Cấm chuyển giao công nghệ, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Dự Luật Chuyển giao công nghệ bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia phát triển vào Việt Nam.

Cấm chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các nước phát triển vào Việt Nam
Sáng 2/6, dưới sự điều khiển của Phó CTQH Phùng Quốc Hiển, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). 
Theo đó, dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 6 chương với 63 điều, phạm vi điều chỉnh tập chung vào quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; các biện pháp khuyến khích thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ.
Cam chuyen giao cong nghe, thiet bi lac hau vao Viet Nam
 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Một trong những vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm của các ĐBQH đó là cần có biện pháp kiểm soát để ngăn chặn thiết bị cũ, lạc hậu. Một số ý kiến của đại biểu đề nghị không nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam, đặc biệt là máy móc, thiết bị cũ. Luật cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn tiêu chí của công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao để có chính sách quản lý phù hợp làm cơ sở cho việc kiểm soát công nghệ được chuyển giao; tạo điều kiện cho công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ mới được chuyển giao vào Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: “Dự án Luật lần này đã bổ sung, chỉnh sửa quy định khuyến khích chuyển giao vào Việt Nam công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội cũng như văn hóa của Việt Nam, khuyến khích chuyển giao công nghệ sản xuất, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng hiệu suất cao; công nghệ tạo ra sản phẩm sử dụng đồng thời cho quốc phòng, an ninh và dân dụng…”.
Dự thảo Luật đã phân định rõ các luồng công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam, trong lãnh thổ Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài. Để linh hoạt và thích hợp với từng thời kỳ phát triển và sản xuất, dự luật quy định Chính phủ quy định cụ thể các danh mục công nghệ. Dự Luật bổ sung quy định cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng ở các quốc gia có trình độ phát triển hơn Việt Nam và không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bên cạnh đó, có nhiều ý kiến đề nghị phải thẩm định công nghệ tất cả dự án nhất là các dự án thuộc các chương trình trọng điểm quốc gia, dự án sử dụng vốn nhà nước có giá trị trên 100 tỉ đồng...
Ông Phan Xuân Dũng cho hay: “Nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu và Việt Nam vẫn chuyển giao công nghệ thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2 - 3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật...Ủy ban TVQH cho rằng, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính”.
Thẩm định nhằm hạn chế CGCN có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đã tập trung bàn về chính sách của Nhà nước đối với chuyển giao công nghệ; đối tượng, hình thức chuyển giao công nghệ; các công nghệ khuyến khích, hạn chế, cấm chuyển giao; thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư; cải thiện trình độ công nghệ quốc gia, ngăn ngừa nhập khẩu vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển quốc gia.
ĐBQH Lê Minh Thông (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư nhất định phải thẩm định nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
“Công nghệ cấm chuyển giao không cần thẩm định mà nên tập trung thẩm định các công nghệ bị hạn chế chuyển giao. Do đó Bộ Khoa học Công nghệ nên ban hành danh mục các nhóm công nghệ bị hạn chế để có thể dễ áp dụng và giám sát”, Đại biểu Lê Minh Thông cho hay.
ĐBQH Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu nhiều ý kiến, hạn chế nguy cơ nhập khẩu các công nghệ lạc hậu, tác động xấu đến môi trường.
“Trong giai đoạn hiện nay, nên ưu tiên chuyển giao công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu”, Đại biểu Lê Quang Trí đề nghị.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Bạc Liêu) đánh giá: “ Việc cấp phép đăng ký chuyển giao công nghệ trong một số trường hợp nhất định là cần thiết. Tuy nhiên, việc này dễ nảy sinh cơ chế xin – cho dẫn đến tiêu cực. C quy định rõ thủ tục chuyển giao công nghệ để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong cơ quan Nhà nước, đồng thời là căn cứ từ chối chuyển gia công nghệ đối với công nghệ nguy hại”.
Đại biểu Lê Quân (TP Hà Nội) góp ý kiến, điều quan trọng của Luật này cần tháo gỡ những khó khăn trong chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước và các Viện, Trường đại học. Cần phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tránh chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần lược giản hóa các tài liệu hồ sơ doanh nghiệp phải nộp để thẩm định.
Một số ý kiến của các ĐBQH tham gia thảo luận cũng đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát kỹ thuật lập pháp, giải thích rõ các khái niệm trong dự án luật; một số khái niệm liên quan đến chuyển giao công nghệ đã được quy định, giải thích ở các đạo luật khác cũng cần phải rà soát cập nhật vào dự án Luật để bảo đảm sự thống nhất chung trong hệ thống pháp luật. Đồng thời cần làm rõ hơn về quy trình, trình tự, cơ chế trong hoạt động chuyển giao công nghệ, bảo đảm cho hoạt động chuyển giao này được thực hiện thuận lợi, dễ dàng song cũng phải bảo đảm được tính bảo mật cao. Cần có các quy định ưu tiên, khuyến khích các hoạt động chuyên giao công nghệ ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo…
Hải Ninh

Bình luận(0)