“Còn được nắm tay nhau thì ngày nào cũng là 20/10”

Google News

Mang trong mình căn bệnh quái ác, nhưng chưa bao giờ ông ngừng hy vọng. Ngày 20/10 ông Khương đã nói lời chúc và yêu thương đến nửa kia của mình.

37 năm không rời một giây
Có mặt tại bệnh viện K2 (Thanh Trì, Hà Nội) trong chương trình “Trao yêu thương – nhận nụ cười” do các bạn sinh viên tình nguyện tổ chức nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 ai cũng cảm động trước sự ân cần, lo lắng của những người vợ, người chồng đang ngày ngày “bám” viện tiếp sức cho nửa kia của mình chống lại “căn bệnh nhà giàu”.
Câu chuyện tình của những cặp vợ chồng đang cùng nhau chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác là minh chứng cho chân lý, cuộc sống dù có muôn vàn khó khăn trở ngại, chỉ cần có tình yêu thì không gì là không thể vượt qua được.
Dù đang bệnh nặng, sức khỏe yếu nhưng ông Nguyễn Văn Khương (Sóc Sơn, Hà Nội) vẫn muốn nhân dịp có chương trình “Trao yêu thương” gửi đến vợ mình- người phụ nữ 37 năm qua luôn cận kề, hy sinh cho chồng con lời cảm ơn từ tận đáy lòng.
Kể về mối lương duyên của mình và vợ, ông Khương không giấu nổi sự xúc động. Ông kể: “Ngày đó, tôi 25 tuổi. Ở quê, bố mẹ sợ tôi ế vợ nên một mực thúc giục. Rồi bố “ướm” cho tôi một cô gái trong làng kém gần chục tuổi, sau đó, bảo tôi đến tìm hiểu. Chưa đầy một tháng sau, chúng tôi chính thức về chung một nhà. Ngày đó, lấy vợ ít hơn nhiều tuổi tôi cũng lo lắm, sợ vợ chồng sẽ khó hòa hợp, chưa kể, tôi sẽ già nhanh hơn cô ấy. Thế nhưng không phải vậy, vợ tôi là một phụ nữ hiền thục, luôn biết lựa ý chồng nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng được ấm êm”.
“Con duoc nam tay nhau thi ngay nao cung la 20/10”
Ông Khương hạnh phúc bên người vợ hiền. 
Hơn 30 năm sống cùng nhau, ông Khương chưa bao giờ to tiếng với vợ mình. Với ông, mỗi lần hai vợ chồng có xích mích, ông đều nhường nhịn vợ. Những tưởng như thế là có thể ấm êm sống cạnh nhau đến khi mắt mờ chân chậm.
Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, ông Khương bỗng có dấu hiệu giảm sút về sức khỏe. “Bà ấy khuyên tôi đi khám, nhưng tôi cứ chần chừ, tôi sợ có bệnh sẽ trở thành gánh nặng cho bà ấy và các con. Tuy nhiên, trước sự kiên quyết của vợ, tôi tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả, tôi bị ung thư phổi... Nhận thông báo của bác sĩ mà tôi cảm thấy trước mắt mình toàn màu xám”, ông kể.
Những cơn đau của ông Khương cứ thế ập đến, dai dẳng đã khiến người vợ ăn không ngon, ngủ không yên. Đêm nào ông Khương cũng trở dậy ít cũng 5-6 lần, những lúc ấy, bà cũng không ngủ được lại thao thức, lo lắng rồi dậy đấm bóp cho chồng.
Còn ông Khương, ông biết, vợ ông trước mặt chồng không dám khóc, nhưng hằng đêm bà lặng lẽ giấu những giọt nước mắt xót xa, thương chồng. Và chính bà cũng là người đã theo ông hết các bệnh viện, tìm thuốc chữa bệnh cho chồng. Bà không kêu than một lời nào. Ông ở viện bao nhiêu ngày là bấy nhiêu thời gian bà kề cận…
Cảm ơn cuộc đời đã tặng một tình yêu
Chia sẻ với PV, bà Nguyễn Thị Thu (vợ ông Khương) gạt nhanh giọt nước mắt: “Bao nhiêu đêm chăm anh ấy ở bệnh viện là cũng từng đấy thời gian tôi không thể nào ngủ được. Cứ nghĩ đến cảnh chia lìa tôi không kìm được lòng nhưng cũng không dám cho anh ấy biết. Biết là anh ấy luôn cười, miệng nói không sao nhưng bệnh này ai cũng đều hiểu, rồi sẽ có sự chia lìa. Chúng tôi hứa với nhau đi hết cuộc đời dù nghèo khó, nên còn giây phút nào tôi sẽ cố gắng bằng được”.
Nghe bà Thu nói vậy, ông Khương trầm ngâm: “Hễ thấy bệnh nhân nào trong viện mách thuốc gì là em vội vàng đi mua, lấy thuốc cho tôi. Dù xa xôi, cách trở em cũng không ngại. Nhiều lần nhìn em không ngủ được vì lạ giường, tôi giục em về gọi các con xuống chăm sóc nhưng em nhất định không chịu.
Chỉ có em mới hiểu tôi thích ăn gì vào mỗi sáng, uống nước gì vào mỗi tối. Vợ chồng tôi tình nghĩa 37 năm qua, đi từ đói nghèo mà lên. Giờ nhận “án tử” tôi cũng chua xót lắm. Nhìn giọt mồ hôi chảy trên má em nhưng em vẫn chẳng nề hà suốt 37 năm qua”, ông Khương chia sẻ.
Còn đối với ông Khương, chính vợ là động lực để ông vượt lên nỗi đau của những đợt xạ trị. Vừa kể, ông Khương vừa nhìn vợ với ánh mắt trìu mến yêu thương, ông nói: “Dù có các con, nhưng bà ấy là người luôn ở bên tôi. Mỗi lần ăn cơm, bà ấy ăn rất chậm, cũng bởi bà ấy đợi tôi ăn hết rồi nhường phần của mình cho tôi. Đôi lần, tôi gắt: “Em đi chăm người bệnh thì em phải ăn thật nhiều vào mới có sức khỏe. Nếu thiếu thì đi mua thêm chứ ăn ít không có sức em là người ốm đầu tiên, khi ấy anh lo cho em thì làm gì có tâm mà chữa bệnh nữa”.
Không ngần ngại, ông Khương bày tỏ tình cảm của mình trước rất đông bệnh nhân tham dự chương trình “Trao yêu thương – nhận nụ cười”, cũng là cận ngày 20/10. Ông chia sẻ: “Có lẽ, lời yêu thương hàng ngày cánh mày râu chúng tôi không dám nói với vợ mình. Nhân đây, tôi cũng xin mạo muội được gửi lời chúc đến các bà, các chị, các mẹ đã hy sinh cho cuộc đời quá nhiều.
Cảm ơn người vợ đã luôn bên cạnh, là chỗ dựa tinh thần để tôi vượt qua được bệnh tật. Đối với tôi, giờ được sống với vợ mình dù thêm một giây cũng đáng quý. Tôi mong vợ mình sẽ bình tĩnh vượt qua mọi nỗi đau để sống thật khỏe mạnh và vui vẻ nếu một ngày tôi không còn nữa”.
Theo Mai Hằng/Người Đưa Tin

>> xem thêm

Bình luận(0)