Khám phá điều kỳ thú trong thế giới tên lửa

Google News

(Kiến Thức) - Tên lửa đầu tiên ra đời ở Trung Quốc, nhiều kiểu tên lửa do phát xít Đức chế tạo... là những điều kỳ thú, ít biết về thế giới tên lửa.

* Bài viết có tham khảo các cuốn sách Bách khoa tri thức toàn dân và Tri thức quân sự.
Tên lửa là một khí cụ bay, có hoặc không có điều khiển, chỉ sử dụng một lần, chuyển động nhờ sức đẩy theo nguyên tắc phản lực do khí phụt ra từ động cơ tên lửa.
Tên lửa có điều khiển hình thành và phát triển trên cơ sở kỹ thuật kỹ thuật tên lửa chung. Đặc biệt là kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tên lửa có điều khiển phát triển nhanh chóng và được sử dụng rộng rãi trên chiến trường, đến nay đã trở thành hệ thống vũ khí độc lập. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều loại tên lửa và có nhiều kích cỡ khác nhau, từ loại rất nhỏ đến các loại tên lửa cực lớn như các tên lửa dùng để phóng các tàu vũ trụ.
Sau đây là một vài điều kỳ thú, ít biết trong lịch sử phát triển tên lửa:
Tên lửa nguyên thủy đầu tiên trên thế giới
Đầu triều đại nhà Tống – Trung Quốc (năm 969), hai người tên là Phùng Nghĩa Thăng và Nhạc Nghĩa Phương đã phát minh ra loại tên lửa tự động mang theo thuốc nổ.
Theo đó, bọc gói thuốc nổ hình cầu buộc gần đầu tên lửa và thêm ngòi dẫn. Khi tác chiến người ta châm ngòi nổ khiến tên lửa phóng đi. Loại tên lửa nguyên thủy đầu tiên này có hỏa lực mạnh, cháy nhanh và không dễ dập lửa.
Nhà máy vũ khí tên lửa đầu tiên trên thế giới
Không lâu sau khi tên lửa ra đời, nó đã được ứng dụng trong chiến tranh diệt Nam Đường – Trung Quốc của Tống Thái Tổ năm 975. Sau đó trong các cuộc chiến tranh, quân Tống thường xuyên sử dụng vũ khí tên lửa.
Tại Khai Phong – kinh đô của Bắc Tống xưa kia từng xây dựng một xưởng chuyên chế tạo tên lửa, đó chính là “nhà máy” vũ khí tên lửa đầu tiên trong lịch sử thế giới. Vào khoảng thế kỷ 13, kỹ thuật chế tạo tên lửa của Trung Quốc bắt đầu lan truyền đến châu Âu thông qua người Ả Rập.
Kham pha dieu ky thu trong the gioi ten lua
 Tên lửa đạn đạo V-2 - tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới rời bệ phóng.
Tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới
Tên lửa đạn đạo (còn gọi là tên lửa đường đạn) là loại tên lửa có phần lớn quỹ đạo sau khi phóng tuân theo các nguyên tắc của đường đạn học, phần quỹ đạo của tên lửa trong giai đoạn này thực chất là theo chế độ bay không điều khiển theo phương trình vật chuyển động tự do trong trường trọng lực. Để đi được xa thường tên lửa được phóng lên rất cao, quỹ đạo vượt ra khỏi tầng khí quyển đậm đặc của Trái Đất và thâm nhập khoảng không vũ trụ. Điểm đặc trưng của tên lửa đạn đạo là được phóng theo phương thẳng đứng.
Trong lịch sử thế giới, thì người Đức một lần nữa đi đầu phát triển tên lửa đạn đạo với thiết kế V-2. Nó dài 14m, đường kính 16m, nặng 14 tấn, bên trong chứa 1 tấn thuốc nổ tính năng cao.
Tên lửa đạn đạo V-2 sử dụng động cơ thể lỏng, 75% nguyên liệu đẩy là cồn và oxy hóa lỏng với trọng lượng lần lượt là 3,5 tấn và 5 tấn, lực đẩy tối đa đạt 27 tấn, tốc độ bay tối đa có thể đạt vận tốc 1.700m/s, tương đương với 6.120km/h. Tên lửa đạt tầm bắn 354km, đường đạn cao khoảng 100km. Tên lửa V-2 sử dụng hệ thống kiểm soát con quay kiểu tự động với thiết bị lập trình nhưng còn rất sơ khai nên độ chính xác kém.
Loại tên lửa này được nghiên cứu, chế tạo thành công năm 1944 và ngày 8/9/1944, lần đầu tiên nó được đưa vào sử dụng trong chiến tranh, mục tiêu là khu vực Chiswick của Anh. Do độ chính xác thấp nên tên lửa V-2 đó chỉ làm chết 2 người và bị thương một số người khác.
Tên lửa chống tăng đầu tiên trên thế giới
Từ giữa những năm 1940, trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2, đứng trước ưu thế quá lớn của lực lượng xe tăng quân đồng mình, người Đức đã bắt tay vào nghiên cứu vũ khí chống tăng mới, có điều khiển nhằm ngăn chặn bánh xích xe tăng Liên Xô, Mỹ, Anh.
Đó là cơ sở chính cho sự ra đời của X-7 – tên lửa chống tăng đầu tiên trên thế giới. Loại tên lửa này dài 950mm, nặng 15kg, đường kính là 130mm, sử dụng động cơ tên lửa rắn cấp hai, tốc độ bay có thể đạt tới 90m/s, tầm bắn 1.200m.
Nhưng X-7 ra đời quá muộn, ở vào thời điểm mà thắng bại rõ ràng nên không còn cơ hội phát huy hiệu quả.
Tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới
Không dừng lại ở V-2, X-7, người Đức tiếp tục ghi danh là người khai phá tên lửa chống hạm với thiết kế Hs 293. Nó được thiết kế dựa trên loại bom lượn Gustav Schwartz Propellerwerke ra đời vào năm 1939.
Kham pha dieu ky thu trong the gioi ten lua-Hinh-2
 Tên lửa chống hạm đầu tiên trên thế giới - Hs 293.
Hs 293 được thiết kế với 2 cánh ổn định ngang ở giữa thân, 2 cánh lái cùng một cánh ổn định dọc ở dưới đuôi. Động cơ tên lửa được đặt dưới bụng của nó.
Tên lửa được dẫn hướng theo cơ chế kiểm soát đường ngắm thủ công (MCLOS) bằng sóng radio. Đuôi tên lửa được gắn 5 pháo sáng màu để người điều khiển có thể nhìn thấy và điều khiển nó. Trong các nhiệm vụ tấn công ban đêm, một đèn nhấp nháy được sử dụng thay thế cho pháo sáng.
Tầm hoạt động của tên lửa phụ thuộc vào độ cao khi phóng, nếu tên lửa được phóng từ độ cao 1.400m, phạm vi hoạt động của nó khoảng 12km. Tên lửa Hs 293 có chiều dài 3,82m, rải cánh 3,1m, đường kính 0,47m, trọng lượng 1.045kg, đầu đạn nặng 295kg.
Hs 293 được thiết kế để tấn công các tàu chiến không bọc giáp hoặc bọc giáp nhẹ, các tàu thương mại. Tên lửa tiến hành thử nghiệm đầu tiên vào cuối năm 1940, bắt đầu được sản xuất loạt vào năm 1942, đưa vào sử dụng từ năm 1943.
Tên lửa có nhược điểm là sau khi phóng, phi công buộc phải bay một đường thẳng song song với tên lửa để duy trì đường ngắm cho đến khi chạm mục tiêu. Máy bay không được cơ động bởi như thế tên lửa sẽ mất điều khiển. Hạn chế này khiến máy bay phóng Hs 293 rất dễ bị tổn thương bởi các máy bay chiến đấu hay hỏa lực phòng không.
Sự xuất hiện của tên lửa chống hạm Hs 293 đã gây bất ngờ lớn cho hải quân đồng minh. Rất nhiều tàu chiến cũng như tàu thương mại của hải quân đồng minh đã bị Hs 293 đánh chìm hoặc hư hỏng nặng. Hs 293 trở thành cơn ác mộng của hải quân đồng minh cho đến khi phương pháp gây nhiễu điều khiển bằng sóng radio được phát triển thành công.
Tên lửa chống radar đầu tiên trên thế giới
AGM-54A/B Shrike được xem là tên lửa chống radar đầu tiên trên thế giới, được Mỹ thiết kế cho nhiệm vụ phá hủy các đài radar, radar của hệ thống tên lửa phòng không. Tên lửa được đưa vào sản xuất hàng loạt năm 1964 và triển khai lần đầu trong chiến tranh Việt Nam. Chúng đã gây nhiều khó khăn, tổn thất cho bộ đội phòng không miền Bắc Việt Nam.
Kham pha dieu ky thu trong the gioi ten lua-Hinh-3
 Máy bay cường kích A-4 phóng tên lửa Shrike.
Tên lửa Shrike dài 3,05m, đường kính thân 0,23m, sải cánh 9,914m, lắp đầu nổ sát thương mảnh nặng 66,7kg. Tên lửa dùng động cơ thể rắn, tầm bắn tối đa 45km, hiệu quả tầm 8-18,5km, tầm bay cao 1.500-10.000m. Phương thức điều khiển là dùng đầu dẫn radar mạch xung đơn để dẫn đường bám đuôi.
Tên lửa hành trình đầu tiên trên thế giới
Tên lửa hành trình hay (theo thuật ngữ tiếng Anh Cruise missile) là loại vũ khí tên lửa có điều khiển mà đặc điểm bay của nó là trong toàn bộ quỹ đạo tên lửa chịu tác động của lực nâng khí động học thông qua các cánh nâng nên được gọi là tên lửa có cánh.
Quốc gia đầu tiên phát minh thành công tên lửa hành trình, một lần nữa lại là người Đức với thiết kế V-1.
Tên lửa hành trình V-1 có bề ngoài giống như một chiếc máy bay không người lái, dài 7,6m, nặng 2,2 tấn (có tài liệu nói nặng 6 tấn), đường kính lớn nhất là 0,82m, sải cánh 5,5m. Bộ phận chiến đấu của tên lửa mang 700kg thuốc nổ. Tên lửa có hệ thống dẫn đường, được cấu thành bởi la bàn từ tính và có một thiết bị cơ khí đặc chế bên trong tên lửa.
Kham pha dieu ky thu trong the gioi ten lua-Hinh-4
 Tên lửa hành trình V-1.
Về hệ thống động lực, tên lửa được lắp đặt một động cơ phản lực mạch động A5-014 kiểu Argus, nhiên liệu đẩy dùng xăng, mang theo 150 galông nhiên liệu (cứ 1,609km sẽ tiêu hao 1 galông nhiên liệu).
Về phương thức phóng chủ yếu phóng bằng thiết bị phóng, nhưng cũng có thể phóng từ máy bay vận tải. Sau khi phóng, hệ thống kiểm soát bay con quay từ kiểu tự động sẽ bảo đảm đưa tên lửa V-1 đến độ cao dự định, rồi sau đó chuyển sang bay ngang ở độ cao và hướng bay quy định với tốc độ cần thiết. Cuối cùng sẽ lao xuống mục tiêu.
Khi tốc độ đạt tới 550 đến 600km/h, động lực tối đa là 270 mã lực, tầm bắn lúc đó có thể đạt tới 370km, độ cao có thể đạt tới 2.000m. Ngày 13/6/1944, tên lửa V-1 đã thực hiện lần phóng thực chiến lần đầu tiên trên thiết bị phóng đặt tại miền Bắc nước Pháp. Mục tiêu mà nó hướng tới lại ở miền Nam nước Anh. Lần phóng này đã tạo tiền lệ sử dụng tên lửa đạn đạo trong lịch sử chiến tranh.
Đại Dương

Bình luận(0)