“Giải cứu” ùn tắc kinh hoàng ở hầm vượt sông hiện đại nhất ĐNA

Google News

(Kiến Thức) - Với gần 274 nghìn lượt ôtô, xe máy lưu thông mỗi ngày và tiếp tục tăng, hầm vượt sông Sài Gòn (hầm Thủ Thiêm) đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc nghiêm trọng.

Từ tháng 9 đến nay (tháng 12/2017), tình trạng ùn tắc giao thông liên tục diễn ra tại khu vực đường hầm Thủ Thiêm (nối quận 1 với KĐT mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM). Nhất là trong 2 khung giờ cao điểm sáng – chiều, hàng nghìn người tham gia giao thông một phen khốn đốn vì kẹt cứng kéo dài từ đầu đường dẫn vào hầm đến gần 1,5km trong đường hầm.
Tình trạng kẹt xe kinh hoàng vào giờ cao điểm ở hầm Thủ Thiêm khiến người dân khốn đốn. Ảnh Zing. 
“Tôi từ nhà ở quận 2 đi làm công ty ở quận 1 chạy xe qua hầm mất chỉ 10 phút. Thế nhưng thời gian gần đây, để qua được đường hầm tôi phải chịu trận hơn 30 phút. Tình trạng xảy ra vào đầu giờ cao điểm buổi sáng ở hướng quận 2 sang quận 1 và cao điểm chiều ở hướng ngược lại”, anh Đăng Hải, một người dân ngụ ở quận 2, chia sẻ.
Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm Thủ Thiêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do lượng xe lưu thông qua hầm tăng đột biến những tháng gần đây và chủ yếu tăng trong giờ cao điểm. “Ngoài ra còn có nguyên nhân do va chạm xe máy, xe máy hư hỏng nên phải dẫn bộ trong hầm”, ông Triết cho biết.
Theo thống kê của Trung tâm hầm Thủ Thiêm, trong tháng 11 vừa qua, mỗi ngày có 43.800 ôtô (tăng 9 nghìn lượt/ngày so với cùng kỳ năm 2016), 230 nghìn lượt/ngày xe máy (tăng 30 nghìn lượt/ngày so với cùng kỳ năm 2016) lưu thông qua hầm Thủ Thiêm.
Nhiều lực lượng gồm CSGT, nhân viên Trung tâm hầm Thủ Thiêm được tăng cường để điều tiết, xử lý các sự cố nếu xảy ra ở hầm để hạn chế ùn tắc. 
“Để khắc phục tình trạng này, trung tâm đã tăng nhân viên thường xuyên túc trực ở 2 đầu hầm phối hợp với CSGT điều tiết giao thông. Khi có xe chết máy, va chạm trong hầm thì nhanh chóng có mặt để cứu hộ. Thời gian tới, nếu tình trạng kẹt xe vẫn không giảm, trung tâm có thể sẽ phối hợp với CSGT Bến Thành tổ chức cho ôtô tạm dừng ở bên ngoài đầu hầm 1 thời gian, dành làn đường ôtô cho xe máy lưu thông. Đồng thời trong khi chờ xây cầu Thủ Thiêm 2 (đã khởi công-PV), trung tâm sẽ bố trí lại làn xe lưu thông theo hướng tăng bề rộng làn xe máy. Chúng tôi sẽ báo cáo Sở GTVT về phương án nói trên để có thể thực hiện ngay trong tháng 12 này”, ông Triết thông tin.
Hầm Thủ Thiêm là hạng mục quan trọng nhất trong dự án xây dựng Đại lộ Đông Tây (nay là đường Mai Chí Thọ (quận 2) và đại lộ Võ Văn Kiệt (qua các quận 1, 5, 6, 8) của TP HCM. Công trình hầm vượt sông Sài Gòn này có quy mô hiện đại nhất Đông Nam Á với chiều dài 1,49 km, rộng 33 m, cao 9 m, với 6 làn xe lưu thông, mỗi bên 3 làn cho cả ôtô và xe máy. Ngoài ra còn có 2 làn đường thoát hiểm hai bên. Tốc độ thiết kế đạt 60 km/giờ.
Quá trình thi công hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu từ tháng 2/2005 với việc khởi công xây dựng 2 hầm dẫn. Mẻ bê tông đầu tiên đúc 4 đốt hầm được đổ vào tháng 9/2007 tại bể đúc ở Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Ngày 6/1/2010, công tác bơm nước vào khu vực bể đúc để kiểm tra cân chỉnh các đốt hầm.
Từ tháng 3/2010 đến tháng 6/2010, bốn đốt hầm dìm đã lần lượt được lai dắt từ bể đúc ở Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vượt qua 22 km đường sông về đến khu vực Thủ Thiêm, lắp đặt nối kết thành công an toàn tuyệt đối với hầm dẫn phía Thủ Thiêm (quận 2).
Ngày 4/8/2010 đã đổ mẻ bê tông đầu tiên thi công đốt hợp long, nối kết đốt hầm số 4 với hầm dẫn phía Khánh Hội (quận 1) và mẻ bê tông cuối cùng của đốt hợp long đã được thực hiện vào ngày 4/9/2010.
Ngày 21/9/2010 hợp long thành công hầm Thủ Thiêm. Từ 6h sáng ngày 21/11/2011, hầm Thủ Thiêm chính thức mở cửa cho người dân lưu thông.
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)