Sự thật đằng sau những lời nguyền huyền bí về Siêu trăng

Google News

Động vật và con người phát điên, tỉ lệ phạm tội, xu hướng tự tử gia tăng,... là những câu chuyện đáng sợ vẫn được đồn đoán xung quanh Siêu trăng.

Mời quý độc giả xem video: Khoảnh khắc tuyệt đẹp khi Mặt trăng đi qua Trái đất
Siêu trăng lớn nhất và sáng nhất năm 2017 sẽ xuất hiện vào ngày đêm 3/12. Theo National Geographic, đến nửa đêm, Mặt trăng sẽ sáng hơn khoảng 16% và lớn hơn khoảng 7% so với bình thường.
Siêu trăng là từ phổ biến dùng để gọi hiện tượng khi trăng tròn hoặc trăng non di chuyển đến điểm gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo.
Về lý thuyết, Siêu trăng vào tháng 12 tới sẽ là lần Siêu trăng thứ 4 của năm 2017, nhưng chỉ duy nhất lần này chúng ta mới có thể nhìn thấy nó bằng mắt thường, vì 3 lần Siêu trăng trước đều trùng với trăng non, còn lần này là trăng tròn.
 Siêu trăng được một số người cho rằng có thể ảnh hưởng đến tinh thần và gây ra sự điên loạn.
Siêu trăng xảy ra khi Mặt trăng ở vị trí gần nhất trên quỹ đạo so với Trái Đất – điều này gây ra biến đổi về trọng lực. Vì vậy nhiều quan niệm cổ cho rằng Siêu trăng có thể dẫn đến những thảm họa tự nhiên như thủy triều, động đất, sóng thần.
John Bellini, một nhà địa vật lý đến từ Trung tâm Khảo sát địa chất Mỹ cho biết rất nhiều nghiên cứu được thực hiện xung quanh vấn đề này và “họ không tìm thấy điều gì đáng kể”.
Xung quanh những hiện tượng thiên nhiên đặc biệt, con người cũng luôn có cách lí giải đặc biệt không kém. Theo Live science, “hẳn là do trăng tròn’” là một câu nói kinh điển thường được cảnh sát, bác sĩ, những nhân viên cấp cứu nói mỗi khi có sự việc hỗn loạn xảy ra, xuất phát từ quan niệm rằng Mặt trăng, đặc biệt là Siêu trăng có thể khiến vạn vật phát điên.
Theo Accuweather, một số loài động vật có xu hướng lấy thời gian của Mặt trăng làm thời gian sinh học của chúng.
“Nhiều động vật biển như cua, rệp, giun sán và cá cho thấy chúng có xu hướng hoạt động liên quan đến Mặt trăng và thủy triều, thậm chí ngay cả khi chúng được giữ trong phòng thí nghiệm để tránh những ảnh hưởng này”, Giáo sư Ernest Naylor, tác giả cuốn sách nói về ảnh hưởng của chu kì Mặt trăng đến cuộc sống cho biết.
 Ánh sáng của Mặt trăng có ảnh hưởng rõ ràng đến động vật. (Ảnh: Africa Geographic)
Ánh sáng của Mặt trăng cũng có ảnh hưởng rõ ràng đến các loài động vật. Ví dụ như nhiều loài động vật nhỏ sẽ hoạt động tích cực hơn khi trăng non do ít ánh sáng khiến chúng lẩn trốn tốt hơn, hoặc một số loài kích thước bé cũng cần tìm bạn tình cùng một lúc để có thể tìm thấy nhau vì nơi chúng ở như đại dương quá rộng lớn.
Hành động theo thời gian của Mặt trăng giúp một số loài động vật chuẩn bị thích ứng với những thay đổi của môi trường xung quanh. Vì vậy khi trăng tròn, có thể người ta sẽ nhận thấy động vật có một số phản ứng kì lạ.
Tuy nhiên ảnh hưởng của chu kì Mặt trăng đến con người vẫn còn nhiều tranh cãi.
Một nghiên cứu dữ liệu trong thời gian 5 năm của cảnh sát bang Florida, Mỹ cho thấy tỉ lệ các vụ giết người và bạo lực gia tăng trong thời điểm trăng tròn.
Một nghiên cứu khác theo sau 1.000 ca sinh ở một bệnh viện tại Kyoto, Nhật Bản cho thấy có nhiều trẻ em được sinh ra hơn vào thời điểm Mặt trăng ở gần nhất với Trái Đất, khi sức hút trọng lực mạnh nhất.
Nhiều người liên hệ Siêu trăng và trăng tròn với các bệnh lí về tinh thần, xu hướng tự sát, hành vi tội phạm hoặc những gián đoạn và tai ương khác trong cuộc sống.
Tuy những mối liên hệ này chưa có bằng chứng khẳng định chắc chắn, nhưng có một sự thật khác được khoa học chứng minh là trăng tròn có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của con người.
Theo các nhà khoa học Đại học Basel, Thụy Sĩ, các chu trình của Mặt trăng làm gián đoạn đến giấc ngủ. Và nếu trong lúc trăng tròn không ai ngủ được, thì việc nhiều hiện tượng kì lạ xảy ra hơn cũng là điều có thể lí giải.
Theo Accuweather, những lời đồn đại xuất hiện xung quanh Siêu trăng có thể do Mặt trăng ảnh hưởng đến con người và động vật trong quá khứ nhiều hơn ở thời điểm hiện tại, nơi ánh sáng nhân tạo và khoa học ngày càng phát triển.
Theo Phương Anh/VTC

>> xem thêm

Bình luận(0)