Hé lộ chuyện Mỹ thử nghiệm MiG-21 ở khu vực 51

Google News

(Kiến Thức) - Phi công Mỹ đã thực hiện 102 chuyến bay, 77 giờ bay trong 40 ngày trên MiG-21 ở khu vực 51 nhằm nghiên cứu điểm mạnh, yếu loại máy bay này.

CIA không còn lạ gì với khả năng của những người đồng minh Israel ở Trung Đông nhưng Cơ quan tình báo trung ương Mỹ cũng phải kinh ngạc với việc đánh cắp thành công MiG-21 của MOSSAD. Một chiếc MiG-21 là điều mà nước Mỹ đang săn đuổi. Lúc này, Không quân Mỹ đã phải đối đầu trực tiếp với loại tiêm kích đáng sợ của Liên Xô trên chiến trường Việt Nam.
Năm 1966, Trung đoàn Không quân 921 Sao Đỏ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được biên chế những chiếc MiG-21 đầu tiên. Người Mỹ chắc chắn rất muốn “bắt bài” đối phương. Ngay khi biết được MiG-21 đã có đáp xuống Hazor, Lầu Năm Góc “hí hửng” cử một nhóm kỹ thuật sang để xem xét “hàng nóng”.
Tung đô la, vũ khí lấy về MiG-21
Tel Aviv vốn là một đồng minh thân tín nhất và cũng là đầu mối để cung cấp những thông tin tình báo quan trọng cho Washington, đổi lại Washington hào phóng vung ra những đồng đô la, những vũ khí tối tân và sự hậu thuẫn về chính trị. Vụ này cũng không phải ngoại lệ, Israel đang giữ một “viên ngọc quý” nên họ chẳng ngại ngần đồi hỏi điều kiện khủng.
 Mỹ đã đáp ứng mọi yêu cầu của Israel để lấy về MiG-21F-13. Trong ảnh là chiếc MiG-21F-13 sơn phù hiệu Không quân Mỹ bay thử nghiệm ở khu vực 51.
Thiếu tướng Danny Peled nhớ lại: “Chúng tôi cần xem xét chiếc máy bay trước, các ngài suy nghĩ về việc hãy trao đổi những thông tin về hệ thống SA-2 (tức S75 Dvina lúc đó cũng là một tổ hợp tên lửa phòng không tâm cao vô cùng uy lực mà Liên Xô viện trợ cho các nước A Rập đồng minh) và cung cấp tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder, sau đó chúng ta sẽ làm việc tiếp. Người Mỹ đã phải nhượng bộ cung cấp những thứ mà trước kia họ rất khoát từ chối. Thỏa thuận đã đạt được, bước tiếp theo IAF cử Danny Shapira dạy lái MiG-21 cho phi công Mỹ cử sang, anh ta tên là Joe Jordan cũng là một phi công thử nghiệm lái F-111”.
Năm 1967, chiếc MiG-21 được vận chuyển tới một nơi bí mật thuộc quản lý trực tiếp của chính phủ Mỹ- sân bay Nevada hay còn được biết đến dưới những cái tên Area 51, Groom Lake. Nơi đây từng thử nghiệm nhiều loại vũ khí kì lạ như “chim két” SR-71 với tốc độ Mach 3, sau này máy bay tàng hình thực thụ đầu tiên của thế giới “chim ưng đêm” F-117. Fishbed-E lúc này được sơn biểu tượng của không quân Mỹ và có cái tên mới: YF-110. Tên mã của chương trình này là Have Doughnut huy động một số lượng hùng hậu các chuyên gia và thiết bi tối tân.
Phi công Mỹ trong buồng lái chiếc MiG-21.
MiG-21 được đánh giá kỹ càng lại hơn với tư cách là một máy bay đánh chặn có khả năng tấn công mặt đất. Những kiểm tra, thử nghiệm được thực hiện cả ở trên mặt đất cũng như trên bầu trời. YF-110 được cho đối đầu với các chiến đấu cơ hàng đầu lúc đó F-4, F-105, F-111, F-100, F-104, B-66, RF-101, RF-4 và F-5.
Tính riêng các thử nghiệm bay tổng cộng 102 chuyến bay (77 giờ bay) trong 40 ngày bay. Trong đó, 58 lần cất cánh là để xây dựng chiến thuật đối phó cho Không quân và Hải quân Mỹ, 26 lần để kiểm tra hiệu suất hoạt động, độ ổn định, khả năng điều khiển, 9 lần để xem xét độ bộc lộ tín hiệu hồng ngoại... Toàn bộ thời gian máy bay được lưu giữ tại khu vực thử nghiệm là 75 ngày. Một tổ kỹ thuật 6 người phụ trách việc chăm sóc và bảo dưỡng.
Điểm mạnh và yếu của MiG-21
* Những điều quan trọng mà chương trình “mổ xẻ” MiG-21 của Mỹ cũng như Israel trước đó rút ra được:
- Tải trọng trên cánh cực thấp (2,39-2,63 kN/m2)
- Lớp sơn chống ăn mòn kim loại
- Hệ thống ghế phóng thoát hiểm
- Cửa nhận khí làm việc ở 3 chế độ: bình thường, khi vận tốc từ Mach 1,5 trở lên và chế độ khí vận tốc lớn hơn hoặc bằng Mach 1,9
- Khả năng điều chỉnh tư thế ngồi cho phi công
- Chi phí vận hành bảo dưỡng thấp
- Đèn định vị hàng không
- Thiết kế làm giảm diện tích phản xạ sóng radar.
Mỹ thừa nhận nhiều ưu điểm trên MiG-21.
* Đồng thời họ cũng nhận ra nhiều điểm hạn chế có thể khai thác gồm:
- Fishbed thiếu một bộ ngắm bắn “đủ tốt”, thước ngắm quang học ASP-5ND mà máy bay này đang được trang bị để cận chiến không có khả năng bám được mục tiêu nếu chuyển động của chúng vượt quá 3G.
- Độ cơ động của máy bay đặc biệt giảm khi vận tốc của nó vượt qua 1.100 km/h. Ở một tốc độ cao, việc điều khiển bắt máy bay đầu trở nên khó khăn, có một áp lực xuất hiện ở cần lái. Điều này khiến phi công bị bị hạn chế trong các tình huống bổ nhào để ném bom, bắn phá hoặc lượn vòng tốc độ cao trong cận chiến.
- Một trong những phát hiện quan trọng là MiG-21 bị rung lắc nghiêm trọng khi bay dưới độ cao 4.500m với tốc độ 1.100 km/h. Chiếc tiêm kích không thể vượt qua bức tường âm thanh trong điều kiện này và khả năng giữ ổn định khi bay của MiG-21 là không tốt. Đây là một lỗ hổng trong thiết kế.
- Động cơ tăng tốc kém khi từ trạng thái nghỉ lên đến vận tốc tối đa nó phải mất 14 giây và có xu hướng bị kẹt trong quá trình này. Vì vậy thân máy bay dễ bị nóng hoặc động cơ bị quá nhiệt. Đây từng là đặc điểm của những động cơ phản lực Mỹ những năm 1950, nhưng sau đó có được khắc phục.
- Khi đốt nhiên liệu lần 2 (đạt vận tốc siêu thanh), MiG-21 để lại vết nhiệt lớn từ các đám khói thải, nhưng các máy bay Mỹ cũng gặp phải vấn đề này.
 Tuy nhiên họ cũng tìm ra không ít nhược điểm của MiG-21.
- Tầm nhìn hạn chế, vị trí buồng lái khiến phi công gần như không thể quan sát được phía sau trong khi phía trước là do tấm kính chống đạn và kính chắn gió làm ảnh hưởng nhiều đến khả năng quan sát.
- Khả năng bay đêm và bay theo đội hình của MiG-21 cũng bị đánh giá là hạn chế.
- Cuối cùng, có thể giải thích tại sao máy bay có thể dễ dàng bị phát nổ khi bị dính một vài viên đạn nhỏ. Thiết kế ban đầu không có máy phát điện, bình nhiên liệu để khởi động động cơ chính nằm ngay sau ghế phi công. Bình nhiên liệu này cùng với bình dưỡng khí và hệ thống phanh áp lực có thể gây ra vụ nổ lớn.
Phiên bản MiG-21F-13 thực hiện vai trò đánh chặn chủ yếu bằng hai loại vũ khí: một pháo hàng không NR-30 30mm bên mạn phải với 60 viên đạn và 2 tên lửa tầm nhiệt K-13 Vympel/AA-2 “Atoll”.
Người Mỹ luôn nói rằng AA-2 là một bản sao chép từ tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder bằng công nghệ “dịch mã ngược”. Trung Quốc đã lấy được mẫu tên lửa Sidewinder từ một chiếc F-86F của Đài Loan khi nó bị MiG-17 Trung Quốc bắn hạ, quả tên lửa không nổ và kẹt lại trong máy bay. Trong thử nghiệm tại Area 51, chiếc MiG-21 được đeo 2 quả AIM-9 nhưng không thực hiện phóng tên lửa.
Với vai trò tấn công mặt đất, máy bay có thể hủy diệt các mục tiêu tương đối kiên cố bằng pháo NR-30 và những quả rocket 57mm từ thùng phóng UB-16/32 (tối đa 2 thùng phóng treo trên máy bay).
Anh Trần

Bình luận(0)