập, thành viên mới sẽ được giao về "Kèo Xanh" hay "Kèo Vàng". Nếu giỏi thể lực sẽ được về "Kèo Xanh", giỏi mưu lược sẽ được về "Kèo Vàng". Sau khi phân Kèo, mới được tiếp tục bước vào giai đoạn “trui”. Ông kể: "Thật ra, công đoạn Nấu là đi … ăn trộm. Còn công đoạn Trui là đi… ăn cướp. Dân Hội Kín có 5 thành phần: Ăn trộm, ăn cướp, ăn mày, làm gái bán hoa và hát tuồng. Đó là lý do 5 giới này đều thờ chung Bạch Mi Lão Tổ. Thờ Bạch Mi Lão Tổ chỉ là 1 ám hiệu để dân Hội Kín nhận đồng môn thôi chứ Hội Kín phải thờ 5 vị Lão Công. Đi đâu cũng mang 5 ông Công theo rất bất tiện. Vì vậy chọn Bạch Mi Lão Tổ làm ám hiệu để Pháp tưởng nhầm mình chỉ là dân Hoa Kiều tín ngưỡng".
Cách tuyển người và huấn luyện của Hội Kín ban đầu bắt chước Thiên Địa Hội của người Trung Hoa tại Việt Nam. Hội Kín rất ít tuyển phụ nữ nhưng đã tuyển thì đa phần đều trong giới kỹ nữ. Thành viên nữ chỉ được học “Bảy chữ, tám nghề” cho nghề ca, kỹ. “Bảy chữ” gồm: Khấp (kỹ nghệ khóc, nũng nịu), tiễn (kỹ thuật lưu luyến khi đưa tiễn), thích (xăm tên), thiêu (đốt hương xông thơm), giá (hẹn hò), tẩu (lẩn tránh, từ chối), tử (doạ chết). “Tám nghề” làm khách “phê” gồm: Kích cổ thôi hoa (tuyệt chiêu dành cho khách nhỏ con), kim liên song toả (khách to béo), đại xiển kì cổ (khách nóng tính), mạn đả khinh khao (khách lâu phê), khẩn thuyên tam trật (khách chưa có kinh nghiệm), tả trì hữu trì (khách sành đời), toả tâm truy hồn (khách si tình), nhiếp thần nhiệm toả (khách lạnh lùng).
Giang hồ ngày nay và cách hành xử của Hội Kín
Người của Hội Kín luôn đội nón nỉ (mũ nỉ) có vành hoặc cầm dù (chiếc ô) để làm ám hiệu. Đội nón lệch sang một bên hoặc cầm ngược cán dù là có người theo dõi. Khi đến nơi, móc dù ngược vào trong nhà hoặc nón ngửa thì không an toàn. Ngọn đèn dầu trên bàn thờ tổ trong nhà cũng được tận dụng làm ám hiệu ban đêm. Nếu đèn lu mờ là an toàn, ngọn đèn cháy lớn là nguy hiểm.
Chỉ cần nhìn nón, dù, bàn thờ Bạch Mi Lão Tổ là người Hội Kín nhận ra nhau. Khi đi ghe, nếu chiếc gầu úp trên cần bánh lái là ám chỉ chủ ghe là người trong hội.
Hanh hiep giang ho va nhung bi phap, ky nghe “dac di”-Hinh-2
 Xăm hình hổ là đẳng cấp cao nhất trong Hội Kín.
Nếu muốn nhận diện nhau, một người dùng hộp quẹt dầu hoặc diêm đưa ra trước mặt quẹt, thổi tắt vài lần. Người kia đọc mấy câu thơ đáp trả: “Hòn núi Diệm Sơn rất nêu cao/ Trực nhìn thấy ngọn lửa hỏa hào/ Liều mình bước đại qua ngọn núi/
Được gặp hiền lương kết nghĩa hào”.
Ngoài ra họ còn nhận diện nhau bằng hình xăm trên thân hình. Sau năm 1975, Ông Hai Niệm đã dùng bàn ủi nóng là trên da tạo sẹo để xóa dấu vết xăm. Ông cho biết, tất cả thành viên Hội Kín đều xăm mình trên ngực. Cấp lôi được xăm hình sấm sét giống như chữ Z trên ngực trái. Cấp điện được xăm hình cây đèn cầy trên ngực phải. Cấp phong xăm hình trôn ốc dưới hình sấm sét trên ngực trái. Cấp hỏa xăm hình ngọn lửa dưới hình chiếc đèn cầy. Cấp mộc được xăm hình quan tài trên vai trái. Đó là cách xăm dành cho Kèo Xanh chuyên về hành động. Còn cách xăm của Kèo Vàng ông Hai Niệm chỉ nhớ mang máng là hình Rồng cho đẳng cấp thấp nhất, kế đó là lân, qui, phụng, hổ. Người nào mang hình con cọp trên vai thì võ nghệ cao cường đồng môn kính nể.
Sau này, giới giang hồ anh chị vẫn giữ tục xăm mình nhưng không theo qui tắc nào. Thấy hình quan tài "ngầu", có người bắt chước xăm trên ngực kèm chú thích: "Nếu một mai tôi nằm trong lòng đất lạnh/ Nghĩa trang buồn sẽ là trạm tiễn đưa nhau". Có kẻ thuộc loại "giang hồ mới ra ràng" (tức mới tập tành ra đời) cũng xăm trên ngực hình đèn cầy mà không hề biết rằng thời Hội Kín, người đạt được cấp điện có thể "Nhật vô nhân ảnh, nguyệt bất thinh âm" (có nghĩa là trình độ võ công, bí thuật thượng thừa, hành tung bí ẩn, bất kể ngày đêm khó phát hiện ra họ).
Hình xăm đại bàng ngày nay cũng là biến thể của hình xăm chim Phụng của cấp hỏa. Một số đại ca xăm hình đầu cọp choán hết cả thân người mà không biết rằng, thời Hội Kín, võ thuật của người mang hình xăm cọp đã đạt trình độ võ sư thâm hậu. Chưa kể một số giang hồ "cóc ké" còn xăm thêm những dòng chữ: Hận đàn bà, hận đời đen bạc, xa quê hương nhớ mẹ hiền, một đi không trở lại…
Ngoài ra, để giữ bí mật, người của Hội Kín còn đặt ra một thứ ngôn ngữ dị biệt, gọi là tiếng lóng. Nhiều người nhầm tưởng, tiếng lóng do giới giang hồ Bình Xuyên "sáng tác". Nhiều tài liệu cho thấy đó là ngôn ngữ chính của những người Hội Kín trao đổi với nhau.
Người trong hội gọi là "tại". Người dân ngoài hội nhưng không ác cảm với hội gọi là "cá". Thanh niên gọi là "khứa". Thanh nữ gọi là "ghế". Thiếu nhi gọi là "nhí". Người lớn tuổi gọi là lão. Đàn ông lớn tuổi gọi là "khứa lão". Phụ nữ lớn tuổi gọi là "ghế lão". Di chuyển gọi là "đua". Quan sát gọi là "địa". Canh gác gọi là "canh chèo". Cảnh sát gọi là "cớm". Đồng hồ gọi là "đổng". Vàng gọi là "vảng". Những từ lóng này, giới giang hồ Sài Gòn truyền miệng nhau giữ nguyên gốc và sử dụng cho đến những năm 1980. Sau này, giới giang hồ phía Bắc tự đặt ra thứ tiếng lóng mới, pha trộn làm mất dần nguyên gốc thứ ngôn ngữ đặc biệt này.
Giang hồ Hội Kín sống mã thượng, trọng nghĩa khinh tài (tiền bạc). Họ lang thang khắp Nam kỳ Lục tỉnh hành hiệp. Họ lấy của người giàu chia cho người nghèo. Mục tiêu chính của Hội Kín là "diệt Pháp phục Việt". Vì tin tưởng quá nhiều vào tâm linh, họ chờ đợi ngày "đời tới" để phất cờ khởi nghĩa. Ngày "đời tới" chỉ có người chỉ huy tối cao ban lệnh. Tuy nhiên, không ai biết người chỉ huy tối cao là ai và ngày "đời tới" là ngày nào.
Do hệ thống tổ chức không khoa học, không đường lối cụ thể, nên căn cứ kháng chiến ở Trung ương của Hội Kín bị Pháp đàn áp, tiêu diệt họ vẫn không hay biết và tiếp tục hoạt động, chờ đợi. Dần dà, những tổ chức lò ở cấp địa phương thoái hóa, biến chất thành những tổ chức đầu trộm, đuôi cướp.
Một số kẻ lưu manh, côn đồ trá hình danh nghĩa Hội Kín để qui tựu đàn em hà hiếp dân lành khiến tổ chức này mang tiếng xấu. Chưa kể, một số người của Thiên Địa Hội cũng mạo danh Hội Kín cướp bóp, trấn lột các nhà buôn càng khiến dân chúng khinh thường Hội Kín. Có dạo, khi nghe tên Hội Kín hoặc Thiên Địa Hội, người dân lương thiện vội vã đóng cửa cài then. Ngược lại từ những năm cuối thế kỷ 19, người dân nghèo luôn nồng nhiệt chào đón người của Hội Kín…
Theo Huyền Sơn-Phú Lâm/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)