Bản quyền cải tiến “tiếw Việt”: “Không những chẳng được gì mà còn thêm phiền toái”

Google News

Không phải được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả là tác phẩm của ông Hiền có giá trị khoa học.

Mời độc giả xem video "Tác giả cải tiến "tiếng Việt" thành "tiếw Việt" nói gì: (Nguồn VTC14)
PGS Bùi Hiền cho biết, Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) vừa cấp giấy chứng nhận ông là tác giả và chủ sở hữu của công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt.
Chia sẻ với PV xung quanh vấn đề này, PGS.TS. Phạm Văn Hảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, Hội ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, cần phải phân biệt rõ ràng “vấn đề cấp giấy chứng nhận bản quyền” và “giá trị khoa học của tác phẩm”.
PGS Bùi Hiền được công nhận là chủ sở hữu của tác phẩm “Bài viết cải tiến chữ quốc ngữ”. 
“Đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Không phải được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả thì tác phẩm của ông Hiền có giá trị khoa học. Ông ấy đi đăng ký bản quyền như thế với mục đích giảm bớt đàm tiếu của xã hội trong thời gian qua. PGS Bùi Hiền đang dựa vào một “chứng chỉ” của cơ quan nhà nước để khẳng định giá trị tác phẩm mà ông nghiên cứu”, PGS.TS. Phạm Văn Hảo nói.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Hảo, ở góc độ khoa học, đề xuất của PGS Bùi Hiền không khả thi và không thực tiễn bởi lẽ tiếng Việt đã ổn định qua nhiều năm.
Về mặt xã hội, hậu quả của việc cải tiến tiếng Việt mà PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra nếu được chấp nhận sẽ vô cùng khủng khiếp. Riêng chuyện làm lại chứng minh thư, làm sổ hộ khẩu, tên đường phố… thì hàng triệu, hàng triệu thay đổi trong khi chữ viết không có gì mắc mớ đến mức phải làm một cuộc cách mạng như thế. Bên cạnh đó, trong hệ thống con chữ của PGS.TS. Bùi Hiền đưa ra thiếu tính hệ thống. Tóm lại, đề xuất của PGS Bùi Hiền cả về nguyên tắc viết chữ, thói quen sử dụng con chữ đều không có giá trị.
“Nếu cụ đăng ký bản quyền tác giả để chứng minh tác phẩm có giá trị là không nên. Không những cụ chẳng được gì mà còn thêm nhiều phiền toái (dư luận, giới chuyên môn phản ứng). Tôi nghĩ sau này sẽ chẳng ai lục lại để dùng bộ chữ chuyển đổi cải tiến chữ viết tiếng Việt cả”, PGS.TS. Phạm Văn Hảo nói.
PGS.TS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Đăng ký bản quyền tác giả của một tác phẩm là việc làm của cá nhân của nhà khoa học còn xã hội có công nhận hay không thì chúng ta đều thấy qua phản ứng trước đó của dư luận như thế nào rồi”.
Theo ông An, về mặt khoa học, giá trị tác phẩm của PGS Bùi Hiền không có, hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc thay đổi chữ cái rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến xã hội trên nhiều mặt, cả kinh tế, văn hoá, tâm lý, xã hội... Chỉ khi nào nghiên cứu được đánh giá là hiệu quả và có lợi cho sự phát triển do Hội Ngôn ngữ, Viện Ngôn ngữ và các cơ quan khoa học khác thẩm định thì mới nên kiến nghị lên cấp trên. Chỉ có những cơ quan Nhà nước này mới biết vấn đề nghiên cứu thay đổi tiếng Việt có nên thực hiện hay không?
Tuy vậy, đối với trường hợp của PGS Bùi Hiền, ai quan tâm thì cứ phát biểu tranh luận, mang ý kiến chuyên môn, không nên chỉ trích hay thóa mạ tác giả.
PSG.TS Phạm Văn Tình (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam) cũng cho biết hội đã có ý kiến về đề xuất của PGS Bùi Hiền từ lần trước còn lần này ông Hiền được cấp giấy chứng nhận là tác giả và chủ sở hữu của công trình nghiên cứu cải tiến chữ viết tiếng Việt là việc làm của cá nhân ông Hiền. Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam Hội Ngôn ngữ không có ý kiến gì thêm.
“Đăng ký bản quyền cũng là chuyện bình thường. Đến Cục Bản quyền mới thấy người ta đăng kí mọi thứ về quyền tác giả”, PSG.TS Phạm Văn Tình nói.
Theo Diệu Thu/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)