Cận cảnh địa hình phức tạp của sao Diêm Vương

Google News

Tàu thăm dò New Horizons của NASA vừa gửi về Trái đất những hình ảnh rõ nét chụp cận cảnh bề mặt sao Diêm Vương. 

Đó là những ngọn núi cao chót vót được tạo thành từ băng đá và các đồng bằng gợn sóng.
Con tàu thăm dò có kích cỡ xấp xỉ cây đàn piano đã rà soát trong phạm vi 10.000 dặm trên bề mặt sao Diêm Vương (còn gọi là Diêm Vương tinh) để chụp ảnh. Có những địa hình phức tạp với nhiều hố sâu trên khắp cả vùng, được đặt tên là Tombaugh Regio, trên bề mặt hành tinh lùn (tiểu hành tinh) này.
Can canh dia hinh phuc tap cua sao Diem Vuong
Diêm Vương tinh và bề mặt của nó. (Nguồn: NASA) 
Các hố thường có đường kính hàng trăm mét và sâu hàng chục mét. Các nhà khoa học nói rằng, có thể chúng được hình thành do sự kết hợp của các khối băng nứt vỡ và bốc hơi. Có rất ít hố do các vụ rơi thiên thạch tạo ra.
Tàu New Horizons đã truyền về Trái đất những ảnh được chụp khi con tàu bay ngang Diêm Vương tinh trong ngày 14/7 vừa qua. Những hình ảnh mới nhất này có độ phân giải khoảng 77-85m cho mỗi điểm ảnh. Đó là những hình ảnh bề mặt đa dạng của một tiểu hành tinh ở rất xa Trái đất. Trong đó bao gồm một loạt các địa hình phức tạp là những ngọn núi và các dòng sông băng.
Trong năm 2016, tàu thăm dò New Horizons sẽ tiếp tục gửi về Trái đất những dữ liệu được ghi lại khi nó bay ngang qua Diêm Vương tinh.
Can canh dia hinh phuc tap cua sao Diem Vuong-Hinh-2
 Hình ảnh địa hình băng đá trên bề mặt Diêm Vương tinh do tàu thăm dò New Horizons gửi về. (Nguồn: NASA)
Từ khi được phát hiện vào năm 1930 cho đến năm 2006, Diêm Vương tinh vẫn được coi là hành tinh thứ 9 của Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhiều thiên thể tương tự Diêm Vương tinh đã được phát hiện ở phía ngoài rìa Hệ Mặt trời, đáng chú ý nhất là thiên thể Eris, có khối lượng lớn hơn Diêm Vương tới 27%.
Ngày 24/8/2006, Liên đoàn Thiên văn Quốc tế đã đưa ra định nghĩa "hành tinh". Diêm Vương tinh không đáp ứng đủ tiêu chí của một hành tinh nên được xếp vào danh sách những hành tinh lùn, cùng với Eris và Ceres, và được định danh bằng số 134340.
Theo Thế giới & VN

Bình luận(0)