Cho con cả núi bài tập để… “ăn Tết“

Google News

Lo lắng con nghỉ Tết không người quản thúc, quên nền nếp học hành, nhiều phụ huynh đã lên thời khóa biểu với lượng bài tập khổng lồ cho con… “ăn Tết”.

Năm nay, mặc dù học sinh Hà Nội được nghỉ Tết có 8 ngày ít hơn so với năm trước, nhưng nhiều phụ huynh cũng không dám cho con chơi trọn vẹn 8 ngày. Vì vậy, nhiều "chiêu" ép con làm bài tập được phụ huynh tận dụng.
Chị N.T.P có con học tại Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho biết: “Năm tới con trai thi vượt cấp vào lớp 10, bản chất con rất ham chơi, lại nghiện game. Chính vì thế, cứ nghỉ học là kiểu gì con cũng dán mặt vào máy tính cả ngày. Chính vì vậy, cuối năm thấy con nói cô giáo không giao bài tập gì, mình rất lo lắng, sợ sau kỳ nghỉ dài con sẽ chểnh mảng, học hành sa sút”.
Cho con ca nui bai tap de… “an Tet“
Giao bài tập để quản con ngày Tết sẽ khiến trẻ căng thẳng, mệt mỏi. Ảnh minh hoạ IT 
Để “quản” con, chị P đã gọi điện nhờ cô giáo chủ nhiệm giao bài tập cho con. Khi cô giáo chủ nhiệm khuyên không nên bắt con học dịp Tết, chị đã nhờ giáo viên ở lớp dạy thêm tiếng Anh và Toán giao bài tập cho con. Sau đó, hai mẹ con chị ngồi lại và lên thời gian biểu học tập cho con vào dịp Tết. Ngoài thời gian đi chúc Tết cùng gia đình, buổi tối con vẫn học bài từ 19h đến 21h tối. Chị P cũng quy định con nghỉ Tết đến hết mùng 4, bắt đầu từ mùng 5 (âm lịch) là trở lại thời khóa biểu như thường.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hòa có hai con đang học tiểu học và THCS tại Phủ Cừ (Hưng Yên) cũng cho biết, Tết nào cũng vậy, giáo viên ở trường các con đều không giao bài tập trong những ngày nghỉ Tết. Tuy nhiên, chị vẫn bắt các con làm bài tập đều đều để không quên kiến thức.
“Cháu nhỏ thì làm bài tập trong sách nâng cao mỗi ngày 2 - 3 bài, làm xong mẹ kiểm tra mới được đi chơi. Còn cháu lớn thì mẹ nhờ cậu là giáo viên giao bài tập để con rèn luyện thêm. Về ăn Tết nhà ông bà nội, ngoại nhưng vẫn phải mang sách, vở đi theo làm bài tập như thường” - chị Hòa nói.
Trái ngược với quan điểm này, nhiều giáo viên không đồng tình với việc bố mẹ ép con làm bài tập về nhà dịp Tết. Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, nhiều phụ huynh lo lắng nếu không giao bài tập Tết thì học sinh sẽ ôm tivi, điện thoại cả ngày. Nếu có điều đó tức là lỗi của phụ huynh.
Theo thầy Tùng, bố mẹ hoàn toàn có thể hướng dẫn, giao việc cho các em để các em không rảnh rỗi trong dịp Tết. Cùng tham gia đón Tết, chuẩn bị Tết với gia đình trẻ cũng đã học được những bài học rất bổ ích mà ở trường học không thể dạy cho các em.
Tương tự, cô Phạm Thu Hà - giáo viên tiểu học tại Tiền Hải (Thái Bình) thì cho rằng, ngành giáo dục đang cố gắng tăng cường các bài học về kỹ năng sống, đứa những trải nghiệm thực tế vào trường học. Vì vậy, nếu phụ huynh “biết cách” hướng dẫn trẻ thì chính từ 8 ngày Tết, trẻ sẽ học được rất nhiều bài học kỹ năng cần thiết.
“Sum vầy cùng gia đình, chuẩn bị mâm cơm ngày Tết, làm bánh chưng, đi chúc Tết ông bà nội ngoại họ hàng, trẻ sẽ học được cách yêu thương, hướng về cội nguồn, giúp đỡ bố mẹ, trải nghiệm những nét đẹp truyền thống của quê hương… Những điều đó vô cùng giá trị. Bố mẹ đừng giam con trong mớ bài tập mà đánh mất cơ hội học hỏi quý giá của trẻ” - cô Hà nói.
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng cho rằng, quan điểm của Sở là không gây áp lực căng thẳng cho học sinh. Vì vậy, Sở GDĐT Hà Nội nhiều năm nay cũng đã cấm tuyệt đối giáo viên giao bài tập về nhà cho học sinh và dịp Tết để các em được vui chơi và dành thời gian về thăm ông bà, họ hàng.
Theo Tùng Anh/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)