Cai nghiện Facebook khó như cai nghiện ma túy

Google News

Nhiều người trẻ khi tham gia chương trình “72 giờ không Facebook” đã thừa nhận việc cai nghiện Internet và Facebook đối với họ khó như cai nghiện ma túy.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn PV VTC News, Tiến sĩ Phạm Hải Chung, Trưởng ban Internet và Truyền thông của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, rất nhiều bạn trẻ sau khi tham gia chương trình thử nghiệm “72 giờ không Facebook” (do VPIS thực hiện) đã tái nghiện ngay sau đó.
- Được biết chương trình thử nghiệm “72 giờ không Facebook” do VPIS tiến hành được xem là một ý tưởng khá mới mẻ với đối tượng khảo sát là những người trẻ thường xuyên lạm dụng Internet cũng như mạng xã hội Facebook. Bà đánh giá thế nào về kết quả bước đầu của chương trình này?
Chương trình thực nghiệm “72 giờ không Facebook” do VPIS tiến hành trong thời gian qua là nhằm đánh giá về mức độ lệ thuộc Internet cũng như mạng xã hội Facebook của người dùng.
Theo số liệu mới nhất của chúng tôi thì mỗi ngày người trẻ thường bỏ ra từ 7 đến 8 giờ đồng hồ để sử dụng Internet và trung bình từ 2 đến 3 giờ là ở trên mạng xã hội (chủ yếu là Facebook).
Cai nghien Facebook kho nhu cai nghien ma tuy
Tiến sĩ Phạm Hải Chung, Trưởng ban Internet và Truyền thông của Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS). 
Mặt tích cực khi sử dụng Internet và mạng xã hội có thể thấy rõ đó là phương tiện dùng để kết nối, trao đổi với bạn bè, tìm kiếm thông tin cho công việc...
Nhưng ngoài ra còn có những mặt tiêu cực mà nó đem lại nữa. Điển hình như việc các bạn trẻ nhiều khi thường lạm dụng quá nhiều Internet, có trường hợp ngồi suốt 24 tiếng để online chẳng hạn, kể cả đi ngủ cũng để điện thoại để check Facebook... điều này không tốt vì ảnh hưởng đến thời gian, công việc cũng như sức khỏe.
Rất nhiều bạn trẻ khi tham gia chương trình khảo sát này của chúng tôi còn bày tỏ lo lắng là khi dùng mạng xã hội họ thường lo hôm sau mình sẽ phải đăng gì lên mạng để có thể thu hút được sự chú ý của mọi người, tức là thể hiện bản ngã trên thế giới ảo thế này thế khác...
Nói thế để thấy rằng, mạng xã hội Facebook đã ảnh hưởng và tác động đến đời sống, tâm lý của giới trẻ rất lớn. Khảo sát của chúng tôi mong muốn làm rõ vấn đề này.
- Việc người trẻ lạm dụng Internet và Facebook quá nhiều sẽ dẫn đến những hệ lụy gì?
Những hệ lụy do lạm dụng Internet và Facebook gây ra thì có rất nhiều và cũng rất rõ rồi. Tôi lấy ví dụ như các bạn học sinh hay sinh viên chẳng hạn, việc sử dụng Facebook nhiều sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập. Thường xuyên trên mạng sẽ khiến các bạn giảm tính sáng tạo khi tương tác trong xã hội thực.
Ngoài ra, việc dành thời gian quá nhiều cho Facebook cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như luôn trong trạng thái mệt mỏi, mất ngủ, bị trầm cảm..., thậm chí bị tự kỉ.
Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn về smartphone (điện thoại thông minh) với khía cạnh nó sẽ có những tác động như thế nào đến quan hệ vợ chồng vì đây cũng là chủ đề hiện nay có rất nhiều người quan tâm và thường xuyên phàn nàn.
Hay như chúng tôi sẽ nghiên cứu sâu hơn Facebook có biểu hiện nghiện như nghiện heroin hay không? Nếu sử dụng nhiều sẽ có triệu chứng như trầm cảm, mệt mỏi, tính sáng tạo sẽ giảm, vậy sẽ cai nghiện như thế nào? Trẻ con sử dụng điện thoại thông minh thì tính giao tiếp ngoài đời xã hội sẽ bị giảm, có triệu chứng như trẻ tự kỉ, vậy giải pháp nào để khắc phục?...
Tháng 9/2017 tới đây chúng tôi công bố báo cáo đầy đủ và chi tiết về công trình nghiên cứu, khảo sát này. Trong đó chúng tôi sẽ đề cập rõ hơn về vấn đề này, có các mức thang đo cụ thể, tính chính xác sẽ cao hơn và giúp chúng ta có được cái nhìn đầy đủ hơn về sử dụng, lạm dụng Internet và mạng xã hội Facebook ở Việt Nam hiện nay.
Hiện tại chúng tôi chưa công bố các con số cụ thể vì chưa đầy đủ nên mới chỉ đưa ra những con số đầu tiên thôi.
- Thưa bà, muốn cai nghiện Facebook thành công, người nghiện Facebook cần phải làm gì?
Có rất nhiều bạn trẻ đã nói với tôi rằng: “Cô ơi, với em thì cai nghiện Facebook cũng khó như cai nghiện ma túy”.
Thực tế thì trong môi trường như ở Việt Nam, việc cai nghiện Facebook sẽ rất khó khăn. Kể cả giới trẻ học sinh, sinh viên cũng như trẻ em.
Tuy nhiên, với giới trẻ thì họ đã ý thức được vấn đề và họ có thể tương tác được với các ý tưởng ở ngoài đời. Qua chương trình “72 giờ không Facebook”, tôi nhận thấy một số bạn trẻ thực sự đã cai được Facebook, nhưng phải nói là rất khó.
Có rất nhiều bạn trẻ đã nói với tôi rằng: “Cô ơi, với em thì cai nghiện Facebook cũng khó như cai nghiện ma túy”.
Tiến sĩ Phạm Hải Chung
Để cai được Facebook, các bạn ấy sẽ phải dành thời gian cho các công việc khác ngoài đời thực như làm rất nhiều việc nhà, phải đọc sách, rồi gặp gỡ người thân, bạn bè.
Nhưng ngay cả khi gặp gỡ bạn bè, các bạn trẻ ấy cũng gặp phải những thách thức rất lớn. Ví dụ như vào ngày cuối tuần, khi các bạn gặp gỡ mọi người thì mọi người lại sử dụng điện thoại thông minh, lại vào Facebook.
Cả nhóm vào Facebook trong khi chỉ mình bạn ấy không vào Facebook thì cảm giác sẽ rất khó chịu. Thực tế nhiều bạn sau 72 giờ cai Facebook thì sau đó vẫn tái nghiện như bình thường.
Nên đôi khi cần phải có môi trường để cai nghiện. Trên thế giới, nhiều nước đã lập ra các trung tâm cai nghiện Internet, họ thậm chí dùng đến cả thuốc an thần cho người cai nghiện.
Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là người dùng Internet và mạng xã hội Facebook cần phải có quyết tâm, phải tự ý thức và kiểm soát được hành vi của mình, chứ nếu không thì rất khó thành công.
- Xin trân trọng cảm ơn bà.
Theo Lưu Thủy/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)