Giải mã sức mạnh ghê gớm của thủy lôi Liên Xô

Google News

(Kiến Thức) - Hải quân Liên Xô luôn có trong tay những loại thủy lôi đáng sợ và tiên tiến nhất thế giới.

Kể từ khi ra đời, thủy lôi (hay gọi là mìn nước) đã góp mặt trong hầu hết các trận hải chiến. Đây là vũ khí có hiệu quả cao trong cả nhiệm vụ phòng thủ lẫn tấn công. Chúng có độ tin cậy chiến đấu cao, chi phí thấp. Sự phát triển nhanh chóng của thủy lôi theo tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc xây dựng chiến lược và chiến thuật tác chiến trên biển.
Hải quân Liên Xô cũng đã sử dụng thủ lôi rất hiệu quả trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và sau đó họ còn phát triển được thêm những loại thủy lôi hiện đại độc đáo. Đưa chúng dần trở thành một hệ thống vũ khí tích hợp đa năng và thông minh.
Một trong những loại thủy lôi nguy hiểm nhất của Liên Xô trong giai đoạn trước Chiến tranh Thế giới 2 là loại M-26, mang một lượng thuốc nổ tương đương 250kg TNT, được kích hoạt theo nguyên lý chạm nổ. Đây là thiết kế của những năm 1920, việc sử dụng dây cáp có độ dài ngắn khác nhau để nối quả thủy lôi với mỏ neo cố định là một bước cải tiến tốt nhưng nó lại hạn chế phần nào việc sử dụng vũ khí trên biển.
M-26 được coi là thủy lôi được Hải quân Liên Xô sử dụng rộng rãi nhất trong Chiến tranh Thế giới 2. Khi bắt đầu cuộc chiến, trong kho vũ khí của Hồng quân có khoảng 27.000 quả thủy lôi loại này.
 Những quả thủy lôi KB trong khuôn viên bảo tàng Các lực lượng Vũ trang LB Nga.
Sau M-26, Liên Xô tiếp tục thành công với thủy lôi loại lớn dùng ngòi chạm nổ pin axit chì KB - đây được coi như một đột phá trong thiết kế. Quả bom nước này nặng 1.062 kg là mẫu thủy lôi đầu tiên có các nón an toàn tự động bằng sắt. Các nón này dùng để bảo vệ sừng va chạm của thủy lôi. Bình thường các nón được giữ cố định trên quả thủy lôi nhờ các dây chằng kết nối với chốt an toàn. Trước khi thủy lôi được thả xuống nước, các chốt an toàn và dây chằng sẽ được tháo mở. Kết nối giữa các nón bảo vệ với quả thủy lôi chỉ còn thông qua một chất kết dính có tính tan.
Sau khi quả thủy lôi được thả, nước sẽ từ từ hòa tan vết dính kia, khi đó các nón sẽ bung ra khỏi quả thủy lôi để lộ ra những chiếc sừng chứa bóng thủy tinh. Trong các bóng thủy tinh là axit. Khi sừng thủy lôi chịu một va chạm đủ mạnh, các bóng thủy tinh sẽ bị vỡ ra, axit tràn vào các pin khô làm pin khô phát điện, kích hoạt quả thủy lôi.
Năm 1941, KB cải tiến được trang bị van ngập nước hoạt động dựa trên sự thay lực căng của dây cáp neo, cho phép quả thủy lôi (vốn nổi trên nước) sẽ bị chìm xuống nếu chúng bị tách ra khỏi dây cáp neo. Điều này đảm bảo an toàn cho các tàu bè trong khu vực vì nếu để quả thủy lôi trôi nổi không thể kiểm soát sẽ rất nguy hiểm.
KB là thủy lôi neo hiệu quả nhất trong thời đại của mình, có hơn 700.000 quả được sử dụng trong chiến tranh, phá huỷ 20% tổng số tàu thuyền của các bên tham chiến. Liên Xô cũng đã từng viện trợ thủy lôi loại này cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ. Tất nhiên, nó đã lập đại công, ngày 23/8/1966, Đặc công Rừng Sác đã dùng chúng để đánh đắm con tàu 10.000 tấn Baton Rouge Victory trên sông Lòng Tàu.
Sau chiến tranh Thế giới 2, Liên Xô lao vào cuộc chạy đua vũ trang với Mỹ, những vũ khí hiệu quả như thủy lôi vẫn được tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển. Những thủy lôi thông minh có cấu tạo phức tạp và cách "săn mồi" chủ động bắt đầu xuất hiện.
Năm 1957, thủy lôi neo đầu tiên trên thế giới có khả năng tự cơ động bằng động cơ phản lực bắn ra ở độ sâu 100m ra đời, đó là loại KRM. Đây thực ra là một quả mìn phản lực kết hợp với bộ neo. Chúng được phóng qua ống phóng ngư lôi của tàu ngầm, bộ cảm biến áp lực sẽ giúp kích hoạt quả mìn phản lực hướng về phía mục tiêu.
KRM mang khối lượng thuốc nổ tương đương 300kg TNT, sức sát thương trong vòng 20m. Đây cũng là cơ sở để phát triển thêm các loại thủy lôi có khả năng tự hành về phía mục tiêu như RM-1, RM-2 và PRM.
Trong đó, RM-1 có sự khác biệt lớn về hệ thống động lực khi nó dùng động cơ thủy phản lực và loại bỏ các vây ổn định. RM-2 sử dụng động cơ nhiên liệu rắn, bộ cảm biến trường vật lý của mục tiêu, nó mang theo 220 kg thuốc nổ đặc biệt tương đương 600 poud HBX, có thể neo ở độ sâu 600m. Còn PRM tương đối nhỏ gọn với 110kg trọng lượng và 14kg thuốc nổ, nó có thể hoạt động ở độ sâu từ 40-600m.
PMR-2 là dòng thủy lôi vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể tung ra đòn "đoạt mạng" trong nháy mắt.
Giai đoạn 1960-1970 và trở về sau, Liên Xô phát triển những thế hệ thủy lôi hoàn toàn mới như PMR-1, PMR-2 và thủy lôi-ngư lôi PMT-1.
Trong đó, PMR-2/PMK-1 là những thủy lôi neo phóng từ tàu ngầm thế hệ 3. Chúng gồm bộ phận neo và một đạn phản lực tốc độ cao thay vì sử dụng ngư lôi. Các thủy lôi neo sẵn dưới đáy biển, sử dụng những sonar thụ động để nhận tín hiệu đặc trưng từ các con tàu và đối chiếu chúng với kho dữ liệu được tích hợp trong thủy lôi. Khi nhận ra mục tiêu phù hợp khớp với tín hiệu trong kho dữ liệu, thủy lôi sẽ nhả ra một đạn phản lực dẫn đường tốc độ cao để tấn công tiêu diệt mục tiêu.
PMR-2 có kích thước 534x7.830mm, trọng lượng 1.850 kg, mang theo đạn có tốc độ 80m/s. Còn PMK-1 là phiên bản xuất khẩu có kích thước và trọng lượng tương đồng với PMR-2 nhưng đạn của nó chỉ có tốc độ 60m/s.
Trong khi đó, PMT-1 là thủy lôi neo mang theo một quả thủy lôi hạng nhẹ. Đây là lựa chọn để đánh chặn các mục tiêu có độ cơ động cao dưới nước. Thủy lôi được phát triển từ ngư lôi UMGT-1. Đến năm 1981, những loại thủy lôi đặc biệt như vậy được trang bị phổ cập trong Quân đội Liên Xô.
Sau này, Liên Xô và tiếp đó là Nga sản xuất các mẫu thủy lôi UDM và bản cải tiến UDM-2 (thả từ máy bay, tàu chiến mặt nước). Đây là loại thủy lôi được thiết kế dựa trên các mẫu bom cũ, vì vậy, chúng có khối lượng lớn và mang theo nhiều chất nổ, như UDM-2 nặng khoảng 1,4 tấn, mang theo 800kg thuốc nổ.
Anh Trần

Bình luận(0)