Chống tham nhũng: Để “diệt chuột”, vỡ “bình quý” cũng không tiếc!

Google News

(Kiến Thức) - Muốn chống được tham nhũng triệt để, đôi khi phải trả giá. Thế nên, cái bình quý có vỡ mà diệt được nạn chuột phá hoại thì cũng không tiếc.

Ông Phạm Thanh Bình, gương mặt điển hình phòng chống tham nhũng, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội có cuộc trao đổi với Báo điện tử Kiến Thức về vấn đề chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay.
Không có án oan tham nhũng
Trong buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 6/10, trả lời băn khoăn của cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, công cuộc chống tham nhũng được lãnh đạo Đảng rất phức tạp và khó, có những việc muốn mà chưa làm ngay được. Phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định. Ông nghĩ gì về quan điểm này?
Tôi nghĩ đây là quan điểm đúng đắn, cần phải cân nhắc cái được và cái mất, cẩn trọng từng đường đi nước bước, âm thầm nhưng mạnh mẽ để diệt cho được tham nhũng. Không thể hô hào, cày xới, làm loạn hết cả lên mà xử lý triệt để được tham nhũng. Giữ ổn định để phát triển vẫn phải là một ưu tiên hàng đầu. Tham nhũng bây giờ nó len lỏi ở mọi nơi, mọi cấp, mọi ngành, nó thành bệnh truyền nhiễm rất nặng rồi. Nhưng nếu vì e ngại động chạm đến người có chức vụ cao, ngại gây ra những xáo trộn lớn thì tôi nghĩ là khó mà chống được tham nhũng. Chống tham nhũng phải quyết liệt, triệt để và chuẩn xác.
Nói như ông liệu khi đó ta có giữ được “cái bình quý” và vẫn giết được chuột?
Tôi nghĩ là làm được. Đã xác định làm là không ngại va chạm. Bất cứ cán bộ nào, ở bất cứ vị trí nào, nếu tham nhũng thì cũng phải xử lý. Chúng ta chỉ nên lo lắng rằng tham nhũng hoành hành gây mất lòng tin, khiến dân không tin vào cán bộ, gây ra xáo trộn chứ không nên lo lắng nếu xử nghiêm thì động chạm đến người này người kia. Nếu coi cán bộ là cái bình quý thì khi cán bộ suy thoái, biến chất, cái bình đó cũng đã tự hạ thấp đi giá trị của mình, khi đó thì liệu có nên giữ gìn cái bình quý đó để chuột mặc sức hoành hành không?
Có người cho rằng chống tham nhũng không cẩn thận sẽ làm người ngay thẳng, chính trực bị oan, thậm chí nếu đó là người tố cáo tham nhũng thì bị trù dập...?
Tôi nghĩ là phải làm cẩn trọng, tiêu diệt được tham nhũng một cách có hệ thống không dễ. Nhưng chắc chắn là không bao giờ có chuyện một người thanh liêm chính trực, không có bất cứ vết đen nào về tham nhũng mà lại bị đem ra xử lý về tội tham nhũng. Trong các lĩnh vực khác thì có thể có án oan, chứ tham nhũng thì không bao giờ có. Nên nếu vin cớ đó để chùn tay chống tham nhũng thì không bao giờ chống được đâu. Tất nhiên, không làm theo kiểu “bắt nhầm còn hơn bỏ sót”, bằng mọi cách lùng sục tìm ra tham nhũng thì cũng không nên.
Ý ông là chưa bao giờ có án oan về tham nhũng?
Đúng thế, người đã bị xử thì kiểu gì cũng đúng người, có thể là chưa đúng tội vì mức độ đa phần là đã giảm đi nhiều so với hậu quả họ gây ra. Và trong một đường dây, cũng chỉ có vài ba mắt xích bị đem ra xử.
Ông Phạm Thanh Bình, gương mặt điển hình phòng chống tham nhũng, nguyên Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. 
Đừng coi cán bộ là bình quý
Câu chuyện ném chuột đừng để vỡ bình quý ở góc độ chiêu thức, nghệ thuật chống tham nhũng, rõ ràng nó cũng có lý?
Tôi cho rằng nó có lý, đó là nghệ thuật, nhưng quan điểm đó còn thiếu ở chỗ phải quyết liệt và đánh đổi. Tham nhũng thường là một đường dây mà cán bộ bảo vệ nhau. Thế nên cái bình quý ở đây tôi nghĩ là những người chống tham nhũng. Những người này thường bị trả thù, bị trù dập rất kinh khủng, có những người khốn đốn suốt một đời, mất việc làm vì chống tham nhũng. Như tôi và một số người cùng tham gia chống tham nhũng ở phường, tôi phải chịu trăm đường khốn khổ. Chúng nó ném phân vào nhà, thuê xã hội đen vào nhà lôi mình ra ngoài đường để dằn mặt... Ở chỗ làm thì họ trù úm, cách chức, tìm cách không cho phát triển lên. 
Theo ông thì người chống tham nhũng mới là những chiếc bình quý?
Phải làm sao bảo vệ được những người chống tham nhũng, bảo vệ chiếc bình quý thì mới diệt được chuột. Còn nếu coi cán bộ mới là bình quý, trong khi đó tham nhũng thì đa phần là cán bộ, có chức có quyền mới tham nhũng được, thì chống tham nhũng kiểu gì đây? Cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì đúng là bình quý, nhưng cán bộ cũng có nhiều loại, có người tốt nhưng cũng có người tha hóa, biến chất. Nếu không dám chống từ cao xuống thấp thì những người tốt, những cán bộ tận tụy giống như chiếc bình quý cũng sẽ bị vô hiệu hóa, đâm ra chán nản hoặc có khi bị tha hóa.
Nếu thế thì công tác phòng chống tham nhũng đi vào bế tắc?
Đúng, nếu thế thì mọi nỗ lực của chúng ta từ trước đến nay sẽ không đi đến đâu cả. Người nào vi phạm thì xử, chắc chắn là người bị xử đó không ảnh hưởng gì đến những người khác. Người có liên quan thì mới bị xử lý, còn người mà tay không nhúng chàm thì đâu có ảnh hưởng gì mà gây xáo trộn. Còn nếu những kẻ tác oai tác quái tham nhũng mà không bị xử lý thì nó sẽ vô hiệu hóa những người khác, lôi kéo dụ dỗ người khác.
Như ông nói, khi chuột đã hoành hành thì cái bình quý cũng không còn giá trị?
Đúng thế, thậm chí có thể chúng làm ổ trong bình quý, chúng đi lại rậm rạp làm vỡ bình lúc nào không biết. Nên theo tôi, vẫn cứ phải diệt chuột, dù có thể làm vỡ bình. Nhưng diệt một cách thận trọng, không hô hào trống dong cờ mở để diệt chuột mà âm thầm thì hiệu quả mới cao.
Đánh rắn phải đánh dập đầu
Theo ông, nguyên tắc nào trong phòng chống tham nhũng là nguyên tắc ưu tiên số 1?
Đánh rắn phải đánh dập đầu, tham nhũng là kẻ thù của chế độ. Nếu chống tham nhũng nửa vời, đánh rắn mà không đánh chết thì nó sẽ quay trở lại cắn chết người đánh nó ngay. 
Là người nỗ lực phòng chống tham nhũng, ông có thấy bất lực trước nạn tham nhũng chưa thực sự có nhiều biến chuyển?
Tôi vẫn nghĩ rằng, chống tham nhũng là yêu nước. Tôi tự nhận mình là người yêu nước nên bất cứ khi nào có thể tôi cũng sẽ làm hết sức để phòng chống tham nhũng, dù chỉ là với góc độ của một người dân. 
Tham nhũng như ông nói hiện diện ở khắp mọi nơi, nhưng chúng đâu có lộ diện để ai cũng thấy? Bởi thế mà chống tham nhũng đến nay chưa thực sự mang lại nhiều đột biến?
Không phải đâu, tham nhũng là loại tội phạm lộ diện rõ nét nhất. Tham nhũng đi đôi với lãng phí, sống xa hoa, ăn chơi trụy lạc. Mà những cái đó thì hiển hiện. Nhiều khi nhìn thấy tội phạm đấy mà người ta có dám bắt nó đâu. Trong nội bộ, trong cơ quan, biết là ông A ông B có tham nhũng nhưng cũng không ai dám đấu tranh, chỉ mặt, vạch tên để xử lý vì ai cũng sợ ảnh hưởng đến bản thân mình.
Vậy là với nguyên tắc làm quyết liệt, làm đến cùng, bảo vệ được người tố cáo tham nhũng thì sẽ giải quyết được tình trạng này?
Chắc là không thể giải quyết tận gốc, nhưng ít nhất tham nhũng sẽ thu hẹp đất và diện hoành hành.
Xin cảm ơn ông!
Trong buổi tiếp xúc cử tri TP HCM ngày 14/10, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cho rằng, thời gian qua, các ngành, các cấp đều làm, cũng bắt bớ, khởi tố, xét xử... bức xúc của người dân là bằng đó kết quả, so với yêu cầu, thực tế đời sống vẫn chưa đạt là đúng. Tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi nên chưa đạt yêu cầu. Để tình hình này lòng dân không yên. Kết quả chưa tốt, dân gay gắt là phải. 
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(15)

Minh Hiền

Nông dân

"Đánh chuột, đừng làm vỡ bình" chuột ở trong bình, chớ ở đâu?,sợ vỡ bình thì khỏi đánh cho mệt, chớ lập ban bệ đứng ngoài xem chuột trong bình nhe răng cười, tốn công, tốn tiền của dân,!!!

Minh Hiền

nguyecongly

Tham nhũng thực ra không phải chuyện mới lạ ở Việt Nam, trong thời chiến chúng ta cũng đã từng có, từng xử nhiều vụ tham nhũng lớn, ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, tệ tham nhũng đã trở thành quốc nạn, nó đã hiển hiện gây tác hại lớn cho nền kinh tế và xã hội nước ta. Tham nhũng có ở mội nơi, mọi lúc, nó len lõi đến mọi ngõ ngách, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giảm uy tín của Đảng và Nhà nước. Tham nhũng xuất hiện trong mọi lĩnh vực, ở mọi ngành, mọi cấp. Từ các cơ quan quản lý, các đơn vị hành chính sự nghiệp tới các doanh nghiệp Nhà nước, hiệp hội, tổ chức, cá nhân... Tham nhũng không loại trừ các cơ quan bảo vệ pháp luật như tòa án, viện kiêm soát, quân đội, cảnh sát.... Đúng như bạn Hòa: trong nội bộ, trong cơ quan dù biết ông A ông B tham nhũng không ai dám đấu tranh, chỉ mặt.....Những kẻ tham tham nhũng trong tuyển công chức, viên chức, việc vòi tiền nâng lương cho cán bộ đủ tuổi về hưu theo quy định, chuyển công tác..., nếu cơ quan chức năng vào cuộc điều tra - Như các vị vua ngày xưa đi vi hành hoặc cài cắm công tác điều tra mật...thì bắt rất được nhiều kẻ đội lốt liêm khiết nhưng lại là kẻ tham nhũng. Cứ về cơ sở thì nghe được rất nhiều: chạy quyền, chạy chức, chuyển công tác theo nhu cầu, thi tuyển CCVC...thậm chí với những người sắp về hưu có có đủ thời gian nâng lương trước khi về nhưng cứ gọi điện gợi ý là khó khăn phải đi duyệt lần này, lần khác mới được......Ôi tham tham nhũng với cả kẻ không có chức quyền có ai dám nói, chỉ biết kêu, than......

Minh Hiền

Nguyễn Văn Lực

"Đánh chuột đừng để vỡ bình".... Chúng ta hãy hiểu cho đúng về câu chuyện này, chuột là những kẻ tham nhũng nói chung trong xã hội và chiếc bình là hàm ý lớn lao đó là quốc gia dân tộc, là thể chế chính trị hiện tại.

Minh Hiền

Lục Ly

Bao năm nay, năm nào chống tham những cũng là vấn dề nhức nhối, năm nào cũng hô khẩu hiệu chống tham những nhưng có chống được bao nhiêu đâu, hy vọng trong một vài năm tới tình trạng chống tham những có chuyển biến.

Minh Hiền

Hòa

Thật ra trong nội bộ, trong cơ quan,dù biết là ông A ông B có tham nhũng nhưng cũng không ai dám đấu tranh, chỉ mặt, vạch tên để xử lý vì ai cũng sợ ảnh hưởng đến bản thân mình, thế thì làm sao chống dược tham nhũng

Minh Hiền

Đồng chí củ

Chuyện tào lao. Chống tham nhũng như chống giặc. Hy sinh còn không tiếc, tiếc cái bình!

Minh Hiền

trang

"Đánh chuột, đừng làm vỡ bình". Vậy là chống tham nhũng nhưng không được làm tổn thương đến "cán bộ tham nhũng", tức là cứ việc hò hét chém gió thôi, chứ đừng đụng đến bọn tham nhũng. Chống nạn tham nhũng mà phải bảo vệ bọn tham nhũng như vậy tức là bật đèn xanh cho bọn tham nhũng phát triển và hoành hành, vậy thì chống tham nhũng làm gì.

Minh Hiền

Phượng

Không phải là không có những vị cán bộ liêm chính, nhưng số ấy bây giờ quá ít. Cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì đúng là bình quý, nhưng cán bộ cũng có nhiều loại, có người tốt nhưng cũng có người tha hóa, biến chất

Minh Hiền

tuan

Cứ lấy dân làm gốc và coi dân là nước. Hãy đổ nước đầy bình thì chuột sẽ chết sặc hêt.

Minh Hiền

Ts. Nguyễn Thạch Cương

Chuột đang ngủ ngon trong bình quý và chắc chắn, không dại gì chui ra.

Minh Hiền

Lưu Linh

Chống tham nhũng luôn là vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay, nhưng khẩu hiệu "chống tham nhũng" cũng vẫn chỉ tạm thời dùng để hô mà thôi

Minh Hiền

Hảo Hảo

Chống tham nhũng cũng như đánh rắn. Đánh rắn phải đánh dập đầu, tham nhũng là kẻ thù của chế độ. Nếu chống tham nhũng nửa vời, đánh rắn mà không đánh chết thì nó sẽ quay trở lại cắn chết người đánh nó ngay.

Minh Hiền

Trường Gang

Chúng ta đã hy sinh hàng triệu con người,đấu tranh gian khổ hàng vài chục năm mới dành được thống nhất,hy vọng một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người. Sự thật không ngờ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn đau khổ hơn nhiều, kẻ thù ngay bên cạnh mình,là lãnh đạo của mình, mọi người đều biết mà không giám nói ra, bọn tham nhũng ngày càng cầu kết với nhau thành một bè, một dây rất lớn, ngang nhiên thách thức quần chúng.Chúng tôi mong những người lãnh đạo cao cấp của Đảng nếu còn lương tâm hãy quyết tâm diệt cho được bọn gặc nội sâm này. Xin cám ơn !

Minh Hiền

tu ong

Giả sử có bình quý thật để cần phải cân nhắc giữa "lợi" và "hại" thì mới đáng phân vân. Chứ thực tế, ai đã thấy cái bình quý ấy đâu? Với "một bộ phận không nhỏ" cách nay gần 10 năm, nay đã thành bầy sâu lúc nhúc rồi thì ai dám chắc còn lại "cái bình quý" nào. Mà dân người ta biết hết có bình quý thật không ! Chúng tôi đồng tình, ngay cả có "bình quý" thật thì vẫn phải đánh chuột dù có phải vỡ bình vì đó là sự sống còn của chế độ, của Đảng, nữa là chắc gì có bình để tiếc ! Nếu Đảng không mạnh tay tiêu diệt tham nhũng thì chính tham nhũng sẽ "tiêu diệt" Đảng bằng cách này hay cách khác. Mà điều đó thì chỉ những kẻ tham nhũng mới đắc lợi !

Minh Hiền

quang anh

Thượng bất chính hạ tắc lọan. Tham nhũng, không chỉ đối với vật chất, làm đảo lộn hệ thống giá trị, đạo đức xã hội và an ninh trật tự chung, điều đó ai cũng biết. Nếu lãnh đạo cấp cao làm gương sống và làm việc có tâm, có đức thì sẽ tập hợp được người tốt, còn không chỉ chuột bọ lên ngôi