Chính phủ không có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ

Google News

(Kiến Thức) - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ và Bộ Giáo dục & Đào tạo không có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.

Liên quan đến thông tin cải tiến chữ quốc ngữ đang gây xôn xao dư luận, ngày 1/12, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương cải tiến chữ quốc ngữ.
Trước đó, báo chí đưa tin, trong cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển của Hội thảo ngữ học toàn quốc được tổ chức tại Trường đại học Quy Nhơn tháng 9/2017, có nhiều bài viết của các nhà ngôn ngữ học, có bài “Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế” tác giả PGS.TS. Bùi Hiền (nguyên Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên phó Viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy - học phổ thông) đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt.
Chinh phu khong co chu truong cai tien chu quoc ngu
  PGS-TS Bùi Hiển.
Theo ông Bùi Hiền, trải qua gần một thế kỷ, đến nay, chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư...
Ông Bùi Hiền đưa ra những bất hợp lý: Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C – Q – K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr – Ch (tra, cha), S – X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…).
Ông Bùi Hiền cho rằng, chữ quốc ngữ cải tiến dựa trên tiếng nói văn hóa của Hà Nội về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Việc cải cách sẽ bỏ đi chữ Đ khỏi bảng chữ cái tiếng Việt, bổ sung một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm “nhờ” (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n’ để biểu đạt.
Tuy nhiên, ngay khi thông tin về đề xuất cải cách tiếng Việt của ông Hiền xuất hiện đã có rất nhiều ý kiến tranh luận gay gắt.
Kiều Linh-Khoa Ngoại Ngữ, Đại học Lao động-Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)