Chính phủ đang hành động giải cứu ĐBSCL

Google News

Việc Thủ tướng đích thân tham gia hội nghị “Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL khiến nhiều người mong đợi những nỗ lực này sẽ sớm giải cứu vùng châu thổ này.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ở bất kì giai đoạn nào, cũng được coi là vựa lúa của cả nước, đóng vai trò hết sức quan trọng không chỉ trong việc đảm bảo an ninh lương thực mà còn trong phát triển kinh tế của nước ta. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long đang lâm nguy bởi biến đổi khí hậu và một phần từ bàn tay “phá hoại” của con người.
ĐBSCL, theo Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), nằm trong ba vùng châu thổ được xếp trong nhóm cực kỳ nguy cấp bởi nước biển dâng. Một số dự báo bi quan cho rằng đến cuối thế kỷ 21, 40% diện tích vựa lúa này của nước ta Việt Nam sẽ chìm trong nước biển. Nước dâng lấn đất là mối hoạ sinh tồn dài hạn, nhưng xâm nhập mặn là hệ quả đang ngày càng khó kiểm soát. Vào năm ngoái, đồng bằng sông Cửu Long rơi vào trận đại hạn thế kỷ, 90 năm mới có một lần, khiến hơn một triệu người thiếu nước. Một số chuyên gia cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn khả năng có nước ngọt vào mùa khô.
Chinh phu dang hanh dong giai cuu DBSCL
Ảnh: VietNamNet. 
Về nhân hoạ, những tác động từ việc xây đập thuỷ điện ở thượng nguồn và trung nguồn sông Mekong ở Trung Quốc, Lào, và Cambodia đang có dấu hiệu ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến dòng chảy, lưu lượng nước, phù sa, và khoáng chất ở hạ nguồn. Ở trong nước, việc khai thác cát cũng như nuôi trồng thuỷ sản không theo kế hoạch hay tham vấn khiến cho môi sinh của khu vực này càng tệ hại thêm. Đầu năm nay, tình trạng sạt lở diễn ra với quy mô chưa từng có ở hai bờ sông Tiền và sông Hậu, mà nguyên do chính được đổ lỗi cho việc khai thác cát bờ sông. Một nghiên cứu cho biết hai dòng Tiền - Hậu mất đi đến tổng cộng hơn 210 triệu m3 lượng trầm tích đáy sông trong giai đoạn 1998 – 2008.
Cả hai hướng nguyên nhân trên, dù là thiên hoạ hay nhân hoạ, đều có phần trách nhiệm liên đới nhất định với những nhà hoạt định chính sách cho khu vực.
Đã từ lâu, chúng ta coi “biến đổi khí hậu” chỉ là chuyện bao đồng, là những báo cáo nghìn trang giấy ở các hội nghị toàn cầu xa xôi, thay vì những mối lo thực sự sát sườn. Chúng ta có nhiều tuyên bố, nhiều cam kết, nhưng sự thực chưa có nhiều hành động mang tính thực tiễn. Những dự án phát triển bền vững chống biến đổi khí hậu thường chỉ hoạt động mạnh trong giai đoạn được các tổ chức nước ngoài tài trợ, lụi dần đi khi hết vốn đầu tư.
Đã từ lâu, ĐBSCL luôn được gắn liền với “trọng điểm” để phát triển kinh tế, nhưng sự thực thì được ưu tiên rất ít cả về nguồn lực ngân sách lẫn cơ chế để phát triển. Không phải ngẫu nhiên mà vựa lúa số một Đông Dương, đóng góp 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 70% sản lượng trái cây cả nước, lại có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất. Đây cũng là nơi, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, có số người bỏ xứ đi làm ăn cao nhất nước, lên đến nửa triệu người chỉ trong giai đoạn 2009 – 2014.
Giải quyết hai vấn đề nêu trên, đưa vùng đất trù phú của hơn 18 triệu người dân phát triển đúng với tiềm năng, cần một chính sách phát triển vùng tổng thể, hội tụ được tri thức và bản lĩnh của tất cả các bên liên quan – chính phủ, các địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội, và đối tác nước ngoài.
Đó thực sự là điều nói dễ hơn làm, bởi câu chuyện tìm kiếm mô hình tăng trưởng bền vững cho ĐBSCL không phải chỉ đến bây giờ mới được đưa ra. Còn nhớ năm năm trước, đã từng có một hội nghị lấy ý kiến về giải pháp phát triển bền vững cho ĐBSCL, nhưng rốt cuộc chỉ tồn tại trên giấy. Cơ quan chủ trì hội nghị năm nào, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, giờ lại đang trong tâm bão của dư luận vì những sai phạm mới được đưa ra xử lý.
Quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển bền vững gắn liền với điều kiện tự nhiên, con người và văn hóa là định hướng đúng đắn. Đó là đều những điều mà người dân Tây Nam Bộ đã nghe từ rất nhiều năm, nhưng vẫn chưa hiện thực hoá được bao nhiêu.
“Chính phủ kiến tạo” sau gần hai năm vận hành đã đem lại rất nhiều chuyển biến mới. Những nỗ lực làm trong sạch bộ máy nhà nước, thông thoáng môi trường kinh doanh – như việc Bộ Công thương mạnh tay cắt hơn 550 giấy phép con gần đây, đem lại nhiều niềm tin cho doanh nghiệp và xã hội. Việc Thủ tướng đích thân tham gia hội nghị “Diên Hồng” về phát triển ĐBSCL khiến nhiều người mong đợi những nỗ lực tương tự cũng sẽ được đề ra tại đây. Người dân ĐBSCL cần được tiếp sức nhiều hơn.
Theo Nguyễn Khắc Giang/Việt Nam Net

>> xem thêm

Bình luận(0)