Phát hiện thiên hà 2 vòng sao hình nhẫn thuộc loại cực hiếm

Google News

(Kiến Thức) - Đó là thiên hà mang mã hiệu P-G-C 1000714 hay còn được gọi là thiên hà Burcin.

Thiên hà này được đặt tên theo tên tác giả chính của nghiên cứu, Burcin Mutlu-Pakdil - một cựu sinh viên tốt nghiệp trường đại học Minnesota Duluth. Đây là dự án hợp tác giữa các nhà thiên văn ở trường của Burcin và bảo tàng khoa học tự nhiên North Carolina (Mỹ).
Phat hien thien ha 2 vong sao hinh nhan thuoc loai cuc hiem

Tác giả Burcin Mutlu-Pakdil trình bày các đặc diểm của thiên hà mới. 

PGC 1000714 cách trái đất 359 triệu năm ánh sáng, gồm một lõi hình elip với 2 vòng sao hình nhẫn bên ngoài, một hình dạng rất khác biệt so với dạng xoắn ốc hình đĩa hoặc dạng elip hình trứng của hầu hết các thiên hà.
Theo một nghiên cứu đã xuất bản trên nguyệt san của hội thiên văn học hoàng gia Anh (MNRAS), một trong những tạp chí nghiên cứu danh tiếng và lâu đời nhất thế giới trong lĩnh vực thiên văn và vật lý thiên văn, PGC 1000714 là một loại vật thể Hoag cực hiếm.
Phat hien thien ha 2 vong sao hinh nhan thuoc loai cuc hiem-Hinh-2
 Ảnh chụp thiên hà mới được phát hiện PGC 1000714 (Ảnh: Ryan Beauchemin)
Vật thể Hoag là loại thiên hà được nhà thiên văn Arthur Hoag phát hiện lần đầu năm 1950. Cho tới nay Hoag nổi tiếng nhất trong nhóm thiên hà hình nhẫn, là các thiên thể tuyệt đẹp có lõi elip dễ nhận ra được bao bọc bởi các vì sao xếp thành hình chiếc nhẫn mà chúng ta chưa thể thấy được những thứ kết nối chúng. Với hình dạng kỳ lạ này, vật thể Hoag cực kỳ hiếm gặp trong vũ trụ, chỉ chiếm chưa tới 0,1% các thiên hà đã quan sát được, Mutlu-Pakdil cho biết. Do đó, giới thiên văn luôn náo động mỗi khi có thêm một thiên hà hình nhẫn được phát hiện.
Phat hien thien ha 2 vong sao hinh nhan thuoc loai cuc hiem-Hinh-3
 Một thiên hà hình nhẫn hay vật thể Hoag (Ảnh: NASA).
Ngoài ra trong số các thiên hà có hình thù kỳ quái còn có những loại khác như hình đậu lăng (một loại lai giữa hình xoắn ốc và elip), bất quy tắc (không thể phân biệt được hình dạng hoặc cấu trúc), mật độ cực thấp (còn được gọi là các vật thể siêu khuếch táng).
Với 2 lớp nhẫn độc lập có hình dáng rõ ràng bao quanh lõi elip, thiên hà mới PGC 1000714 được xếp vào một nhánh phụ mang tên chính mình.
Khi phân tích các hình ảnh đa băng tần của thiên hà này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một hình nhẫn màu xanh dương khoảng 0,13 triệu năm tuổi bao bọc quanh lõi elip màu đỏ ở trung tâm có tuổi đời già hơn, lên đến 5,5 triệu năm. Bất ngờ hơn là giữa lõi trung tâm và vòng nhẫn xanh còn có một vòng nhẫn thứ hai màu đỏ già hơn vòng xanh, là điểm độc đáo của PGC 1000714 so với các vật thể Hoag đã biết từ trước tới nay.
Phat hien thien ha 2 vong sao hinh nhan thuoc loai cuc hiem-Hinh-4
Ảnh thiên hà mới ở dạng bản đồ chỉ số 2 màu (phải) gồm vòng sao bên ngoài (xanh dương) và vòng sao bên trong (xanh lá khuếch tán sáng hơn) (Ảnh: Ryan Beauchemin)
Theo các nhà khoa học, vòng nhẫn xanh dương ngoài cùng được cấu tạo từ các ngôi sao xanh tỏa sáng rất mạnh so với các ngôi sao phát sáng khiêm tốn hơn ở lõi trung tâm. Trong thiên văn, dải ngân hà có đến hai vòng sao hình nhẫn là một điều khá đặc biệt, giống như một loại báo tuyết hay động vật khó tìm trong sinh học. Theo phỏng đoán, màu sắc khác biệt của hai hình nhẫn chứng tỏ PGC 1000714 được hình thành từ các áp lực của ít nhất hai thời kỳ khác nhau, một điều mà khoa học chưa từng chứng kiến để khẳng định chắc chắn hơn. Vòng sao xanh dương ngoài cùng có thể là kết quả của sự va chạm với một thiên hà đậm đặc khí đã từng có mặt ở gần đó.
Dù còn nhiều điều chưa rõ ràng về thiên hà mới nói riêng và các thiên hà hình nhẫn nói chung nhưng việc phát hiện ra những vật thể có cấu trúc đặc biệt như PGC 1000714 sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về vũ trụ và cách nó trưởng thành từ buổi ban đầu cho đến hôm nay. Patrick Treuthardt - nhà thiên văn đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: “Bất cứ khi nào chúng tôi tìm thấy một vật thể nghiên cứu độc đáo hoặc lạ, các lý thuyết và giả định hiện tại về cách thức vũ trụ hoạt động của chúng tôi đều bị thách thức. Các vật thể này cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều điều để học”.

Đoàn Hiểu Linh (theo Science Alert, Gizmodo)

>> xem thêm

Bình luận(0)