Cám cảnh mẹ già 72 tuổi nuôi 2 con tàn tật trong lán tạm nơi rốn lũ

Google News

Bà Cầm Thị Ịa, ở bản Ten, thị trấn Ít Ong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) vẫn phải “oằn mình” lao động, kiếm tiền nuôi 2 người con bị dị tật bẩm sinh.

Ông Lù Văn Mẳn – Bí thư Đảng ủy thị trấn Ít Ong, cho biết: Gia đình bà Ịa rất khó khăn. Bà đã già nhưng vẫn phải nai lưng, cóp nhặt từng đồng để trang trải cuộc sống của cả gia đình. Hai người con của bà Ịa chỉ di chuyển được bằng tay.
“Cuộc sống gia đình bà Ịa vốn bi đát lắm rồi thì nay lại càng khốn khó hơn khi nhà cửa, tài sản bị cơn lũ quét đầu tháng 8 cuốn sạch. Ngay sau khi lũ tan, chúng tôi đã huy động lực lượng dựng lán cho 3 mẹ con bà ở tạm...” – ông Mẳn thông tin thêm.
40 tuổi rồi chỉ biết... nấu cơm
Theo chỉ dẫn của ông Mẳn, chúng tôi tìm đến nơi ở của gia đình bà Ịa. Căn nhà cấp 4 của 3 mẹ con bà Ịa sau trận lũ khủng khiếp ngày 3.8 giờ đây chỉ là cái lán tạm, quây bằng ván, phên tre, nằm ở một góc hẻm nhỏ tại bản Ten, thị trấn Ít Ong.
Cam canh me gia 72 tuoi nuoi 2 con tan tat trong lan tam noi ron lu
Bà Ịa vẫn ngày ngày làm việc vất vả để nuôi 2 con tật nguyền. Ảnh Văn Chiến 
Khi tôi đến, anh Cầm Văn Chúc – con trai bà Ịa đang hí húi nấu ăn bữa cơm trưa. Thấy tôi ngần ngừ trước tấm ván sàn mỏng manh, anh Chúc nhanh miệng mời: “Vào nhà chơi, cứ bước lên đi, không sập đâu”.
Tuy đã nghe ông Mẳn kể, cộng thêm sự tưởng tưởng của mình nhưng khi thấy anh Chúc di chuyển bằng tay từ góc bếp ra sàn để tiếp khách, lòng tôi vẫn nhói lên nhưng cảm xúc khó tả. Hai tay anh chống xuống sàn, người ngả về sau trong khi hai chân teo tóp, co quắp... Anh Chúc dịch chuyển từng bước khó nhọc.
Anh kể: Từ lúc sinh ra đến giờ, anh chưa một lần đứng được bằng đôi chân của mình theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Anh bị dị tật bẩm sinh, đôi chân co quắp, không thể duỗi thẳng. Nhưng trời còn đày anh thêm cái lưng gù và cái bướu to tướng trước ngực.
"Cho đến tận bây giờ, 40 tuổi đầu mà tôi chỉ biết... mỗi nấu cơm. Nếu không có mẹ xách nước cho từ trước thì tôi không thể nấu ăn được. Thương mẹ, muốn đỡ đần cho mẹ bớt khổ mà “lực bất tòng tâm”. Tất cả mọi việc đều phải nhờ đôi bàn tay tần tảo của mẹ tôi. Từ lao động, kiếm tiền, chợ búa đến cả việc sinh hoạt cá nhân cũng phải nhờ mẹ. Vắng mẹ thì chị em chúng tôi đành phải “uống nước cầm hơi”, chờ mẹ về mới có cái ăn...” – anh Chúc nghẹn ngào.
Đến lúc này tôi mới để ý đến chị Cầm Thị Ngoi (con gái cả của bà Ịa) đang nằm trong góc lán. Số phận chị Ngoi còn bi thảm hơn cả em trai mình.
Chị cũng bị dị tật bẩm sinh, hai chân chị co quắp nặng hơn em trai mình trong khi cổ bị rụt sát vào 2 bả vai. Chị di chuyển hoàn toàn dựa vào 2 tay. “Hơn 40 năm qua, tôi luôn ao ước có được một lần ra phố huyện mua sắm mà không thể thực hiện được dù nhà chỉ cách phố huyện chừng 2km” – chị Ngoi nói với giọng buồn bã.
Số phận bi thương
Bà Cầm Thị Ịa buồn rầu kể lại cái số phận hẩm hiu của mình: Bà Ịa vốn là dân bản Nà Mường, xã Mường Chai (huyện Mường La). Sau khi lấy chồng, bà sinh đứa con đầu lòng là chị Ngoi.
“Tôi đau đớn như đứt từng khúc ruột khi thấy con đầu lòng của mình sinh ra không được lành lặn. 3 năm sau tôi lại mang bầu và sinh ra thằng Chúc. Tôi đã ngất lên, ngất xuống trên bàn đẻ khi biết thằng Chúc cũng mang di tật như chị nó. Hai đứa nó trí óc thì vẫn phát triển bình thường. Chỉ có điều là 2 bàn chân mãi mãi không thể duỗi thẳng…” – bà Ịa nức nở khóc.
Cam canh me gia 72 tuoi nuoi 2 con tan tat trong lan tam noi ron lu-Hinh-2
Bữa cơm trưa đạm bạc của gia đình bà Ịa, với một ít tép khô và bát măng luộc. Ảnh Văn Chiến 
Gạt nước mắt, bà Ịa kể tiếp: "Cũng may là sau đó tôi sinh đứa con gái út lành lặn nên vợ chồng tôi cũng được an ủi phần nào. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang”, 3 năm sau, chồng tôi mất, bỏ lại cho tôi gánh nặng gia đình lớn đến mức không thể vượt qua".
Một nách 3 đứa con, trong đó 2 con lớn thì tàn tật, con út thì chưa biết gì, bà Ịa vẫn gắng gượng vượt qua. Vài năm sau, nghĩ tủi cho các con, bà đành chấp nhận tình cảm của người đàn ông ở Thị trấn Ít Ong. Cứ tưởng sẽ có người đùm bọc, chở che cho 4 mẹ con nhưng chỉ vài tháng ngắn ngủi sống chung, người chồng thứ 2 của bà cũng “vội vàng ra đi” vì một cơn bạo bệnh. 
Mẹ con bà Ịa lại bồng bế, dắt díu nhau trở về quê nhà ở bản Nà Mường sinh sống. Quanh năm suốt tháng, bà Ịa lam lũ với ruộng nương, tần tảo nuôi con.
Năm 2007, được sự giúp đỡ của chính quyền và người thân, bà Ịa chuyển về mua đất, làm nhà trên bờ suối Nậm Păm thuộc bản Ten, thị trấn Ít Ong. Cô con gái út cũng đã xây dựng gia đình ở trên thành phố Sơn La.
3 mẹ con lại rau cháo nuôi nhau. Lúc này, bà cũng đã lớn tuổi, sức khỏe suy giảm nhiều, không thể đi nương rẫy được nữa. Bà chuyển sang nuôi gà, vịt, ngan mỗi lứa vài chục con, bán lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Do bị tàn tật bẩm sinh, không thể tự kiếm sống nên hai người con của bà Ịa, được nhận tiền trợ cấp hàng tháng của nhà nước. Tuy nhiên với số tiền ít ỏi đó không thấm gì so với mức sinh hoạt đắt đỏ ở nơi đây. Ngày ngày, bà vẫn phải “oằn lưng” kiếm sống.
Cam canh me gia 72 tuoi nuoi 2 con tan tat trong lan tam noi ron lu-Hinh-3
Sau cơn lũ quét rạng sáng 3.8, gia đình bà Ịa phải sinh sống trong chiếc lán tạm, ọp ẹp. Ảnh Văn Chiến 
“Nhìn 2 đứa con suốt ngày ủ rũ ngồi một chỗ, tôi đau lòng lắm. Vì các con, khổ thế nào tôi cũng chịu được... Không biết khi tôi về với tổ tiên thì 2 đứa sẽ trông cậy vào ai đây?” – bà Ịa nói xong, lấy tay áo lau những giọt nước mắt chảy dài 2 bên gò má nhăn nheo.
Cơn lũ quét xảy ra ở Mường La vào rạng sáng ngày 3.8 đã khiến cho 3 mẹ con bà Ịa lâm vào cảnh trắng tay. Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của bà mới làm được cái nhà để ở giờ đã trôi theo dòng nước lũ.
Theo Văn Chiến/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)