Tàu ngầm hạt nhân Nga-Mỹ: Ai mới là vua? (1)

Google News

(Kiến Thức) - Liệu lớp tàu ngầmYasen mới nhất của Nga có giúp nước này lấy lại vị thế "bá chủ đại dương" hiện đang nằm trong sự kiểm soát bởi các tàu ngầm Virginia của Mỹ?

Hải quân Liên Xô trước đây luôn được xem là bá chủ dưới lòng đại dương với các loại tàu ngầm hiện đại và khổng lồ nhất từng được chế tạo trong suốt thời gian diễn ra Chiến tranh Lạnh. Mặc dù vậy, vị thế này của Liên Xô đã dường như bị tuột dần mất khỏi tay Nga khi mà một số lượng không nhỏ các con "Át chủ bài" trong lực lượng tàu ngàm hạt nhân Liên Xô trước kia lại đang phải nằm rỉ sét trong các căn cứ của Hải quân Nga khi Moscow không thể tiếp tục bảo dưỡng và sử dụng được chúng.
Để tránh việc cả mặt biển và lòng biển đều rơi vào tay người Mỹ, Nga tiếp tục tung ra lớp tàu ngầm hạt nhân Yasen vào năm 2013 để giành lại vị thế "Thần Biển Cả" của mình trong quá khứ.
Người Mỹ trong quá khứ đã từng giành được ưu thế dưới lòng biển vào khoảng đầu những năm 2000 - khoảng 10 năm kể từ khi Liên Xô tan rã và Nga không có đủ tiềm lực kinh tế để "nuôi" được đội tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo vừa đông đảo, vừa mạnh nhưng lại vừa cực kỳ tốn kém mà Liên Xô để lại.
 Tàu ngầm lớp Yasen - kẻ được coi là sẽ giúp hải quân Nga "bại binh phục hận" chiếm lại lòng biển từ người Mỹ. Nguồn ảnh: Nationalinterest.
Trong thời gian đó, thứ vũ khí tối thượng mà người Mỹ sử dụng để kiểm soát lòng biển hay xương sống của lực lượng tàu ngầm Mỹ không đâu xa lạ, chính là những tàu ngầm hạt nhân lớp Virinia. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu những tàu ngầm lớp Yasen hiện đại nhất của Nga sau này có đủ khả năng để giành lại quyền chủ động dưới lòng đại dương từ tay những tàu ngầm lớp Virgina của Mỹ hay không.
Yasen (tên trong tiếng Nga của cây Chi Tần Bì) là thực chất là lớp tàu ngầm có ý tưởng hình thành từ những năm 80 của thế kỷ trước bởi Phòng thiết kế trung tâm Malakhit - một trong ba trung tâm thiết kế tàu ngầm "xương sống" của Liên Xô thời bấy giờ. Chiếc đầu tiên trong lớp này, được đặt tên là Severodvinsk và bắt đầu được đóng mới từ năm 1993 tại nhà máy đóng tàu Sevmash. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí để duy trì việc xây dựng, quá trình đóng mới đã bị hoãn vô thời hạn trong hàng thập kỷ và Severodvinsk chỉ chính thức được hạ thủy vào năm 2010, sau đó được nhập biên chế Hải quân Nga vào năm 2013.
Có chiều dài 117 mét và độ giãn nước khi lặn khoảng 13.800 tấn, tàu ngầm hạt nhân lớp Yasen có thủy thủ đoàn bao gồm 90 người, ít hơn nhiều so với tàu ngầm Virginia của Mỹ với thủy thủ đoàn lên tới 140 người. Điều này đồng nghĩa với việc, tàu ngầm Yasen của Nga có độ tự động hóa cao hơn nhiều so với chiếc Virginia. Cũng cần phải nói thêm, 90 thành viên thủy thủ và sĩ quan chỉ huy trên chiếc Yasen sẽ chia 2 ca làm việc, mỗi ca 12 tiếng một ngày. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ cần khoảng 45 người để có thể vận hành được con tàu này một cách trơn chu.
Về hình dáng cảm quan bên ngoài, Yasen có hình dáng na ná với lớp tàu ngầm Akula của Liên Xô trước kia, tuy nhiên phần thân phía sau tháp điều khiển lại dài hơn đồng nghĩa với việc nơi chứa các giếng silo phóng tên lửa thẳng đứng lại lớn hơn nhiều.
 Cận cảnh phần lưng của tàu ngầm lớp Yasen, đặc biệt là tháp điều khiển có phần khá tương đồng so với các tàu ngầm lớp Akula. Nguồn ảnh: Pinterest.
Theo thông tin được truyền thông của Nga đăng tải, tàu ngầm Severodvinsk được trang bị động cơ hạt nhân loại OK-650 KPM, loại động cơ này cung cấp 200 megawatt điện năng, giúp các tàu lớp Yasen di chuyển được với tốc độ tối đa lên tới 16 hải lý trên giờ khi nổi và khoảng 31 hải lý trên giờ khi lặn. Một vài tài liệu khác lại cho biết tốc độ của Yasen tối đa có thể lên tới 35 hải lý trên giờ và đặc biệt. Ở tốc độ 12 hải lý trên giờ (khi lặn), tàu ngầm lớp Yasen hoàn toàn không phát ra tiếng động và cực kỳ khó phát hiện bằng định vị thủy âm.
Các hệ thống cảm biến của tàu ngầm Severodvinsk bao gồm hệ thống định vị thủy âm (sonar) Irtysh-Amfora với một cảm biến thủy âm hình cầu được gắn ở phía trước mũi tàu, hai hệ thống thủy âm mảng được gắn ở hai bên thân tàu và một hệ thống thủy âm mảng được gắn phía sau đuôi tàu.
 Phần chân vịt - nơi được coi là ẩn chứa bí mật về khả năng lặn cực kỳ "kín tiếng" của các tàu ngầm lớp Yasen. Nguồn ảnh: Wiki.
Hệ thống dẫn đường khi lặn kiêm radar khi nổi của tàu này là loại MRK-50 Albatross (một cặp), kèm theo đó còn có hệ thống Rim Hat - đây là hệ thống hỗ trợ tác chiến điện tử trong tác chiến tàu ngầm, có thể sử dụng như một phương án chống tác chiến điện tử của đối phương.
Vũ trang của tàu bao gồm ba ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và bốn ống phóng ngư lôi cỡ 650mm. Các ống phóng này được tương thích với mọi loại ngư lôi dẫn đường của Hải quân Nga và thậm chí còn tương thích với cả tên lửa 3M54 Klub, đây là loại tên lửa cực đa năng, có thể thích hợp để chống hạm, tấn công mục tiêu trên đất liền hoặc tấn công tàu ngầm đối phương.
Nếu như vậy là chưa đủ, Yasen còn có hỏa lực mạnh hơn nữa đó là 24 ống phóng thẳng đứng, tương thích với loại tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Oniks, đây là loại tên lửa chống hạm hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.

Mời độc giả xem Video: Cận cảnh tàu ngầm hạt nhân "cá voi lưng gù" của Nga hoạt động trên biển.

Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)