Các bước tiến kỹ thuật quân sự Việt Nam (kỳ 2)

Google News

Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành tựu kỹ thuật quân sự mới.

- Ngoài việc tăng cường mua sắm các trang thiết bị quân sự hiện đại từ nước ngoài, Quân đội Nhân dân Việt Nam đang từng bước được hiện đại hóa dựa vào chính nguồn nội lực, từ chí năng động, sáng tạo... để cải tiến, nâng cấp, phát triển và sản xuất nhiều trang thiết bị quân sự mới.

>> Các bước tiến kỹ thuật quân sự Việt Nam (kỳ 1)

Nghiên cứu sản xuất thành công viên nén thực phẩm chức năng

Theo Báo Quân đội Nhân dân, các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng sử dụng cho lực lượng tàu ngầm.

Sản phẩm có dạng viên nén, được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thiên nhiên. Viên nén được thiết kế theo tiêu chí thực phẩm cứu sinh (thiết kế theo hướng tối ưu về dinh dưỡng, tối thiểu về trọng lượng).

Viên nén có dạng hình tròn, mỗi viên có khối lượng từ 3 đến 3,5g; năng lượng đạt từ 8 đến 10Kcal/viên, được đóng gói phù hợp, thuận tiện trong sử dụng (sản phẩm dùng cho cá nhân được đóng gói dạng tuýp; dùng cho tập thể được đóng gói trong hộp thiếc).

Sản phẩm được dùng để bổ sung, hoàn thiện khẩu phần ăn hằng ngày cho lực lượng tàu ngầm hoặc có thể sử dụng thay thế bữa ăn trong tình huống cứu sinh. Khi sử dụng, thủy thủ tàu ngầm có thể nhai, ngậm để bổ sung dinh dưỡng, chống ô-xy hóa, chống căng thẳng và mệt mỏi.

Đạn xuyên K53 đầu lõi thép

Các kỹ sư Nhà máy Z113 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu thiết kế chế thử thành công đạn xuyên 7,62x54mm (K53) đầu lõi thép. Đạn có thể được sử dụng cho các loại súng bắn đạn K53 hiện có trong trang bị. Đạn thiết kế để có thể xuyên thép CT3 dày 12mm ở cự ly 100m và xuyên áo giáp cấp 3 theo tiêu chuẩn NIJ101.04 của Mỹ.

Đạn xuyên áo giáp cấp 3.
Đạn xuyên áo giáp cấp 3.

Vận tốc đầu đạn thiết kế trung bình ở vị trí cách miệng nòng súng 25mm tăng lên, từ 840 đến 890m/s. Đạn K53 sử dụng mác thép Y12A làm lõi xuyên, thép có độ cứng sau khi tôi đạt 64-66 HRC, độ cứng sau khi ram ở nhiệt độ 150 đến 1600C đạt 62-64 HRC.

Công nghệ chế tạo đạn xuyên 7,62x54mm (K53) đầu lõi thép là công nghệ mà nhà máy đã áp dụng vào sản xuất đạn 7,62x54mm (K53) thông thường. Riêng công đoạn chế tạo lõi thép xuyên đã áp dụng công nghệ tạo hình là phương pháp gia công cắt gọt và tạo độ cứng cho lõi thép sử dụng công nghệ tôi lò muối và ram dầu.

 Vận tốc thực tế của đầu đạn đạt 870,7 đến 872,4m/s; khả năng xuyên thép CT3 đồng nhất dày 16mm đặt cố định vuông góc với trục nòng súng ở cự ly 100m đạt tỷ lệ 100%; xuyên áo giáp cấp 3 theo tiêu chuẩn của Mỹ đạt 100%. Áp suất khí thuốc bằng so với đạn thông thường nên tăng độ bền cho súng, mặt khác, đạn vẫn sử dụng được thuốc phóng cho đạn thông thường, nên không phải sản xuất thuốc phóng mới.

Kết quả bắn thử cho thấy khả năng xuyên thép đều đạt và vượt các thông số thiết kế. Cụ thể, với các bia thép CT3 có các chiều dày 14, 16 và 18mm khi sử dụng súng PKMS ở cự ly 100m, kết quả tỷ lệ xuyên tấm thép dày 14 và 16mm đạt 100%; tỷ lệ xuyên tấm thép dày 18mm đạt 80%. Bắn kiểm tra xuyên áo giáp với áo giáp cấp 3 ở cự ly 15m cũng cho tỷ lệ xuyên đạt 100%... Công trình nghiên cứu đã được trao giải nhì Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội năm 2011.

Tiết kiệm gần 42 tỷ đồng từ sáng kiến cải tiến kỹ thuật

Sáng 11/10, tại Lữ đoàn 205, Đảng ủy Binh chủng Thông tin liên lạc tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới (giai đoạn 2007-2012).

Từ năm 2008 đến năm 2011, toàn Binh chủng có 54 công trình, sáng kiến chất lượng tốt tham gia thi cấp Binh chủng và được đưa vào ứng dụng trong hoạt động thực tiễn; có 13 công trình khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật tham gia thi cấp toàn quân. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Binh chủng đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần 42 tỷ đồng.

Xe VSAT VCD cơ động, bảo đảm truyền dẫn các tín hiệu truyền hình, thoại, truyền số liệu qua vệ tinh địa tĩnh Vinasat 1
Xe VSAT VCD cơ động, bảo đảm truyền dẫn các tín hiệu truyền hình, thoại, truyền số liệu qua vệ tinh địa tĩnh Vinasat 1

Giá thử kiểm tra tham số động cơ IĐ-6

Việc chạy rà để kiểm tra các tham số của động cơ IĐ-6 tại Nhà máy A31 (Cục Kỹ thuật, Quân chủng Phòng không-Không quân) sau sửa chữa được thực hiện trên băng thử động cơ kiểu cũ.

Băng thử sử dụng các loại cảm biến nhiệt độ, áp suất, cảm biến đo tốc độ vòng quay theo nguyên lý hoạt động kiểu cơ khí, nên độ chính xác không cao, quá trình thao thác của nhân viên kỹ thuật gặp nhiều khó khăn.

Khắc phục hạn chế này, các cán bộ, kỹ sư của nhà máy đã nghiên cứu chế tạo thành công giá thử động cơ mới sử dụng các cảm biến đo tham số hiện đại. Giá thử phục vụ cho việc chạy thử để kiểm tra, hiệu chỉnh tham số của động cơ với độ chính xác cao, nhân viên có thể dễ dàng hiệu chỉnh tham số. Việc đưa giá thử vào sử dụng giúp nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nhân lực, kinh phí kiểm tra, hiệu chỉnh động cơ.

Máy hút bụi dùng trong sửa chữa phao PMP

Khi sửa chữa lớn phao PMP tại nhà máy, người thợ phải thường xuyên chui vào bên trong các khoang của phao để làm việc. Nồng độ khói hàn, bụi cơ học… trong khoang rất lớn ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Nhà máy Z49 (Binh chủng Công binh) đã nghiên cứu chế tạo và đưa vào sử dụng rộng rãi máy hút bụi công nghiệp dùng trong sửa chữa phao.

Máy có kích thước 1000 x 600 x 800 (mm), gồm hệ thống quạt hút; đường ống hút, xả và hệ thống xử lý khí. Máy có khả năng tạo lực hút gió rất lớn nên có thể hút toàn bộ khói, bụi, sỉ hàn… từ trong khoang phao ra môi trường bên ngoài, tạo không khí trong lành cho người thợ. Ngoài ứng dụng trong sửa chữa phao, sáng kiến có thể áp dụng để thông gió những nơi có khí ô nhiễm như trong phòng hàn, trạm nạp ắc quy, mạ kim loại…

Yến Phạm (theo Báo Quân đội Nhân dân)

Bình luận(0)