Bộ trưởng GD&ĐT nói gì về việc điều giáo viên đi tiếp khách?

Google News

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã yêu cầu địa phương kiểm tra, báo cáo việc ép giáo viên đi tiếp khách tại Hà Tĩnh.

Liên quan đến việc ép giáo viên đi tiếp khách tại Hà Tĩnh, ngày 14/11, trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết theo quy định của Luật công chức viên chức, giáo viên không được uống rượu trong giờ hành chính. Ngoài giờ hành chính, giáo viên cũng là con người, có quan hệ với bạn bè, người thân.
Về việc ông Nguyễn Văn Hổ, Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), cho rằng những giáo viên được cử đi tiếp khách nên "hãnh diện", bộ trưởng khẳng định đây chỉ là ý kiến của cá nhân ông Hổ.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo làm rõ vụ việc vì không chỉ dừng lại ở một địa phương, có thể ảnh hưởng uy tín của ngành. Nếu việc này không đúng đường hướng, vi phạm phẩm chất, Bộ GD&ĐT sẽ xử lý ngay.
Ông Nhạ nói thêm bên cạnh thực hiện công việc chuyên môn, giáo viên còn là tấm gương. Vì thế, họ cần chấp hành quy định cả trong lẫn ngoài giờ hành chính, nhằm giữ vững hình ảnh nhà giáo trong mắt học trò và phụ huynh.
Theo người đứng đầu ngành giáo dục, thầy cô nghiêm túc, chuẩn mực là tấm gương sáng, hơn cả chuyên môn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: Anh Tuấn.
Khi phóng viên đề cập việc tiếp khách là do địa phương yêu cầu, Bộ trưởng Giáo dục cho hay dù thế nào, giáo viên cũng phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Bộ đã chỉ đạo, nhắc nhở và nhận được câu trả lời từ địa phương nhưng để có một báo cáo chính thức bằng văn bản thì phải cân nhắc bởi việc hoàn toàn không phù hợp nhưng cũng chưa tới mức độ trầm trọng như kiểm điểm, kỷ luật.
Song ông cũng nói thêm, với giáo viên, những cái không phù hợp thì không được chấp nhận làm theo.
Ngoài ra, Luật Giáo dục có quy định về giáo viên, tất cả thầy cô phải giữ nguyên tắc, phẩm chất. Vì thế, nếu vẫn để bị lôi kéo, ép buộc, trước hết, chúng ta phải hỏi trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc.
Những sai phạm đều phải được xử lý. Giáo viên cũng cần phát huy bản lĩnh, phẩm chất, không thể đổ lỗi cho người khác.
"Các thầy cô phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng thì phải đề nghị, kiến nghị. Còn lãnh đạo địa phương cứ ép, mình phải kiến nghị, chứ thực hiện là vi phạm. Tôi đề nghị nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô phải nghiêm túc đã", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Hồi tháng 8 vừa qua, 21 nữ giáo viên ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, được điều phục vụ liên hoan dân ca ví dặm do UBND thị xã chỉ định tên tuổi rõ trong văn bản hành chính.
Một số giáo viên cho rằng việc bị điều đi tiếp khách là sai mục đích công việc của mình, ảnh hưởng cuộc sống cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Hổ cho biết việc huy động giáo viên tiếp khách có từ nhiều năm qua. Năm nay, thị xã có nhiều sự kiện lớn nên huy động là cần thiết, không chỉ thể hiện sự quan tâm, mến khách mà còn tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về quê hương.
Vị chủ tịch thị xã Hồng Lĩnh khẳng định những người được cử đi phải hãnh diện, vì là người được chọn tiếp khách cho địa phương và mọi việc đều trong sáng.
Theo Thắng Quang - Nguyễn Sương/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)