Việt Nam có nên áp dụng gói nâng cấp tăng T-54/55 của Romania?

Google News

(Kiến Thức) - Theo một số đánh giá, chương trình nâng cấp xe tăng T-55 lên chuẩn TR-85M1 của Romania có thể đánh bại được xe tăng M1 Abrams của Mỹ.

T-55 không chỉ là chiếc xe tăng được sản xuất với số lượng nhiều nhất, sử dụng lâu đời nhất, tham gia nhiều chiến trường nhất mà còn là loại xe tăng được rất nhiều quốc gia trên thế giới nâng cấp để tiếp tục sử dụng.
Hiện có rất nhiều biến thể T-55 khác nhau được các quốc gia trên thế giới thực hiện, mỗi quốc gia lại có những gói nâng cấp rất đa dạng biến nó trở thành phương tiện chiến đấu bọc thép được nâng cấp nhiều nhất.

Trong hàng loạt dự án nâng cấp T-55 trên thế giới thì Romania được xem là quốc gia có chương trình ấn tượng nhất. Gói nâng cấp của Romania được đặt tên là TR-85, đây là một chương trình hiện đại hóa sâu rộng từ nguyên bản xe tăng chiến đấu chủ lực T-55 của Liên Xô trước đây.

Xe tăng chiến đấu chủ lực TR-85M1 đã đánh bại xe tăng M1Abrams của Mỹ trong một cuộc tập trận giả định gần đây.
Gói nâng cấp TR-85 đã được thực hiện từ năm 1986, biến thể mới nhất của mẫu xe này là TR-85M1 được đưa vào sản xuất từ năm 2009.
Thực tế, trước đây thì TR-85 không hề gây được nhiều sự chú ý đáng kể trên thế giới. Tuy nhiên, sau cuộc tập trận NATO diễn ra gần đây thì TR-85M1 được nhắc tới rất nhiều.

Cụ thể, trong cuộc tập trận gần thị trấn Hohenfels, Bavaria (Đức) với sự tham gia của 14 quốc gia thành viên NATO, TR-85M1 Bison đại diện cho lực lượng tăng thiết giáp của Romania đã đánh bại 8 trong 11 chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ.

Theo ghi nhận từ ê kíp vận hành xe tăng TR-85M1 của Romania, nhiều binh sĩ Mỹ đã nổi cáu sau khi kết thúc cuộc tập trận. TR-85M1 được trang bị pháo chính 100mm rãnh xoắn, pháo có tốc độ bắn từ 4-7 viên/phút, cơ số đạn pháo mang theo lên đến 41 viên.

Pháo có thể bắn đạn xuyên giáp động năng APFSDS, đạn HEAT, đặc biệt, Romania đã hợp tác với Israel để sản xuất loại đạn xuyên giáp động  năng BM-421VN.
Đạn APFSDS BM-421VN có thể xuyên giáp cán đồng nhất có độ dày 444mm ở góc chạm 90 độ từ khoảng cách 500 mét, 425mm ở khoảng cách 1.000 mét và 328mm ở khoảng cách 4.000 mét.
 Danh tiếng của TR-85M1 sẽ trở nên nổi tiếng hơn sau khi đánh bại M1Abrams của Mỹ.

Vũ khí phụ bao gồm một súng máy hạng nặng 12,7mm, súng máy đồng trục 7,62mm. TR-85M1 được trang bị máy tính đường đạn Ciclop-M - một loại máy tính điều khiển hỏa lực thế hệ 3. Ngoài ra, pháo chính còn được trang bị hệ thống ổn định 2 trục giúp cải thiện độ chính xác khi bắn và giảm thời gian khóa mục tiêu.

Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, máy tính đường đạn mới đảm bảo khả năng tiêu diệt mục tiêu đến 95% ở khoảng cách dưới 2.000 mét, trên 75% cho mục tiêu ở khoảng cách từ 2.000-3.000 mét. Ngoài ra, máy tính Ciclop-M còn có thể nhắm các mục tiêu ở khoảng cách 6km với đạn liều nổ cao OF-421, lên đến 5km với đạn xuyên động năng BM-421.

Pháo thủ được trang bị kính ngắm tích hợp thêm máy đo khoảng cách laser, phía trên chân nòng pháo còn được trang bị một hệ thống quan sát ảnh nhiệt thụ động. Chỉ huy được trang bị kính ngắm toàn cảnh EC2 -55R cùng một hệ thống ảnh nhiệt thế hệ 2 do Sagem của Pháp sản xuất có thể quan sát mục tiêu một cách độc lập so với pháo thủ. TR-85M1 được trang bị động cơ diesel 8VS-A2T2M công suất 860 mã lực, tốc độ tối đa đạt 60km/h.

Sự kiện TR-85M1 đánh bại xe tăng chiến đấu chủ lực hiện đại M1 Abrams của Mỹ đã cho thấy rằng, việc nâng cấp các hệ thống vũ khí cũ vẫn đảm bảo được khả năng chiến đấu trong khi tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Với kết quả khả quan này, liệu Việt Nam có nên tham khảo nâng cấp các xe tăng T-54/55 theo chuẩn TR-85/85M1?
Bình Đức

Bình luận(0)