Tìm hiểu công việc của “bác sĩ” máy bay quân sự

Google News

“Công việc của lực lượng bảo đảm kỹ thuật hàng không ở trường cũng giống như người nông dân vậy, ra đồng từ khi mờ đất đến khi tối mịt mới về”.

Mỗi khi phi công thực hiện các chuyến bay về hạ cánh an toàn, ít ai biết rằng để góp vào thành công ấy là sự nỗ lực, tận tụy hết mình và không ngừng sáng tạo... thầm lặng của những cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật (CMKT) hàng không. Họ xứng đáng với biệt danh “bác sĩ” của máy bay.
Gần 4h sáng, chiếc điện thoại di động trên bàn làm việc của Đại tá, phi công Dương Hồng Trường, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 910 (Trường Sĩ quan Không quân) rung lên bần bật khiến anh tỉnh giấc. Ngoài hiên, từng cơn gió nhè nhẹ phảng phất mùi nước biển mặn mòi. Bên nhà khách đơn vị, phòng nghỉ của Đại tá Phan Đình Phương, Chủ nhiệm Kỹ thuật Trường Sĩ quan Không quân cũng đã sáng đèn. Phía khu nhà Tiểu đoàn Kỹ thuật ánh đèn pin loang loáng rọi xuống mặt đường hiện rõ những bước chân của cán bộ, nhân viên CMKT đang lặng lẽ di chuyển về phía đường băng. Nhiều năm gắn bó với công tác kỹ thuật của nhà trường nên Đại tá Phan Đình Phương hiểu hơn ai hết đặc thù, nhiệm vụ của những người làm nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho những chuyến bay.
Cùng đi ra đường băng, anh Phương quay sang chúng tôi, giọng dí dỏm: “Công việc của lực lượng bảo đảm kỹ thuật hàng không ở trường cũng giống như người nông dân vậy. Ra đồng từ khi mờ đất đến khi tối mịt mới về. Vất vả nhưng mà vui!".
 Những người "bác sĩ" dậy từ tờ mờ sáng chuẩn bị trước nhiệm vụ bay.
Câu nói giàu hình ảnh của anh Phương gợi trí tò mò trong tôi về công việc thường ngày của họ -một nhiệm vụ không hề đơn giản chút nào, chỉ sơ sảy một chút là có thể xảy ra mất an toàn ngay. Sự tò mò ấy thúc giục tôi sải bước nhanh hơn về phía những ánh đèn điện cao áp, nơi đó thấp thoáng bóng những người lính thợ đang miệt mài nâng niu chăm sóc cho những chú “chim sắt” trước giờ cất cánh.
Chừng 10 phút sau, chúng tôi có mặt tại sân đỗ máy bay. Trong phòng giao nhiệm vụ, các đồng chí chỉ huy bay, điều hành kỹ thuật, giảng viên, học viên phi công... đều đã có mặt. Cùng lúc đó, phía ngoài sân bay, lực lượng bảo đảm kỹ thuật hàng không vẫn tiếp tục di chuyển những chiếc máy bay ra vị trí chuẩn bị xuất phát.
Dưới ánh đèn cao áp, những chiếc máy bay L-39 như những chú chim ưng đang sẵn sàng cất cánh. Và bên cạnh những “con chim sắt”- một tài sản quý hiếm của Nhà nước và nhân dân là những cán bộ, nhân viên CMKT không quản nắng mưa, ngày đêm cần mẫn bảo quản, bảo dưỡng.
Bên chiếc máy bay L-39, số hiệu 8731, Đại úy Trần Văn Khoan, Chủ nhiệm Kỹ thuật trung đoàn cùng Trung úy QNCN Phạm Khánh Toàn, Tổ trưởng kỹ thuật và Trung úy QNCN Ngô Sỹ Hoàn, tổ viên đang rọi đèn kiểm tra từng chiếc bu-lông. Gần đó, chiếc máy bay số hiệu 8721 cũng được Trung úy QNCN Nguyễn Văn Tuấn cùng các đồng nghiệp kiểm tra kỹ lưỡng. Trên ca-bin máy bay, Trung úy QNCN Nguyễn Năng Cường, Kỹ thuật trưởng vô tuyến đang kết nối liên lạc với đài chỉ huy và các máy bay, anh tỉ mẩn kiểm tra từng chi tiết, từ nút ấn thông thoại của hệ thống liên lạc đến cố định của các khối, đài trên buồng lái….
Mặt trời như quả cầu lửa nhô lên từ phía chân trời cũng là lúc tiếng động cơ máy bay khởi động vang rền, xé toang không gian tĩnh mịch. Sau khi tiếp nhận và kiểm tra sơ bộ vòng kín máy bay, Hạ sĩ Nguyễn Anh Tuấn, quê Tây Lương, Tiền Hải (Thái Bình), học viên khóa 38, năm thứ tư, bước lên buồng lái làm công tác chuẩn bị, thắt đai dù và xin phép mở máy. Ít phút sau anh nhận được lệnh xuất phát, Tuấn điều khiển máy bay chạy ra vị trí đường băng tiếp tục chờ lệnh cất cánh. Tiếng động cơ nổ giòn tan báo hiệu thông số kỹ thuật tốt, giúp Tuấn thêm tự tin hơn khi điều khiển máy bay tăng tốc độ rồi cất cánh thực hiện bài bay đơn.
Lượt thứ nhất, các máy bay cất cánh thực hiện những bài bay và hạ cánh an toàn nhưng không vì thế mà đội ngũ cán bộ, nhân viên CMKT chủ quan. Trong thời gian các phi công nghỉ giải lao, ăn sáng, các cán bộ, nhân viên CMKT lại tiếp tục kiểm tra thông số kỹ thuật, nạp nhiên liệu cho máy bay để chuẩn bị cho chuyến bay tiếp theo.
Đội ngũ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật Trung đoàn Không quân 910 kiểm tra kỹ thuật trước khi máy bay cất cánh.
Về trưa, cái nắng miền Trung mỗi lúc càng gắt hơn. Chiếc máy bay số hiệu 8726 vừa trở về, phi công cho biết: "Đèn báo mùn kim loại sáng liên tục…". Đại úy Phạm Văn Thai, Phó tiểu đoàn trưởng kỹ thuật nhanh chóng chỉ đạo cho tổ trưởng tiến hành mở máy kiểm tra tìm nguyên nhân, sau khi phát hiện có hiện tượng tắc lọc nhiên liệu, các anh đã tiến hành tháo lọc đưa vào kiểm tra và rửa YZY. Chỉ hơn nửa tiếng sau, sự cố đã được các nhân viên kỹ thuật khắc phục thành công, máy bay tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch.
“Làm sao các đồng chí có thể biết được máy bay bị trục trặc bộ phận nào?”, chúng tôi hỏi Thượng úy QNCN Lê Văn Hồng, Tổ trưởng máy bay.
Anh khiêm tốn giải thích: “Anh em chúng tôi vẫn thường nói cái nghề này mắc sai lầm là không có cơ hội để rút kinh nghiệm, sửa sai. Chính vì lẽ đó, chỉ một bất thường ở bộ phận nào thì cũng phải kiểm tra để có biện pháp khắc phục. Như trường hợp máy bay 8726 hôm nay, nghe phi công phản ánh là chúng tôi có thể đoán được "bệnh", tuy nhiên vẫn phải mở máy để kiểm tra và khắc phục theo đúng quy trình”.
Qua trò chuyện với các cán bộ, nhân viên CMKT ở đây chúng tôi mới hiểu: Để “bắt bệnh”, chữa được “bệnh” của máy bay, những người trực tiếp làm công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không phải luôn tích cực, chủ động học tập, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm và phải có thời gian dài trải nghiệm thực tế. Đấy là chưa kể yếu tố nơi đơn vị đóng quân thời tiết phức tạp, gió lớn, độ ẩm, nồng độ muối cao, kim loại dễ bị han gỉ. Do yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, những năm gần đây số máy bay của đơn vị tăng, số lượng học viên, giờ bay, chuyến bay cũng tăng lên. Một ban bay huấn luyện học viên ở Trung đoàn Không quân 910 bình quân có tới 57 chuyến bay.
Cùng với đó, máy bay đã qua tăng hạn, sửa chữa nhiều lần, một số máy bay đã tăng tổng niên hạn, trong khi đó khí tài thay thế còn thiếu đồng bộ, dễ phát sinh hư hỏng. Những yếu tố ấy là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật của nhà trường nói chung và Trung đoàn Không quân 910 nói riêng. Khắc phục những khó khăn trên, Phòng Kỹ thuật nhà trường đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị huấn luyện phát huy trí tuệ tập thể và mỗi cá nhân, đề xuất nhiều sáng kiến, dự báo tình trạng kỹ thuật hàng không cũng như tổ chức các buổi giảng bình rút kinh nghiệm… Sau những cuộc họp, nhiều ý tưởng hay được đề xuất và triển khai thực hiện.
Cùng với tăng nội dung, thời gian bảo dưỡng cho máy bay, lực lượng kỹ thuật của đơn vị đã dùng các thiết bị khí nén để làm mát máy biến điện, các đài liên lạc khi chuẩn bị giữa các chuyến bay. Điển hình như một số hỏng hóc trên máy bay L-39 trước đây chưa khắc phục được thì từ năm 2011 đến nay đơn vị đã sửa chữa được như: Hệ thống điều hòa, hệ thống báo lượng dầu, hiện tượng hóc khí của các động cơ, vòng quay động cơ....
Từng là học viên phi công, rồi trở thành sĩ quan chỉ huy không quân, Thiếu tá Đặng Hải Quỳnh, Chính trị viên Tiểu đoàn Kỹ thuật thuộc Trung đoàn Không quân 910 hiểu rõ tâm lý của các phi công khi bước lên điều khiển máy bay làm chủ bầu trời. Bởi vậy, anh vẫn thường xuyên đến các phi đội gặp gỡ, trò chuyện với các học viên phi công để tìm hiểu những khó khăn, thắc mắc của họ về công tác kỹ thuật. Trên cơ sở đó, anh cùng các đồng chí trong cấp ủy, chỉ huy tiểu đoàn hội ý thống nhất các chủ trương biện pháp để nâng cao công tác bảo đảm kỹ thuật hàng không.
 Máy bay chiến đấu L-39 tuy đã cao tuổi nhưng dưới bàn tay của những "bác sĩ" dày dặn kinh nghiệm nó vẫn hoạt động tốt.
Thượng sĩ, học viên phi công Trần Văn Huy, chia sẻ: “Cứ đều đặn mỗi tháng, cán bộ, nhân viên CMKT xuống các phi đội để hướng dẫn trao đổi nghiệp vụ công tác kỹ thuật; về tính năng, tác dụng của các bộ phận trên máy bay và cách xử lý các tình huống bất trắc xảy ra trên không cho đội ngũ phi công”.
Cái công việc tưởng chừng như đơn giản ấy lại rất thiết thực đối với mỗi phi công khi làm chủ phương tiện bay. Đã có nhiều tình huống xảy ra ngoài dự tính nhưng được cán bộ, giảng viên và học viên xử lý thành công, bảo đảm an toàn cho người và máy bay.
Đầu tháng 7/2013 vừa qua, Đại úy phi công Tô Tuấn Anh, giáo viên và Trung sĩ, học viên Lương Nguyễn Hữu Phước khi điều khiển máy bay 8719 trên không, bất ngờ vòng quay động cơ bị treo, các anh đã bình tĩnh xử lý thành công. Trò chuyện với cán bộ, nhân viên, học viên nhà trường chúng tôi được biết những năm gần đây, nhà trường tập trung đào tạo cho học viên phi công hiểu rõ, nắm chắc quy trình sử dụng, khai thác bay với phương châm “thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”. Nhờ đó, từ năm 2008 trở lại đây, đơn vị bảo đảm an toàn bay vững chắc, không có trường hợp nào mất an toàn trong quá trình huấn luyện bay.
Trời đổ chiều, cũng là lúc các học viên phi công vui chơi, luyện tập thể lực trên sân bóng đá, bóng chuyền... nhưng trong các khoang chứa máy bay, các cán bộ, nhân viên CMKT của đơn vị vẫn cần mẫn lau chùi, bảo dưỡng cho những cánh bay sau một ngày hoạt động…
Theo báo Quân đội Nhân dân

Bình luận(0)