NASA làm gì để phá thiên thạch sắp đâm vào Trái đất?

Google News

NASA dự định sử dụng tàu vũ trụ nhằm phá hủy hoặc làm chệch hướng các thiên thạch sắp đâm vào Trái đất. 

Chúng ta đã xem vô số phim mà trong đó ngày tận thế xảy đến khi một tiểu hành tinh/thiên thạch, nhắm trúng Trái đất trên đường di chuyển của nó. Nhưng đó không chỉ là chuyện của màn ảnh, bởi trên thực tế đó là chuyện xảy ra hằng ngày, chỉ là kích cỡ các thiên thạch chưa đủ lớn mà thôi.
Để chuẩn bị đối phó các thiên thạch sắp đâm vào Trái đất, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang có kế hoạch thử nghiệm cho một con tàu vũ trụ va vào một thiên thạch. Mục đích là tính toán lực tác động thực tế khi cần giải cứu Trái đất.
NASA lam gi de pha thien thach sap dam vao Trai dat?
 
Dự án mang tên gọi khá dài dòng: Đánh giá tác động và độ lệch của tiểu hành tinh (AIDA). Về cơ bản, dự án được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Cơ quan Vũ trụ châu Âu phóng một vệ tinh lên quỹ đạo của thiên thạch “giết người” để thu thập dữ liệu, tiếp đó NASA cho một tàu vũ trụ lao vào thiên thạch này. Giai đoạn 2, vào năm 2022: nhận kết quả.
“Armageddon” là bộ phim cực ăn khách vào cuối những năm 1990, với diễn viên chính Bruce Willis, anh chàng Ben Affleck và cô nàng gợi cảm Liv Tyler, cùng ca sĩ xấu xí nhưng có chất giọng rất dị Steven Tyler. Nhưng đây cũng là một bộ phim bị giới phê bình chê tơi tả, nhất là với kịch bản một nhóm các anh thợ khoan dầu đã hy sinh thân mình để gài thuốc nổ phá huỷ thiên thạch đang lao xuống Trái đất.
Tuy nhiên, NASA lại không cho rằng đây là giải pháp kém khả thi. Lindley Johnson, Giám đốc Chương trình Vật thể gần Trái đất của NASA, cho rằng đây là một khả năng có thể xảy ra, cho dù nó không cần tới những kiểu người hùng như trong bộ phim. “Khả thi nhất theo cách làm này là cho nổ vũ khí hạt nhân cách bề mặt thiên thạch một khoảng cách nhất định. Vụ nổ sẽ giãn nở bề mặt thiên thạch, tạo ra lực đẩy theo chiều ngược lại”, ông nói.
Có điều, kế hoạch mà NASA ưng ý nhất vẫn là cho va chạm một tàu vũ trụ đủ lớn để làm thay đổi tốc độ của các thiên thạch. Theo Johnson, các thiên thạch quay quanh Mặt trời với tốc độ khoảng 12 dặm mỗi giây, tương đương với Trái đất. Chỉ cần tốc độ kể trên tăng thêm hoặc chậm lại 1 inch mỗi giây là đủ để thiên thạch thay đổi quỹ đạo.
Vấn đề là tính toán được trọng lượng của thiên thạch, để tính được lực va chạm cần thiết. Và trong trường hợp tính sai, thiên thạch không bị lệch khỏi quỹ đạo mà lại vỡ vụ ra thành nhiều mảnh nhỏ rồi tiếp tục bay về phía Trái đất thì sao?
Theo Johnson, NASA cũng đã tính toán đến việc sử dụng một tàu vũ trụ hạng nặng, hoạt động đủ lâu ở gần với thiên thạch, nhằm tạo ra lực hấp dẫn đủ lớn để thay đổi tốc độ của thiên thạch. Đây sẽ là mục tiêu các thử nghiệm của NASA trong thập kỷ tới, ông khẳng định.
Theo Nghe Nhìn VN

Bình luận(0)