Đề xuất DN Trung Quốc xây sân bay Long Thành là quá hồn nhiên!

Google News

(Kiến Thức) - Tướng Lương cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành, ngoài vấn đề kinh tế, ngoại giao ra thì còn phải quan tâm đến vấn đề quốc phòng an ninh.

Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành mới đang ở bước chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa quyết định hình thức đầu tư của dự án cũng như cơ chế, nguồn vốn, danh mục kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, mới đây, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, ông Vũ Văn Tiền vừa cùng Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) bất ngờ đề xuất với Thủ tướng xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Việc, Geleximco liên kết với các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc như Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang xin xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
De xuat DN Trung Quoc xay san bay Long Thanh la qua hon nhien!
Tướng Lương cho rằng, xây dựng sân bay Long Thành, ngoài vấn đề kinh tế, ngoại giao ra thì còn phải quan tâm đến vấn đề quốc phòng an ninh, đặc biệt là chiến lược quân sự gắn với phòng thủ đất nước.
PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Mã Lương về vị trí chiến lược quân sự của sân bay Long Thành và những nghi ngại xung quanh việc doanh nghiệp Trung Quốc xin tham gia dự án này!
Thưa thiếu tướng Lê Mã Lương, có nhiều ý kiến cho rằng, sân bay Long Thành nằm tại vị trí chiến lược, không chỉ về lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, mà còn về mặt chiến lược quân sự, có ý nghĩa đặc biệt với an ninh quốc phòng, Thiếu tướng nghĩ sao về ý kiến này?
Đối với Quốc phòng - An ninh, sân bay Long Thành có vị trí và ý nghĩa về mặt chiến lược quân sự. Thứ nhất, vị trí của sân bay Long Thành trong lịch sử, vùng đất này đã là một vùng đất địa linh, nhân kiệt.
Thực tế đã chứng minh, suốt trong cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ, ở ngoài phạm vi Sài Gòn (TP HCM) nếu Chính quyền ngụy quyền Sài Gòn khống chế được, toàn bộ phía đông và phía Nam Sài Gòn như một cái áo giáp, bởi mất điểm nhấn vùng trọng điểm này sẽ đe dọa trực tiếp đến Sài Gòn. Điển hình, trước 30/4/1975, sau khi mất Xuân Lộc, toàn bộ quân lực VNCH dồn hết về khu vực Long Thành (Đồng Nai). Đặc biệt, bảo vệ căn cứ, chốt chặn của VNCH đối với các hướng phía đông, phía nam và phía tây mà quân giải phóng tràn xuống.
Ví dụ như trên để thấy rằng, vị trí và tầm chiến lược quân sự, Long Thành có vị trí, ý nghĩa lớn đến như vậy.
De xuat DN Trung Quoc xay san bay Long Thanh la qua hon nhien!-Hinh-2
 
Chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được cho rằng là chủ trương đúng đắn để phát triển kinh tế, ngoại giao và cả về an ninh quốc phòng, bởi Long Thành có vị trí vô cùng quan trọng như ông phân tích ở trên, thưa Thiếu tướng?
Nhà nước đầu tư, xây dựng một sân bay Long Thành mang tầm quốc tế là chủ trương đúng đắn. Từ sân bay này, các đường bay đi vô cùng thuận lợi, hướng ra biển phía đông và hướng lên phía tây và phía bắc. Một không gian rất rộng, không ảnh hưởng nhiều bởi những điểm núi cao che khuất. Từ chỗ này, nếu đường bộ, đường sông, đường biển, tỏa đi các hướng rất thuận lợi.
Tập đoàn Geleximco vừa cùng Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) bất ngờ đề xuất với Thủ tướng xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành? Ông nghĩ sao nếu một doanh nghiệp Trung Quốc cùng tham gia xây dựng sân bay này?
Nếu doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu thì đó là điều khiến nhiều người e ngại. Không phải do doanh nghiệp Trung Quốc không đủ năng lực mà còn nhiều lý do khác. Tôi đánh giá ông Vũ Văn Tiền rất hồn nhiên, đôi khi suy nghĩ đơn thuần về mặt kinh tế không đánh giá chiều sâu của quốc phòng an ninh, có tác động trực tiếp đến vấn đề kinh tế không đơn giản như ai suy nghĩ đâu.
Trả lời trên báo chí, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết: “Dự án sân bay Long Thành, có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia”. Trước đó, phát biểu trước Quốc hội về nguồn vốn triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải - Trương Quang Nghĩa cho biết: “CHK Long Thành sẽ được xem xét đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, với trần nợ công hiện nay, để đầu tư Long Thành bằng vốn Nhà nước là hết sức khó khăn, còn nếu để các nhà đầu tư vào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”. Như vậy, việc các doanh nghiệp nước ngoài đều có thể tham gia dự án?
Lãnh đạo Bộ GTVT vừa trả lời trên báo chí, nó là tiếng nói theo chiến lược và cũng đúng thôi. Bất kỳ doanh nghiệp nào có đủ năng lực và sức mạnh tài chính thì đều được quyền đề xuất. Chúng ta phải cân nhắc, ngoài vấn đề kinh tế, ngoại giao ra thì còn phải quan tâm đến vấn đề quốc phòng an ninh, đặc biệt là chiến lược quân sự gắn với phòng thủ đất nước. Mục tiêu của chúng ta là phòng thủ đất nước nên làm bất kỳ công trình lớn nào ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế xã hội, an ninh đất nước thì vấn đề quốc phòng an ninh là vấn đề đặt trọng tâm để mà soi cho kỹ, không thể chủ quan được đâu.
Chưa xét đề xuất xây Long Thành của nhà đầu tư Trung Quốc:
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương hơn 16 tỷ USD). Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án có 2 nội dung trọng tâm cần được tập trung thực hiện là lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và lập phương án, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV chiều 19/6/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành dự án thành phần.
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội về nguồn vốn triển khai dự án, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận tải - Trương Quang Nghĩa cho biết: “Việc tư nhân đầu tư vào sân bay, nhà ga không còn mới và đang được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Chúng ta có nhà ga quốc tế Đà Nẵng phục vụ APEC, CHK Vân Đồn, nhà ga sân bay Nha Trang hoàn toàn do tư nhân đầu tư. Nhà ga T4 của sân bay Tân Sơn Nhất hiện cũng đã có 3-4 nhà đầu tư đề nghị được tham gia. Vì thế, CHK Long Thành sẽ được xem xét đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, với trần nợ công hiện nay, để đầu tư Long Thành bằng vốn Nhà nước là hết sức khó khăn, còn nếu để các nhà đầu tư vào thì phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện dự án mới đang ở bước chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, do đó phải chờ báo cáo nghiên cứu khả thi thông qua mới được xem xét. Tuy nhiên, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco - CTCP vừa cùng Chủ tịch Tập đoàn Năng lượng mới KAIDI Dương Quang (KAIDI) bất ngờ đề xuất với Thủ tướng xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội là lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cảng hàng không Long Thành cho giai đoạn 1 của dự án. Theo đó, Bộ GTVT đã giao cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi để làm cơ sở tuyển chọn nhà đầu tư. Vì vậy những đề xuất cần phải chờ đến khi báo cáo được cơ quan có thẩm quyền thông qua mới tiến hành tuyển chọn nhà thầu, nhà đầu tư theo các tiêu chí được quy định rõ trong báo cáo. Dự án sân bay Long Thành, có các hạng mục kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nên bất cứ nhà đầu tư nào cũng có thể đề xuất phương án tham gia.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)