Gian nan "giữ lửa" nghề rèn truyền thống ở Bình Dương

Google News

Lò rèn của ông Bạch Văn Bống, ngụ tại ấp Suối Tre (Bình Dương) đã tạo nên một thương hiệu riêng, là niềm tự hào của gia đình và mọi người.

Bởi đam mê, yêu nghề
Cùng với sự phát triển của công nghiệp, ngày nay rất nhiều các sản phẩm kim loại như dao, rựa, cuốc, xẻng đã được thiết kế khác đi với nhiều mẫu mã khác nhau, được bày bán với giá rất mềm ngoài thị trường. Tuy nhiên, với người dân lao động thì những sản phẩm được làm thủ công vẫn gắn bó nhiều hơn với họ.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ngụ ấp Suối Tre, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng cho biết: “Hiện nay, các loại dao inox được bày bán nhiều ở chợ, siêu thị, khi mua về dùng không được lâu, không còn sắc cùng rất khó mài. Vì vậy, đa phần người dân ở ấp chúng tôi vẫn dùng dao, rựa thủ công vì độ sắc bén, bền và chịu lực tốt của chúng. Một khi dao không còn sắc thì có thể mài nhẹ là lại dùng rất tốt”.
Gian nan giu lua nghe ren truyen thong o Binh Duong
Để tiếp lửa nghề rèn truyền thống của cha ông, suốt gần 50 năm qua, ông Bạch Văn Bống luôn miệt mài với công việc. Ảnh: Giao Tiên 
Riêng với ông Bạch Văn Bống (thường gọi là Hai Bống), gần 60 tuổi, gắn bó với nghề rèn đã hơn 40 năm, chừng ấy thời gian, ông đã không còn nhớ đã có bao nhiều cái rựa, con dao, cái cuốc, cái xẻng được rèn, dũa từ đôi tay mình.
Ông Bống nhớ lại: “Hồi đó, lúc ông 11 tuổi đã được bố kêu phụ làm những việc như quay bể, xúc than… Dần dần cũng biết rèn con dao, cái rựa và bỗng thấy yêu tiếng búa, tiếng đe. Dù thấm thía sự nhem nhuốc, vất vả của nghề rèn, nhưng đến nay đã kế nghiệp của cha ông mấy chục năm rồi”.
Những năm gần đây, nghề rèn gặp nhiều khó khăn. Do những công cụ như dao, rựa, cuốc, liềm làm thủ công rất khó cạnh tranh với các mặt hàng ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, giá cả chênh lệch rất lớn do đó sản phẩm thủ công rất khó cạnh tranh. Ví như một cái rựa được rèn thủ công phải làm mất nửa ngày, đổ mồ hôi nước mắt, bán với giá 150.000 đồng đến 500.000 đồng.
Trong khi, một cái rựa được làm công nghiệp nhập từ các nước thì chỉ bán với giá 60.000 đến 100.000 đồng.
Nếu như trước đây, lớp thanh niên như thế hệ ông Hai Bống đều coi nghề rèn là nghề chính để mưu sinh thì lớp thanh niên nay chẳng còn ai muốn gắn bó với nghề rèn. Số thợ rèn biết nghề trong làng còn lại rất ít, một số cũng chuyển sang việc khác như hàn hay vá, sửa xe.
“Thế hệ trẻ bây giờ, rất ít người kiên nhẫn ngồi lựa chọn những thanh sắt, thanh thép, tỉ mẫn gọt, đẽo từng thanh tre hay chịu ngồi trong một cái lò than nóng bức để rèn con dao, cái rựa”, ông Bống nói.
Kinh nghiệm “giữ” nghề
Theo ông Bống, để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua nhiều công đoạn. Từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc và làm nắm cần.
Các công đoạn tạo ra sản phẩm rèn đều có tầm quan trọng nhất định, nếu không làm tốt một công đoạn thì nhất định sản phẩm làm ra sẽ không thể đạt chất lượng tốt nhất. Người thợ làm lâu năm, có kỹ thuật tốt đều nắm rõ để có một sản phẩm ưng ý trước hết cần phải tìm cho được sắt, thép tốt, rồi đến chọn than, đặt bếp cần phải chọn lựa kỹ càng.
Người thợ rèn có khi phải làm cả công đoạn đập sắt vì chỉ có họ mới hiểu được thanh sắt sắp rèn. Đó là khi nâng búa, đập nhịp nhàng, lần nặng, lần nhẹ tạo sự chính xác nơi nện búa. Do đó, để có thể làm ra một sản phẩm có tính thẩm mỹ, có độ sắc bén đòi hỏi người thợ rèn phải rèn luyện, kinh qua thực tế rất nhiều.
Ngoài đam mê, người thợ rèn cần phải sáng tạo bởi nông cụ rất đa dạng. Khác với miền Bắc, người dân chỉ dùng các nông cụ như dao, liềm, cuốc… thì ở Bình Dương người dân chủ yếu trồng cây công nghiệp nên cần nhiều hơn các nông cụ như cuốc, rựa, đặc biệt là dao cạo mủ cao su.
Người thợ rèn muốn “giữ” nghề, bám trụ với nghề đòi hỏi người thợ đó phải khỏe, phải kiên trì, tỉ mỉ. Kiên trì để bám trụ với nghề, tỉ mỉ để tập trung quan sát, để phân biệt thanh sắt với ngọn lửa trong lúc rèn và thổi hồn vào từng sản phẩm giúp cho sản phẩm rèn đạt chất lượng cao.
Bởi vì chỉ cần mất tập trung một chút thôi, ngọn thép trên than có thể đã được tôi quá già hoặc quá non khiến cho sản phẩm đó không đạt chất lượng và cũng có thể không thể dùng được. Có thể nói với những người làm nghề rèn lâu năm như ông Hai Bống thì mỗi sản phẩm làm ra là tinh hoa đúc kết qua nhiều năm làm nghề.
Chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ở ấp Suối Tre nói: “Hiện nay, nhà nông đã không còn đến các lò rèn chờ đặt hàng cái cuốc, con dao, cái liềm, cái rựa nữa vì máy móc giờ đã thay thế cuốc, cày.
Sở dĩ lò rèn của ông Bống vẫn luôn đông khách đặt hàng là bởi người làm thợ rèn nay đã ngày càng ít đi nhưng người dân quê vẫn có thói quen dùng nông cụ thủ công từ lò rèn như cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, riêng với người dân ấp chúng tôi thì con dao cạo mủ là nông cụ rất giá trị”.
Với ông “Hai Bống”, nghề rèn chẳng thể mang lại cho ông một cuộc sống vương giả nhưng có lẽ ngọn lửa đam mê với nghề rèn không bao giờ tắt bởi hơi ấm lửa rèn vẫn cháy mãi trong tim, trở thành động lực thôi thúc ông tiếp tục gìn giữ, bám trụ với nghề.
Ở Bình Dương, hiện người thợ rèn kiếm tiền nhiều nhất là nhờ đập dao cạo mủ cao su. Một con dao cạo mủ nếu được sử dụng thường xuyên, chỉ dùng được một năm là mòn, người công nhân lại phải đem đến thợ rèn để làm lại.
Làm mới một con dao cạo mủ 150.000 đến 250.000 đồng, sửa một con dao cạo mủ thì có giá 30.000 đồng. Cứ thế trung bình một ngày ông Bống làm mới và sửa được chừng 12 đến 20 con dao cạo mủ cao su, tạo ra nguồn thu nhập tương đối giúp gia đình ông ổn định cuộc sống.
>>> Mời quý độc giả xem video hầm bí mật của biệt động Sài Gòn (nguồn VTV):
Theo Giao Tiên/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)