Máy bay cường kích Su-25: "Gừng càng già càng cay"

Google News

(Kiến Thức) - Đã tròn 40 năm kể từ lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1975 nhưng máy bay cường kích Su-25 vẫn giữ nguyên được giá trị của mình theo thời gian.

Su-25 là dòng máy bay cường kích do Liên Xô chế tạo, nó thực hiện chuyến bay của mình vào tháng 2/1975 và được cho ra mắt trước công chúng vào năm 1981. Mặc dù trải qua 40 năm phục vụ nhưng Su-25 vẫn là một trong những dòng máy bay cường kích chủ lực không chỉ của Không quân Nga mà còn nhiều nước trên thế giới.
Tính đến đầu năm 2015, Không quân Nga có trong biên chế khoảng 14 phi đội máy bay cường kích Su-25 với nhiều biến thể khác nhau bao gồm 150 chiếc Su-25, 60 chiếc Su-25SM, 52 chiếc Su-25 SM2/SM3 và 15 chiếc Su-25UB. Trong đó sẽ có khoảng 80 chiếc Su-25 biến thể cũ sẽ được nâng cấp lên biến thể hiện đại nhất là Su-25SM vào năm 2020, ngoài ra trong các kho vũ khí dữ trự chiến lược của Nga vẫn còn lưu giữ khoảng thêm 100 chiếc Su-25 khác.
May bay cuong kich Su-25:
 Không quân Nga là lực lượng duy trì phi đội cường kích Su-25 lớn nhất trên thế giới hiện nay.
Gừng càng già càng cay
Với trọng lượng cất cánh tối đa là 17 tấn và có thể đạt tốc độ 975km/h với tầm hoạt động lên tới 750km cùng 11 giá treo vũ khí, Su-25 là nỗi khiếp sợ của bất cứ tuyến phòng thủ nào nằm trên đường nó đi qua. 
Với hệ thống vũ khí đa dạng và có thể mang theo cùng lúc hơn 4 tấn bom hoặc tên lửa các loại, Su-25 có thể tiêu diệt bất cứ mục tiêu nào ở dưới mặt đất lẫn trên không trong tầm hoạt động của nó. Bên cạnh đó, Su-25 còn được trang bị hệ thống giáp bảo vệ tiên tiến giúp nó có thể chống lại các loại súng phòng không cỡ nhỏ của đối phương.
Với chi phí sản xuất cũng như yêu cầu bảo trì tương đối thấp ngay từ khi xuất hiện Su-25 đã dành được sự quan tâm của lực lượng không quân nhiều nước trên thế giới và đã có khoảng hơn 1.300 chiếc được sản xuất trong suốt giai đoạn từ những năm 1970 cho đến nay.
Vai trò của máy bay cường kích hạng nặng Su-25 cũng được thể hiện một cách rõ nét trong các cuộc xung đột mà nó có tham gia như Chiến tranh Nam Ossetia vào 2008, chiến trường miền Đông Ukraine vào 2014 và gần đây nhất là cuộc chiến chống lại nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tại Iraq và Syria. Dù Bộ quốc phòng Iraq chỉ đặt mua 15 chiếc cường kích Su-25 từ Nga nhưng số máy bay này cũng đã quá đủ để giúp Quân đội chính phủ Iraq kịp thời thay đổi cục diện chiến trường với IS vào cuối năm 2014.
May bay cuong kich Su-25:
 Các biến thể hiện đại hóa giúp Su-25 có thể dễ dàng thích nghi hơn với môi trường chiến tranh trong tương lai.
Sức mạnh của Su-25 chứng tỏ rõ nhất trong lực lượng Không quân Nga tại Chiến tranh Nam Ossetia 2008 với Georgia, khi những chiếc cường kích Su-25 của Nga ngăn chặn hoàn toàn bước tiến của Quân đội Georgia mặc dù Georgia cũng được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không do Liên Xô chế tạo. Theo một số liệu thống kê không chính thức phía Nga chỉ mất khoảng 3 chiếc Su-25 trong suốt thời gian xảy cuộc xung đột.
Theo nhà thiết kế của Sukhoi - Vladimir Babak cho biết, biến thể hiện đại hóa Su-25SM sẽ giúp dòng máy bay cường kích này hoạt động thêm ít nhất là vài thập kỷ nữa trong khi đó các biến thể Su-25 có từ thời Liên Xô đã quá lỗi thời và dễ dàng bị bắn hạ trước các loại tên lửa phòng không hiện đại của đối phương.
Điển hình như tại chiến trường miền Đông Ukraine khi những chiếc Su-25 của Quân đội chính phủ Ukraine bị lực lượng dân quân đòi ly khai ở miền Đông vô hiệu hóa bằng các tên lửa phòng không vác vai di động và một phần là do sự yếu kém của phi công Ukraine. Trong suốt khoảng thời gian xảy ra chiến sự từ giữa năm 2014 cho tới nay phía Quân đội chính phủ Ukraine mất tới 11 chiếc Su-25 cùng 12 phi công.
May bay cuong kich Su-25:
Một chiếc Su-25 của Không quân Ukraine bị lực lượng dân quân đòi ly khai ở miền Đông Ukraine bắn hạ.
Viết tiếp tương lai
Việc Không quân Nga tiến hành nâng cấp những chiếc cường kích Su-25 của mình lên biến thể Su-25SM3 có thể được xem bước đi sáng suốt trong bối cảnh hiện tại, biến thể Su-25 này được tái trang bị lại hệ thống thiết bị điện tử tiên tiến bao gồm cả hệ thống định vị vệ tinh GLONASS giúp tăng khả năng hoạt động của Su-25 trong mọi tình huống khi không có sự hỗ trợ của các trạm liên lạc mặt đất.
Những chiếc Su-25SM3 đầu tiên được đưa vào biên chế Không quân Nga vào đầu năm 2013 và Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới cho ra mắt biến thể hiện đại hóa sâu nhất của Su-25. 
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn RIA Tư lệnh lực lượng Không quân Nga – Tướng Victor Bondarev cho biết, các phi đội máy bay cường kích Su-25 sẽ tiếp tục được Không quân Nga sử dụng trong tương lai với các biến thể hiện đại hóa khác nhau.
Trong năm 2014 có nhiều nguồn tin tiết lộ rằng, Không quân Nga đã tiếp nhận một biến thể nâng cấp mới của Su-25 có khả năng tấn công và vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống phòng không của đối phương.
Trà Khánh

Bình luận(0)