Căn hầm bí mật mang mật danh B giữa Sài Gòn

Google News

Ông Ba Quang là người cuối cùng còn minh mẫn để kể về những tháng năm tuổi trẻ cùng các đồng chí của mình trực tiếp đào căn hầm bí mật giữa SG.

Những chiến sĩ trẻ tuổi năm xưa trực tiếp đào hầm B đã ở tuổi xưa nay rất hiếm. Ông Thân Đức Bút vừa qua đời ở tuổi 100. Ông Nguyễn Văn Hanh đã trên 90 tuổi, không còn minh mẫn. Người duy nhất còn đủ sức khỏe để kể về căn hầm đó là ông Lê Văn Quang (Ba Quang), hiện ngụ quận Thủ Đức, năm nay đã 92 tuổi.
Can ham bi mat mang mat danh B giua Sai Gon
 
Ông Ba Quang vừa trải qua một cơn bệnh tuổi già, sức khỏe cũng đã rất yếu. Tuy vậy, tâm trạng của ông lúc nào cũng tự tại, vui vẻ. Ông nói: “Đào một cái hố đã moi lên một đống đất, huống chi đào căn hầm bí mật rộng chứa được 30 người ngay giữa nội thành Sài Gòn mà không để bị phát hiện. Đất bỏ đi đâu, mang đi bằng cách nào? Chi bộ Đảng của hội đã tìm ra một cách”.
Căn hầm ngay trước mũi địch
Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ, hội đã mua căn nhà này do vị thế dễ quan sát xung quanh. Căn nhà được biến thành cơ sở làm đàn, hằng ngày thợ đục đẽo làm đàn. Ngay gần đó là nhà của thầy Chín, an ninh chìm của địch. Một hôm ông chủ nhà tổ chức một buổi cúng giỗ, mời hàng xóm và thầy Chín đến dự.
Sự có mặt của thầy Chín đã giúp hội khéo léo giới thiệu các anh em công nhân làm đàn để việc ra vào không bị nghi ngờ. Một lúc sau, một khách sang trọng đến góp giỗ và trình bày: “Ông Bảy ơi, chỗ tôi đang sửa nhà, vật liệu để hết chỗ, không có nơi gửi xe. Ông cho tôi gửi xe tải ở đây, khi nào thầu làm xong tôi lấy về”. Ông Bảy chủ nhà đồng ý. Sự ký gửi đó được mọi người trong khu phố và tay an ninh chìm chứng kiến.
Can ham bi mat mang mat danh B giua Sai Gon-Hinh-2
 Ông Ba Quang (phải) trò chuyện với phóng viên. Ảnh: HỒNG MINH.
Ông Ba Quang phấn chấn kể: “Ba buổi chiều đầu tiên, chiếc xe chở vật liệu xây dựng hiệu Chevrolet chạy vô rồi chạy ra, thùng xe bỏ không, sáng hôm sau chạy ra cũng bỏ không. Đến ngày thứ tư thì thùng xe bắt đầu chở đất. Đêm nào yên thì đào căn hầm bí mật, đêm nào có động thì sẽ được ám hiệu bằng đèn con cóc hoặc chiếc khăn phơi để anh em nhận ra. Có anh đào đất bị phồng hết tay, có người bị bệnh nhưng vẫn cứ đến đào tiếp cho bằng được, vì họ có vỏ bọc an toàn”.
Lúc đó mạng lưới an ninh chìm nổi đã phủ khắp Sài Gòn, hễ ai có dấu hiệu khả nghi đều bị bắt kiểm tra ngay. Tài xế khi chở xe ra vào hẻm đều ghé qua vài tiệm vật liệu xây dựng là cảm tình viên của cách mạng, để hợp pháp hóa công việc của mình nếu bị bắt lại kiểm tra.
Chịu trận khi bò trinh sát
Ông Ba Quang lúc đó sức khỏe yếu nên được phân công canh gác và trinh sát. Nếu có động, ông phải kịp thời báo động cho anh em. Để tránh bị lộ, tiệm đàn thường mở đài radio lớn, sửa xe mobylette cho máy nổ to. Một hôm, ông ngồi quan sát nhà bên cạnh tổ chức ăn nhậu thì phát hiện ông chủ nhà đứng ngó vào trong tiệm đàn rất lâu, không chịu đi.
Ông kể: “Tôi đâm nghi nên bò tới gần. Đến gần, mới biết ổng mắc ói. Tôi định bò về thì ổng bước tới tè lên người tôi. Tôi nằm im chịu trận thì lúc này ổng ói được, ói hết lên người tôi. Tôi cắn răng chịu mà muốn hết xiết. Ổng ói xong rồi đi về, tôi bò qua hàng rào quay lại. Lúc đó ổng phát hiện ra tôi. Nhưng ổng lại tưởng tôi là… con chó, nói tôi ráng ăn hết giùm ổng”. Bữa đó ông Ba Quang được mãn ca sớm để về xử lý hậu quả.
Gần bốn tháng ròng rã đào hầm, các chiến sĩ đã chuyển hơn 70 m3 đất ra ngoài êm thấm. Cũng có lúc bị chặn lại kiểm tra nhưng đều thoát được nhờ sự nhanh trí của tài xế Năm Tước. Có một lần ông Năm Tước và “người yêu”, một nữ đồng chí thủ vai, bị chặn lại kiểm tra. Một cảnh sát đứng cảnh giới, một cảnh sát khác đến khám xét. Người này tưởng ông giấu tài liệu nên nhắc “làm ăn kỹ lưỡng”. Ông thở phào và rất vui vì biết phía “bên kia” cũng có nhiều người âm thầm ủng hộ cách mạng.
Ngày thống nhất đất nước, chàng trai trẻ năm nào đã 51 tuổi. Ông được gia đình tác hợp với một người đồng chí. Họ nhận nuôi bốn người con, một người đã mất, ba người còn lại nay ai cũng đã thành đạt.
Kể nửa chừng, ông Ba Quang phải ngừng câu chuyện để nằm nghỉ. Nằm bên giường, ông bảo cuốn sách quý nhất ông luôn giữ bên mình chính là cuốn kỷ yếu tập hợp những câu chuyện của đồng đội chép lại cho nhau để làm kỷ niệm, được NXB Chính trị Quốc gia in năm 1998. Ông vẫn thường lần giở những bức ảnh cũ, tìm gương mặt đồng đội của mình dù người còn, người mất…
Theo Hồng Minh/ PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)