Chuyện trong căn nhà nhỏ của bác sĩ Lương

Google News

Kể từ khi con trai bị bắt, bố của bác sĩ Lương rất buồn. Ông cho biết bác sỹ Lương đã có vợ và hai con, cháu nhỏ mới 5 tháng tuổi...

Bệnh nhân xin giảm nhẹ tội cho bác sĩ
Ngày 28/6, PV Báo Gia đình & Xã hội đã tìm về nhà bác sỹ Hoàng Công Lương (SN 1986, trú tại xã Đồng Xuân, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Bác sĩ Lương là người liên quan đến sự cố y khoa khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bác sĩ Lương đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố về hành vi “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác”.
Chuyen trong can nha nho cua bac si Luong
 Cơ quan CSĐT dẫn giải bác sĩ Hoàng Công Lương. Ảnh: Công an nhân dân.
Trong căn nhà nhỏ, bố của bác sĩ Hoàng Công Lương tỏ ra buồn rầu và không muốn nói gì thêm về sự việc đau lòng này. Ông chỉ cho biết bác sĩ Lương đã có vợ và hai con, cháu nhỏ mới 5 tháng tuổi. Hiện, mẹ đẻ, vợ và các con của bác sĩ Lương vẫn đang ở Hòa Bình và luôn trong tình trạng hoang mang, lo lắng.
Bà nội bác sĩ Lương năm nay gần 80 tuổi kể, cách đây mấy hôm, thấy mọi người bàn tán với nhau, bà mới biết được cháu nội bị công an bắt giữ. Kể từ khi biết tin, chưa một đêm nào bà ngủ yên giấc. “Cháu Lương nó ngoan và rất chịu khó. Không biết cháu tôi sai những gì, tôi chỉ mong các cơ quan nhà nước xem xét để cháu tôi mau được về nhà đoàn tụ với gia đình...”, bà nói.
Cũng trong ngày 28/6, PV đã tiếp cận được đơn của nhiều người nhà, bệnh nhân gửi tới Công an tỉnh, TAND và VKSND tỉnh Hòa Bình đề nghị cơ quan chức năng xem xét, giảm nhẹ tội trạng đối với bác sĩ Lương.
Trong đơn, bà Vũ Thị Thủy (Lương Sơn, Hòa Bình, vợ ông Đỗ Quang Năng, bệnh nhân từng chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) viết, chính nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Lương đã cứu chồng bà qua cơn bạo bệnh hồi tháng 9 năm ngoái. Theo chia sẻ của người phụ nữ này, tháng 9/2016, ông Năng đột ngột trở bệnh lâm vào tình trạng nguy kịch, gia đình phải đưa tới bệnh viện huyện Lương Sơn cấp cứu. Do tình trạng bệnh nặng nên ông Năng được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu. Tại đây, chồng bà Thủy được chỉ định vào cấp cứu tại khoa cấp cứu hồi sức tích cực. Trong 6 ngày nằm tại khoa, chồng bà Thủy trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu. Nhờ có sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Lương và đội ngũ y bác sĩ bệnh viện nên bệnh tình của chồng bà Thủy tiến triển tốt, tinh thần phấn chấn hơn.
“Trong thời gian này, tôi có thời gian dài tiếp xúc với bác sĩ Lương. Tôi cảm nhận tình cảm bác sĩ Lương cũng các y, bác sĩ ở bệnh viện dành cho các bệnh nhân chạy thận như người thân thiết. Khi chồng tôi nguy kịch, hôn mê sâu, bác sĩ thăm khám rất tận tình, rồi hướng dẫn điều trị rất chu đáo. Sự cố vừa qua cũng chỉ là ngoài mong muốn nên chúng tôi mong các cơ quan chức năng xem xét, giảm nhẹ hình phạt với bác sĩ”, bà Thủy đề nghị.
Bệnh nhân Trần Văn Quang (SN 1966, TP.Hòa Bình, một trong 10 nạn nhân sống sót sau sự cố chạy thận tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình) cũng xác nhận, ông và người nhà đã ký đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bác sĩ Lương. Ông Quang cho hay, bác sĩ Lương đã tận tâm chăm sóc các bệnh nhân và cứu chữa kịp thời, giúp nhiều bệnh nhân sống sót sau sự cố y khoa vừa qua nên cá nhân ông cùng các bệnh nhân, người nhà mong cơ quan chức năng sẽ xem xét khách quan, chính xác trách nhiệm từng người.
Đề nghị điều tra khách quan
Liên quan đến sự việc trên, Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cùng một số các chuyên gia đầu ngành đã ký đơn kiến nghị gửi tới nhiều cơ quan, trong đó có Bộ Công an.
Trong đơn gửi đi, GS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc Việt Nam lập luận về vấn đề của quy trình chạy thận nhân tạo và trách nhiệm của bác sỹ. Đơn kiến nghị viết: “…Việc bàn giao thiết bị máy móc trước và sau khi sửa chữa bảo dưỡng trên giấy tờ chỉ là bàn giao về số lượng, chủng loại thiết bị… Nguồn nước khi được bàn giao cho nhân viên y tế để sử dụng, thực hiện kỹ thuật lọc máu cho người bệnh đương nhiên là đã đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Lương cho biết chỉ định lọc máu theo chương trình, sau khi được bàn giao qua điện thoại của người có trách nhiệm (nhân viên phòng vật tư của Bệnh viện) là hợp lý. Nếu chờ đợi bàn giao bằng văn bản sẽ mất thời gian và lỡ kế hoạch đã đề ra. Mặt khác trong trường hợp này, nếu chỉ lọc máu cho bệnh nhân sau khi bàn giao bằng văn bản thì sự cố vừa qua vẫn xảy ra như vậy”.
Theo GS Nguyễn Gia Bình, khuyết điểm của bác sĩ Lương là thiếu sót về thủ tục hành chính mà thôi. Vì vậy, Hội Hồi sức Cấp cứu Chống độc đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, kết luận khách quan để tránh oan sai, giúp cho những nhân viên y tế yên tâm phục vụ người bệnh.
GS Nguyễn Anh Trí, Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương thì cho rằng, việc khởi tố vụ án là cần thiết nhưng việc bắt tạm giam đối với bác sĩ Lương là chưa hợp lý. Bởi sự việc đã xảy ra, đối tượng cũng không có nguy cơ bỏ trốn hay tiếp tục gây nguy hiểm cho xã hội...
Theo Giadinh.net.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)