5 phương tiện chiến tranh trên bộ chết người của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Xe tăng Type 99, thiết giáp ZBD-2000, tên lửa HQ-9...là những loại vũ khí trên bộ của Trung Quốc được cho là nguy hiểm nhất.

Tờ National Interest đã liệt kê những hệ thống vũ khí bộ binh lợi hại nhất của Quân đội Trung Quốc:
Xe tăng Type 99
Type 99 là xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 3 của Trung Quốc và hiện là xe tăng hiện đại nhất trong quân đội nước này. Được thiết kế và sản xuất từ đầu những năm 1990, Type 99 có thiết kế giống các xe tăng trước đó của phương Tây và Nga. Trung Quốc đã sản xuất từ 200 đến 300 xe tăng loại này.
Tháp pháo của Type 99 dường như được sao chép thiết kế trên xe tăng huyền thoại T-72 của Liên Xô. Pháo 125mm trên Type 99 được sao chép từ pháo tăng 2A46 của Liên Xô và được trang bị máy nạp đạn tự động, có thể nạp 8 quả đạn/phút (cơ số đạn 41 viên).
Xe tăng Type 99 cũng được cho là sử dụng tên lửa chống tăng có điều khiển "nhái" mẫu AT-11 Sniper của Liên Xô. Tên lửa này được phóng bằng pháo chính 125mm trên xe tăng. Ngoài ra, Type 99 cũng được trang bị đại liên 12,7mm và 7,62mm để diệt mục tiêu trên bộ, trên không cự ly gần.
 "Vua tăng" Trung Quốc Type 99.
Thiết kế phần thân, vị trí đặt ống xả động cơ và hình dạng bánh xích của Type 99 được cho là ít nhiều sao chép trực tiếp từ tăng T-72 của Liên Xô.
Trong khi đó, động cơ diesel công suất 1.500 mã lực là một phiên bản sao chép từ động cơ xe tăng Đức, giúp Type 99 có công suất tính trên trọng lượng cao hơn mẫu M1 Abrams của Mỹ.
Lớp giáp của của xe tăng Type 99 là một bí ẩn. Hình dạng tổng thể của xe tăng này cho thấy nó chẳng qua là mẫu T-72 được khoác thêm 1 lớp áo giáp, đặc biệt là trên tháp và phần thân phía trước. Phần lớn các chuyên gia quân sự cho rằng lớp giáp cơ bản vẫn giống T-72 kết hợp với một lớp vật liệu tổng hợp của Trung Quốc. Phiên bản mới nhất của Type 99 có thể được tích hợp hệ thống bảo vệ chủ động, nhưng rất ít thông tin chi tiết được tiết lộ.
Tên lửa đất đối không HQ-9
Hoạt động từ năm 1997, hệ thống tên lửa phòng không tầm cao HQ-9 được sử dụng để thay thế cho HQ-2 (sao chép S-75 Dvina của Liên Xô). Hệ thống tên lửa HQ-9 được thiết kế để bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay và tên lửa đạn đạo ở cự ly xa đến 200km.
Cũng như các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc, HQ-9 thực tế là sự sao chép kết hợp công nghệ Nga - Mỹ. Theo đó, radar và tên lửa HQ-9 tương tự như biến thể ban đầu của hệ thống Patriot do Mỹ phát triển.
 Hệ thống HQ-9 tập trận phóng tên lửa.
Hệ thống radar mảng pha HT-233 của HQ-9 tương tự như radar của Patriot và có khả năng phát hiện, theo dõi nhiều mục tiêu. Các khẩu đội tên lửa HQ-9 có thể kết hợp với các radar được thiết kế phát hiện các mục tiêu tàng hình tầm thấp.
Trong khi thiết kế xe phóng, đạn tên lửa HQ-9 lại có dáng dấp giống với hệ thống S-300 nổi tiếng của Nga.
Dẫu luôn được coi là đồ sao chép "năm cha bảy mẹ", nhưng gần đây HQ-9 đã tạo nên cú sốc lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, trong gói thầu mua hệ thống phòng không tầm xa, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chọn FD-2000 - phiên bản xuất khẩu của HQ-9, bỏ qua các loại tên lửa S-300 Nga, Patriot Mỹ hay SAM P/T của châu Âu.
Tuy nhiên, trước sức ép quyết liệt từ Mỹ, phương Tây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã phải từ bỏ việc mua FD-2000.
Tên lửa chống tăng HJ-8
HJ-8 là tên lửa chống tăng thế hệ thứ 2 được phát triển để phá hủy phương tiện bọc thép của đối phương. Được chế tạo từ giữa những năm 1980, HJ-8 hiện là tên lửa chống tăng chủ lục của quân đội Trung Quốc. Mặc dù công nghệ của tên lửa này tương đối lạc hậu, nhưng nó vẫn đang được sử dụng hiệu quả bởi lực lượng phiến quân ở Syria.
Tên lửa chống tăng tầm trung HJ-8 có cùng lớp với tên lửa TOW-II của Mỹ hay Milan của châu Âu và không loại trừ khả năng nó có thể được thiết kế dựa trên hai tên lửa này. Nó có tầm bắn tương tự như TOW-II, nhưng di chuyển giống Milan.
Một hệ thống tên lửa HJ-8 bao gồm 4 thành phần: máy đo góc bằng tia hồng ngoại, giá đỡ 3 chân, đơn vị theo dõi đường bay và 1 tên lửa. Tổng trọng lượng của hệ thống này chỉ hơn 70 kg. Tên lửa HJ-8 có tầm bắn hiệu quả từ 100m đến 6.000m.
Hệ thống tên lửa chống tăng HJ-8 có kích thước "khủng".
Giống như nhiều tên lửa chống tăng thế hệ cũ, nhược điểm của tên lửa HJ-8 là người điều khiển vẫn chịu khói bụi khi phóng tên lửa. Trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel, các binh sĩ Israel phát hiện các vụ phóng tên lửa chống tăng tạo ra một đám mây bụi khổng lồ và khí nóng hướng về người điều khiển. Một người điều khiển HJ-8 sẽ phải hứng chịu bụi và hơi nóng trong vòng 9 giây trước khi tên lửa bay tới mục tiêu cách xa 2.000 m.
Không giống các vũ khí khác trong danh sách này, tên lửa HJ-8 đã từng được sử dụng trong chiến tranh. Tên lửa này đã được lực lượng phiến quân ở Syria sử dụng để phá hủy các phương tiện bọc thép và doanh trại của quân đội chính phủ. Phiến quân Syria đã đăng tải trên trang YouTube nhiều video về hoạt động của các tên lửa HJ-8. Các vũ khí này được cho có nguồn gốc từ các kho vũ khí ở Sudan và được Qatar đưa vào Syria.
Tên lửa vác vai QW-1
QW-1 là một hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) có khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên không ở tầm thấp và khoảng cách gần. Nó được chế tạo bởi Công ty xuất và nhập khẩu cơ khí chính Trung Quốc, có đặc điểm tương đồng với tên lửa Stinger của Mỹ.
 Bắn thử QW-1.
QW-1 có thể hạ gục các mục tiêu bay trong phạm vi từ 500 đến 5000m và độ cao từ 30 đến 4.000m. Ban đầu, QW-1 sử dụng thiết bị tìm kiếm hồng ngoại để truy đuổi các mục tiêu, trong khi các phiên bản sau đó kết hợp thêm công nghệ tìm kiếm bằng tia tử ngoại, được sử dụng đầu tiên trên tên lửa Stinger. Tính năng phân biệt mục tiêu của đồng minh hay kẻ thù và các biện pháp đối phó điện tử cũng được thêm vào các phiên bản mới hơn của QW-1. Nhà sản xuất cho biết tên lửa này có tỷ lệ tiêu diệt mục tiêu là 70%.
QW-1 được thiết kế với một thiết bị phóng dài 1,45m và nặng chỉ 17kg. Biến thể lắp đặt trên xe, FB-6A, bao gồm 8 ống phóng được đặng trên một xe tương tự  xe Humvee của Mỹ.
Phiên bản xuất khẩu của QW-1, mang tên FeiNu-6, được sử dụng phổ biến tại Syria để tiêu diệt các máy bay tầm thấp của quân đội chính phủ. Một số video cho thấy tên lửa FeiNu-6 bắn hạ trực thăng và máy bay chiến đấu của Syria.
Phương tiện lưỡng cư Z Series
Vào năm 2006, Lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã tiết lộ các phương tiện bánh xích lưỡng cư thế hệ mới, bao gồm ZBD-2000. Đây là mẫu xe chiến đấu bộ binh có khả năng di chuyển trên biển. Nó có một tổ lái gồm 3 thành viên và có thể chở theo 8 lính thủy đánh bộ.
Khi ở dưới nước, ZBD-2000 có thể di chuyển với tốc độ 45 km/giờ nhờ hệ thống động cơ đẩy nước được lắp trên thân xe, trong khi nó có thể chạy với tốc độ tối đa 65 km/giờ trên đường bộ.
 Xe chiến đấu lội nước ZBD-2000.
ZBD-2000 có một tháp nhỏ được trang bị pháo 30mm (có thể khai hỏa khi xe dưới nước) và súng máy đồng trục 7,62mm. Nó cũng có thể mang thêm hai tên lửa chống tăng HJ-73 ở hai bên tháp pháo.
Trong khi đó, phiên bản tăng hạng nhẹ ZTD-05 có một tổ lái 4 thành viên và được trang bị pháo rãnh xoắn 105mm. Pháo có thể khai hỏa khi ZTD-05 ở dưới nước và nó cũng có thể phóng tên lửa chống tăng điều khiển bằng laser.
Các phương tiện Z series đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc bởi vì chúng không chỉ được sử dụng trong kịch bản xâm chiến Đài Loan, và còn tại Biển Đông và Hoa Đông. Tàu đổ bộ Type 071 của Trung Quốc có thể chở theo một lực lượng xe ZBD-2000 để thực hiện các cuộc tấn công trên biển và trên một tại một hòn đảo tranh chấp.
Hà Vũ

Bình luận(0)