Cuộc sống nhọc nhằn của những "cô dâu 8 tuổi" ở miền Tây xứ Nghệ

Google News

Đang ở cái tuổi ăn tuổi học, tuổi vui chơi nhưng bao cô gái trẻ của bản làng người Mông dọc biên giới núi rừng miền Tây xứ Nghệ đã theo chồng, cất tiếng ru buồn trên nương rẫy.

Lời ru buồn ở miền Tây xứ Nghệ
Ngược rừng lên miền Tây xứ Nghệ, tìm về các bản làng người Mông sinh sống, sau một ngày đi đường, chúng tôi đã đặt chân đến trung tâm của xã Huồi Tụ (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An) và được nghe rất nhiều câu chuyện cảm động về cuộc sống của những con người ở mảnh đất này.
Câu chuyện mà tôi ấn tượng nhất ở vùng quê nghèo này đó làn nạn tảo hôn. Nhìn những đôi mắt trong trẻo, nụ cười thơ ngây, khuôn mặt bầu bĩnh nét hồn nhiên trẻ thơ đã sớm phải gánh trên đôi vai nhỏ xíu trĩu nặng những lo toan cuộc sống. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối, gây biết bao hệ lụy buồn trong các gia đình nơi đây.
Chuyện tảo hôn đã trở nên quá quen thuộc ở các trường học. Gặp chúng tôi, các thầy cô giáo ai cũng than tình trạng học sinh bỏ học để ở nhà lấy vợ. Năm nào nhà trường cũng ra sức tuyên truyền, các thầy các cô vẫn ra sức vận động nhưng không dẹp được nạn tảo hôn ở vùng đất này.
Thầy Nguyễn Hùng, Trường THCS nội trú Huồi Tụ tâm sự: "Năm vừa rồi có đến 16 nữ sinh bỏ học để ở nhà lấy chồng. Có em mới học lớp 7, chưa hiểu khái niệm yêu đương chứ đừng nói đến vợ chồng hay hạnh phúc là gì. Cũng vì gia đình ép buộc...".
Nói rồi, thầy giáo Hùng đưa ra một danh sách hàng năm học sinh bỏ học sinh ở nhà lập gia đình. Hầu hết các em nữ đều bỏ học lấy chồng từ lứa tuổi mới 13-15.
Không chỉ nữ sinh, các học sinh nam cũng đua nhau bỏ học ở nhà cưới vợ khi tuổi đời mới chỉ 14-15. Trong số này, không ít cặp vợ chồng từng học cùng lớp, ở cùng ký túc xá và cùng bản làng với nhau.
Cuoc song nhoc nhan cua nhung "co dau 8 tuoi" o mien Tay xu Nghe
Hàng trăm thiếu nữ miền tây Nghệ An bỏ học khi 13 tuổi để lấy chồng (Ảnh: Phan Sáng) 
Lần theo địa chỉ bản làng của các em, chúng tôi đã gặp cặp vợ chồng trẻ Vờ Y Xùa và Xồng Bá Tớ (ở bản Huồi Đun, Huồi Tụ) khi Xùa đang bế trên tay đứa con nhỏ chưa đầy 1 tuổi.
Người mẹ chưa tròn 15 tuổi này hồn nhiên kể: "Năm em đang học lớp 7 thì nhà chồng đến bắt em về dâu. Lúc đầu em không chịu vì đang học dở chừng nhưng bị bố mẹ ép buộc nên em phải nghe theo.
Sau khi cưới chồng, nhà chồng vẫn cho em đi học tiếp nhưng hổ thẹn với bạn bè, thầy cô giáo nên em không dám đến trường dù rất nhớ các bạn, nhớ lớp, nhớ trường và các thầy cô giáo".
Thầy giáo Hùng cho biết thêm: Nhận thức của các gia đình ở đây còn lạc hậu, thiếu hiểu biết nên đã để xảy ra tình trạng đáng tiếc này kéo dài từ bấy lâu nay. Các em bỏ học lấy chồng nhiều nhất vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán do phong tục tập quán của đồng bào Mông ở khu vực miền núi.
Chúng tôi rời bản làng của xã Huồi Tụ trong chiều mây mù che khuất sau từng đỉnh núi. Men theo con đường ngoằn nghoèo chúng tôi ngược lên đỉnh cao nhất của khu vực biên giới Nậm Cắn, Kỳ Sơn (cách mực nước biển hơn 1.500m).
Các bản làng của Nậm Cắn chủ yếu nằm ven theo hai bên tuyến QL7A, cách trung tâm thị trấn Mường Xén chừng non 20km. Ngoài số ít đồng bào Thái, Kinh và Khơ Mú, còn lại ở Nậm Cắn chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Vì thế, tình trạng tảo hôn ở học sinh nơi này hàng năm khá nhiều.
Một cô giáo dạy môn Tiếng Anh ở Nậm Cắn tâm sự: "Có lần thấy cặp học trò trong lớp cùng nghỉ học suốt cả tuần, cô giáo vào tận bản làng để tìm hiểu và thăm hỏi gia đình mới biết hai em ở nhà để tổ chức đám cưới".
Cuoc song nhoc nhan cua nhung "co dau 8 tuoi" o mien Tay xu Nghe-Hinh-2
Không ít học sinh cấp 2 khu vực miền Tây Nghệ An sớm bỏ học để về bản làng lập gia đình.(Ảnh: Phan Sáng) 
"Sau khi nên vợ chồng ở cái tuổi vẫn được gọi là trẻ con, các em không còm dám tới trường nữa vì sợ bạn bè trêu ghẹo. Thấy vậy, tôi nhiều lần vào tận gia đình động viên hai em tiếp tục đến trường học chữ để sau này có điều kiện giúp bản làng, các em đã đồng ý trở lại lớp học.
Qua tìm hiểu được biết do phụ huynh hai gia đình đã giao kèo nên dù biết là vi phạm pháp luật nhưng các em vẫn phải lấy nhau" - cô giáo này chia sẻ.
Cuoc song nhoc nhan cua nhung "co dau 8 tuoi" o mien Tay xu Nghe-Hinh-3
Không ít thiếu nữ đồng bào Mông đang tuổi ăn, tuổi học bỗng dưng bỏ học lấy chồng. (Ảnh: Phan Sáng) 
Một trường hợp khác, Vừ Y X - ở bản Huồi Đun - từng bị bố mẹ ép lên xe hoa từ khi đang còn là học sinh tiểu học. Về nhà chồng ở tuổi ấy, X chỉ như một đứa trẻ chỉ biết ăn, chơi và học bài... như bao đứa trẻ khác.
May mắn, nhà chồng đã tạo điều kiện cho cô đi học. Nhờ thế mà đến nay, X. không những học xong cấp 2, cấp 3, mà còn tốt nghiệp Trường ĐH Y khoa Thái Nguyên và đã trở thành nữ bác sỹ đầu tiên của đồng bào Mông ở vùng núi Kỳ Sơn này.
Cái kết đắng từ nạn tảo hôn
Vào các bản làng của đồng bào Mông dọc tuyến biên giới các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn, phóng viên đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khó khăn của các cặp vợ chồng kết hôn khi còn ở tuổi vị thành niên.
Tình cờ có mặt ở xã vùng biên Tam Hợp, huyện Tương Dương, chúng tôi bắt gặp cặp vợ chồng Xồng Y Xua và Lầu Bá Kỷ (năm nay cùng 17 tuổi, trú ở bản Phá Lõm).
Chị Xồng Y Xua kể lại cách đây 3 năm, Xua và Kỷ về ở với nhau khi vừa bước sang tuổi 14. Lấy nhau nhưng chưa đủ tuổi đăng ký nên vợ chồng chỉ làm vía để đưa cô dâu về ở nhà chồng.
Người mẹ trẻ vừa ôm đứa con nhỏ 2 tuổi tâm sự: "Năm đó, em đang học dở lớp 7 thì bỏ để ở nhà để lấy chồng. Lập gia đình rồi nhưng 2 vợ chồng không biết làm việc gì nên phải sống phụ thuộc vào bố mẹ của cả hai bên. Bản thân em cũng chưa bao giờ lên rẫy, xuống suối nên chẳng biết làm gì ngoài việc chăm con, nấu ăn ngày hai bữa đợi chồng đi làm về
Cháu bé sinh ra không đủ cân nên bị ốm đau liên miên. Bản thân em cũng chẳng biết làm việc gì nên suốt ngày chỉ ở nhà bồng con để chồng lên nương rẫy cùng với bố mẹ”.
Một bác sỹ ở huyện Kỳ Sơn kể mỗi năm chứng kiến không biết bao vụ cặp vợ chồng trẻ vào bệnh viện để cấp cứu do ăn lá ngón tự tử.
"Nguyên nhân thì đủ các loại, nào là vợ chồng trẻ giận nhau tìm đến lá ngón; đòi yêu nhau ở tuổi vị thành niên bị cha mẹ cấm, tìm đến lá ngón; bị cha mẹ ép lấy nhau khi còn tuổi học trò, tìm đến lá ngón; bị bố mẹ nhà chồng trách cũng tìm đến lá ngón tự vẫn", vị bác sĩ tâm sự.
Một vấn nạn khác nhưng cũng chính từ tình trạng tảo hôn gây ra đó là, không ít cặp vợ chồng lấy nhau cận huyết, mà ít ai hiểu hậu họa khôn lường gây ra cho con cháu sau này.
Tại bản Huồi Lê, xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn (nơi chỉ cách biên giới chưa đến 10km), chúng tôi được cán bộ thôn dẫn đến nhà của cặp vợ chồng Lương Thị May và Ven Văn Tùng.
Cách đây 4 năm, May về làm dâu khi chưa đầy 15 tuổi. Điều đáng nói, người chồng của May cũng chính là người anh con cô, con cậu với nhau. Đến nay, 2 vợ chồng đã có một bé gái gần 3 tuổi. Lấy nhau cứ việc lấy chứ ở đây chưa ai ý thức được hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống.
Ông Mùa Xia Lữ, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Kỳ Sơn nói nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của đồng bào Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) chiếm tỷ lệ cao trong số các cặp vợ chồng kết hôn của địa phương.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết, trong đó lý do chính vẫn là do phong tục, tập quán ăn sâu vào đồng bào nơi đây.
Có cùng góc nhìn như vậy, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Bá Lương, Bộ đội Biên phòng (thuộc Đồn Biên phòng Keng Đu, đóng ở huyện biên giới Kỳ Sơn) cũng cho rằng vấn nạn tảo hôn đã để lại cho xã hội không ít hệ lụy, đặc biệt các cuộc hôn nhân cận huyết thống sẽ dẫn đến sinh ra những đứa con còi cọc, thậm chí tật nguyền, kém về thể xác và tinh thần.
Mặc dù trong thời gian qua, các cấp chính quyền, đặc biệt là lực lượng Công an cắm bản và Bộ đội biên phòng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động, song tình trạng tảo hôn ở các xã biên giới Việt - Lào ở các huyện miền Tây Nghệ An vẫn gia tăng.
Do đây là các xã biên giới, địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là đồng bào các dân tộc ít người, sinh sống rải rác trên các sườn núi nên rất khó để tiếp cận bà con.
Bàn về giải pháp, ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết: "Sắp tới, huyện sẽ tiến hành một số biện pháp có tính răn đe, giáo dục như xử lý hành chính, thậm chí cần thiết sẽ truy tố một số vụ vi phạm Luật Hôn nhân gia đình. Qua đó nâng cao nhận thức, tiến tới thay đổi được hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở các bản làng miền Tây xứ Nghệ".
Theo Phan Sáng/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)