Khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng lớn tới Không quân Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc khủng hoảng Ukraine gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất, duy trì các máy bay chiến đấu, trực thăng Không quân Trung Quốc.

Tạp chí Khán Hòa bình luận, tình hình bất ổn tại Ukraine không thể đảo lộn việc hợp tác quân sự giữa nước này với Trung Quốc, nhưng có thể sẽ làm chậm việc sản xuất, duy trì các loại máy bay Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, trong 10 năm qua, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Trung Quốc và Nga luôn ở trong tình trạng ảm đạm. Ngược lại giữa Trung Quốc và Ukraine lại khá thường xuyên, kim ngạch trao đổi thương mại quân sự giữa hai bên hàng năm đạt trên 500 triệu USD. Trung Quốc chủ yếu nhập động cho các trang bị quân sự của mình.
 Máy bay huấn luyện siêu thanh L-15 của Trung Quốc đang dùng động cơ Ukraine.
Ví dụ điển hình, máy bay huấn luyện siêu thanh Hồng Du L-15 của Trung Quốc đang dùng động cơ phản lực Ivchenko AI-222 do Công ty cổ phần Motor Sich Public đặt ở Zaporizhia, Ukraine chế tạo. Mà Trung Quốc đang phải thực hiện hợp đồng cung cấp L-15 cho không quân nước này và Venezuela. Vì vậy, khủng hoảng Ukraine có thể khiến việc này đình trệ dẫn đến khó hoàn thành hợp đồng.
Ngoài L-15, việc sản xuất máy bay huấn luyện chiến đấu JL-8 (hay gọi là K-8 với biến thể xuất khẩu) cũng gặp khó. Những chiếc JL-8 đang được sản xuất với động cơ Ivchenko AI-25 của Motor Sich.
Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp, thì cuộc khủng hoảng Ukraine cũng tác động gián tiếp tới việc duy trì hoạt động một số loại máy bay Trung Quốc. Ví dụ như trong trường hợp trực thăng M-17, Mi-171 mà Nga chế tạo theo hợp đồng ký kết với Trung Quốc. Theo đó, loại động cơ tuốc bin trục VK-2500 trang bị cho loại trực thăng này được sản xuất tại Ukraine.
 Trực thăng Mi-17 Trung Quốc có thể nằm đất cả loạt nếu khủng hoảng Ukraine kéo dài.
Theo hợp đồng ký kết trước đây, toàn bộ khung thân và thiết kế động cơ Mi-17/171 xuất cho Trung Quốc do Nga thực hiện. Tuy nhiên, việc chế tạo động cơ lại do Ukraine phụ trách. Nói một cách đơn giản, hợp đồng này được ký kết giữa 3 bên, tổng hợp đồng do Trung Quốc và Nga ký, Nga và Ukraine lại ký hợp đồng con về động cơ.
Ngoài ra, hiện việc đại tu, bảo dưỡng, sửa chữa lớn máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK của Trung Quốc cũng chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ với Ukraine.
Lí do hợp tác KT-QS Trung – Ukraine có thể tồn tại?
Theo các chuyên gia, mặc cho trải qua nhiều bất ổn, thay đổi phe phái cầm quyền ở Ukraine (thân Nga hay thân phương Tây), mối quan hệ hợp tác kỹ thuật – quân sự với Trung Quốc vẫn không hề ảnh hưởng và còn tồn tại dài lâu vì một số lí do gồm:
- Giữa hai nước không có xung đột về địa chính trị, vì vậy không có giới hạn về công nghệ, không tồn tại cái gọi là “vũ khí chiến lược không xuất khẩu sang Trung Quốc”. Bằng chứng là tàu sân bay, tên lửa hành trình Kh-55 đều là vũ khí chiến lược đã được Ukraine xuất khẩu sang Trung Quốc thậm chí với giá rẻ “như cho”.
 Trong nhiều năm, Ukraine đã "cống" cho Trung Quốc với giá rẻ bèo tàu sân bay, tiêm kích hạm.
- Ukraine cởi mở hơn trong vấn đề bảo mật công nghệ so với Nga. Sự hỗ trợ quân sự của Belarus và Ukraine đối với Trung Quốc tương đối lớn. Nhiều loại vũ khí trang bị của Ukraine xuất khẩu sang Trung Quốc đều là hiện đại, thậm chí là chưa được trang bị cho quân đội Ukraine.
- Giá thành các mặt hàng của Ukraine rẻ hơn so với Nga, đặc biệt là trong công đoạn bảo dưỡng, sửa chữa.
Cho đến nay, việc bảo dưỡng, sửa chữa của trực thăng Ka-28, động cơ trực thăng, máy bay huấn luyện của Trung Quốc vẫn phải nhờ sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật của Ukraine. Thậm chí động cơ trang bị cho trực thăng vận tải Z-20 mới nhất Trung Quốc có thể dùng loại VK-2500 sản xuất tại Ukraine.
Bằng Hữu

Bình luận(0)