Đại án Trầm Bê - Luật sư: Không thể thu hồi 2.500 tỉ đồng

Google News

Luật sư cho rằng không có căn cứ thu hồi số tiền 2.500 tỉ đồng từ BIDV để trả cho CB (VNCB) vì giao dịch này đã hoàn tất.

Ngày 27-1, phiên tòa xét xử vụ án tiêu cực xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB, bây giờ là CB) tiếp tục với phần trình bày của luật sư bảo vệ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng như tranh luận của đại diện VKSND TP HCM thực hành quyền công tố tại tòa.

Không nên gây hoang mang cho các ngân hàng

HĐXX thông báo trước đó, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản đã có văn bản yêu cầu thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ.

Ngày 27-1, thống đốc Ngân hàng Nhà Nước có văn bản gửi HĐXX kèm theo các văn bản chứng minh dòng tiền 4.500 tỉ tăng vốn điều lệ tại VNCB.

Bảo vệ cho BIDV, luật sư cho rằng không có căn cứ thu hồi số tiền 2.500 tỉ đồng từ BIDV để trả cho CB vì giao dịch này đã hoàn tất. Ngân hàng Nhà nước kết luận BIDV có sai phạm khi cho vay dù chưa đủ điều kiện cho vay nhưng trên thực tế là những công ty do ông Phạm Công Danh lập ra đã có tài sản bảo đảm tại BIDV gồm tiền gửi bất động sản, chứng thư bảo đảm. Khi hết hạn vay tiền thì BIDV đã thu hồi nợ đúng quy định nên không gây ra thiệt hại cho BIDV. Mặc dù chưa hoàn thành nghĩa vụ cho vay một cách tuyệt đối, tuy nhiên việc này không ảnh hưởng tới lợi ích của BIDV.

 Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa Ảnh: HOÀNG TRIỀU

BIDV nhận tiền gửi của VNCB với số tiền 3.700 tỉ đồng, theo kết luận giám định thì việc gửi tiền này là đúng theo quy định pháp luật. Luật sư cho rằng theo quy định của pháp luật, khi bên vay không thực hiện yêu cầu trả nợ thì bên cho vay được phép thu hồi nợ nhằm bảo đảm quyền lợi của bên vay. Việc VNCB dùng tài sản bảo đảm để bảo lãnh cho 12 công ty vay tiền từ BIDV là đúng quy định.

Trong quá trình cho vay có một số đơn thư về việc không thu hồi nợ nên BIDV đã thu hồi nợ trước thời hạn từ tiền gửi của VNCB với số tiền 2.500 tỉ đồng.

Luật sư bảo vệ cho BIDV cho rằng nhân viên ngân hàng này không biết việc VNCB vay tiền để tăng vốn điều lệ cũng như những việc làm không đúng pháp luật của ông Danh. Bên cạnh đó, BIDV cũng không biết việc ông Danh lập 12 công ty để làm khống hồ sơ vay tiền.

Luật sư cũng cho rằng quan hệ vay mượn tiền VNCB và BIDV là quan hệ dân sự đã hoàn tất nên không có căn cứ để bồi thường cho CB theo đề nghị của VKSND TP HCM.

Khi Ngân hàng Nhà nước mua lại VNCB với giá 0 đồng thì phải có quyền kế thừa những tài sản của VNCB cũng như nghĩa vụ thực hiện những yêu cầu của VNCB, trong đó có quyền trả nợ. Nếu thu hồi số tiền này thì gây hoang mang cho các ngân hàng.

Chấn chỉnh thái độ luật sư

Sau phần bảo vệ cho BIDV, VKSND TP HCM đối đáp lại phần bào chữa của các luật sư, bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Theo đại diện VKS, trong quá trình bào chữa, nhiều luật sư đã thiếu tôn trọng cơ quan tố tụng và đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam có ý kiến chấn chỉnh thái độ của các luật sư nhằm tránh trường hợp tương tự xảy ra tại phiên tòa.

Đối với số tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ, đại diện VKS cho rằng đã hòa vào dòng tiền chung nên không thể bóc tách ra khỏi dòng tiền của CB. Nếu số tiền này đã hòa vào dòng tiền chung thì đây là quan hệ giữa Danh và CB nên không xem xét. Về việc thu hồi tiền gửi, tiền lãi, chỉ thu từ Hứa Thị Phấn còn đối với Trần Ngọc Bích, Trần Quí Thanh không thu hồi bởi vì đã đề nghị thu hồi từ 3 ngân hàng. Trường hợp HĐXX cho rằng đây là tang vật cần thu hồi thì xem xét.


Theo PHẠM DŨNG /NLĐ

>> xem thêm

Bình luận(0)