Hãi hùng bên trong nhà vệ sinh trên tàu hỏa

Google News

Có thể nói ai từng đi tàu lửa cũng phải thốt lên hai từ “kinh hãi” khi chứng kiến các phòng vệ sinh dơ bẩn, mùi xú uế bốc lên nồng nặc khó chịu.

Trong cả 2 lộ trình từ TP HCM về quê ăn Tết và từ quê trở lại TP, tôi đều chọn phương tiện di chuyển là tàu lửa. Bởi lẽ, so với đi máy bay những ngày Tết, đi tàu có thể tiết kiệm được khoảng vài triệu đồng, so với đi xe khách thì an toàn hơn. Khoảng vài năm nay, ngành đường sắt đã có nhiều thay đổi khi đóng mới, trang bị toa xe ngày một khang trang, hiện đại hơn. Việc cung ứng phần ăn cũng được nâng cao khi tới mỗi bữa, khách được ăn những hộp cơm nóng hổi, các món được chế biến tinh tươm, sạch sẽ, giá cả hợp lý. Chuyện người bán hàng rong lên tàu mời mọc, làm phiền khách cũng đã được hạn chế tối đa nên an ninh được bảo đảm hơn... Những đổi mới của ngành đường sắt rất đáng ghi nhận.
Hai hung ben trong nha ve sinh tren tau hoa
Ảnh minh họa. 
Tuy nhiên, song hành trên vài chuyến tàu Bắc - Nam, tôi thấy còn những điều bất cập khiến đa số hành khách không hài lòng. Một trong các vấn đề đó là khu nhà vệ sinh trên mỗi toa xe.
Có thể nói không cảm tính rằng ai từng đi tàu lửa cũng phải thốt lên hai từ “kinh hãi” khi chứng kiến các phòng vệ sinh dơ bẩn, mùi xú uế bốc lên nồng nặc khó chịu. Vẫn biết nhà vệ sinh công cộng khó tránh được sự dơ bẩn, nhất lại là trong điều kiện trên những chuyến tàu lưu động nhưng theo tôi, vấn đề này ngành đường sắt có thể khắc phục. Cứ khoảng 1-2 giờ, chỉ cần nhân viên thường xuyên quét dọn, tẩy rửa phòng vệ sinh - việc này chỉ mất khoảng 10 phút, không quá khó. Thực tế, sở dĩ các phòng vệ sinh trên tàu dơ bẩn đến kinh hãi là vì suốt cả hành trình của mỗi chuyến tàu dài tới 20-30 giờ, chúng không hề được dọn dẹp, tẩy rửa.
Không chỉ dơ bẩn, nặng mùi, các phòng vệ sinh còn quá nhỏ hẹp, chật chội, cửa lại kéo mở vào bên trong. Mỗi khi bước vào, khách chỉ còn cách trèo lên bệ xí mới có thể đóng, mở cửa. Với những hành khách thuộc dạng to con thì việc “giải quyết nỗi buồn” thật sự quá khó khăn. Đành rằng có được phòng vệ sinh chật hẹp như vậy trên mỗi toa xe là cả một sự cố gắng nhưng một khi đã làm cũng nên thiết kế rộng hơn một chút nữa để tạo thuận lợi cho hành khách.
Thiết nghĩ, để thu hút khách đi tàu, ngoài những cải tiến đã và đang thực hiện, ngành đường sắt nên lưu tâm đến việc xây dựng phòng vệ sinh đủ thoáng, sạch, tiện lợi. Vấn đề này tuy nhỏ nhưng góp phần tạo sự thuận lợi, thoải mái cho hành khách, qua đó thu hút được số đông người khi lựa chọn phương tiện di chuyển xa.
Theo Trần Đăng Quang/Người Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)