Phim chiến tranh Việt Nam vẫn sống trong sợ hãi?

Google News

Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, những bộ phim chiến tranh Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua thông điệp tuyên truyền khô cứng để trở thành những "bom tấn" có góc nhìn phá cách.

Năm 2005, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho ra đời tác phẩm đầu tay mang tên Sống trong sợ hãi. Phim lấy bối cảnh thời hậu chiến, xoay quanh cuộc sống của nhân vật Tải (Trần Hữu Phúc) - một cựu binh quân đội Cộng hòa, nay sống bằng nghề tháo gỡ bom mìn để mưu sinh. Mỗi ngày sống của Tải đều có thể là ngày cuối cùng. Nhịp phim trôi qua vừa vội vã, vừa nặng nề, vừa ám ảnh sợ hãi...
Phim chien tranh Viet Nam van song trong so hai?
 
Sau hơn một thập kỷ, đây vẫn là một trong những bộ phim chiến tranh Việt Nam đương đại hay.
Sống trong sợ hãi thực chất bắt nguồn từ dự án tài liệu cùng tên, dựa trên cuộc sống có thật của một người nông dân miền trung Việt Nam đã có hơn 10 năm gỡ bom mìn để lấy đất trồng trọt.
“Khi tôi bắt tay vào dự án thì câu chuyện đã diễn ra từ lâu. Trải qua quá trình trao đổi với nhân vật, tôi thấy có nhiều chất liệu để biến đây thành phim điện ảnh”, Bùi Thạc Chuyên hồi tưởng.
Theo nhà làm phim 49 tuổi, cuộc sống con người thời hậu chiến ở một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh là rất ghê gớm. Dù là ở phe nào của cuộc chiến, ai cũng muốn trở lại cuộc sống bình thường sau khi trải qua biết bao đau thương.
Nhưng điều đó không dễ dàng. Nhắc đến những tư liệu, những số phận đã gặp khi làm Sống trong sợ hãi, Bùi Thạc Chuyên từng nói: "Cuộc sống ngoài đời thực khủng khiếp trên phim gấp nhiều lần".
Sau 12 năm, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng anh còn một số điều tiếc nuối nằm ngoài tầm kiểm soát sau khi Sống trong sợ hãi ra đời. “Đó là bộ phim đầu tay với những sự hồn nhiên nhất định. Nội dung phim giàu chất liệu, và người làm phim phải biết lựa chọn đưa điều gì vào thành phẩm cuối cùng", anh kể.
Phim chien tranh Viet Nam van song trong so hai?-Hinh-2
 
"Nhưng khi tôi lựa chọn bối cảnh quay cho dự án, nhân vật ngoài đời đã không còn nữa. Nếu ông ấy còn sống, Sống trong sợ hãi chắc chắn sẽ mang nhiều màu sắc cuộc sống hơn khi tôi có cơ hội nghe thêm những chia sẻ của ông ấy. Giả sử đây là bộ phim thứ hai, hoặc thứ ba trong sự nghiệp, tức tôi đã có kinh nghiệm, thành phẩm cuối cùng chắc chắn sẽ tốt hơn”, anh nói.
Với Sống trong sợ hãi, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng có cơ hội tham gia một số liên hoan phim quốc tế nhờ phần nội dung nhân văn, được các nhà giám tuyển nước ngoài hết sức quan tâm, cũng như chiến tranh Việt Nam luôn là chủ đề thời sự với thế giới.
“Trong chiến tranh người ta ném bom, gài mìn xuống đất chỉ với mục đích duy nhất là hủy diệt đối phương. Đến khi mọi sự kết thúc, việc gỡ bỏ những gì còn sót lại là điều khó khăn, vất vả, mất mát và gây tốn kém. Người ta ước tính để làm sạch bom mìn ở Việt Nam phải cần đến 300 năm", Bùi Thạc Chuyên khẳng định.
"Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, và khán giả đồng cảm với nhân vật trong phim bởi mối đe dọa từ bom mìn vẫn hiện hữu trong cuộc sống. Như cách đây một năm, vẫn có vụ nổ bom ở ngay giữa lòng Hà Nội. Nhìn chung, đây là một bộ phim dễ xem, dễ cảm thụ. Về mặt nghệ thuật, có lẽ còn nhiều điều phải bàn. Nhưng chủ đề về ý thức công dân của Sống trong sợ hãi là rất tốt”, anh giải thích.
Phim chien tranh Viet Nam van song trong so hai?-Hinh-3
 
Mỗi bộ phim nếu ra đời ở những thời điểm khác nhau sẽ trở nên khác biệt. Tác giả của Sống trong sợ hãi cho rằng nếu làm dự án vào lúc này, anh sẽ khai thác sâu hơn cuộc sống sau này của Tải, như có nhiều vợ và đông con thì sẽ mưu sinh ra sao, những đứa con phản ứng như thế nào với nhau, có được mảnh đất rồi sẽ gặp phải tranh chấp gì… Nhưng với thời điểm 2005, anh gần như đã mãn nguyện với “đứa con tinh thần” của mình.
Sống trong sợ hãi ở thời điểm ra mắt đã gây tiếng vang bởi góc nhìn khốc liệt về cuộc sống thời hậu chiến của con người miền Trung. Họ bước ra khỏi cuộc chiến này để tiếp tục bước vào một cuộc chiến khác. Ở đó, tiếng bom mìn vẫn chưa bao giờ ngừng nổ, chưa bao giờ ngừng mất mát, giữa thời bình.
Sống trong sợ hãi được ví như một tiếng nổ khô khốc về cuộc sống những con người nghèo khổ thời hậu chiến.
Phim chien tranh Viet Nam van song trong so hai?-Hinh-4
 
Trrong hơn một thập kỷ qua, nền điện ảnh Việt Nam phát triển nhanh như vũ bão. Từ chỗ số lượng phim nội ra rạp mỗi năm chỉ đếm trên đầu ngón tay, hiện có tới trên dưới 50 dự án phim Việt trong năm 2017.
Cộng thêm số lượng cụm rạp tăng gấp nhiều lần, khán giả dần hình thành thói quen xem phim ngoài rạp và kỷ lục phòng vé 170 tỷ đồng hiện được nắm giữ bởi một tác phẩm nội là Em chưa 18 (2017).
Song, dòng phim chiến tranh của Việt Nam dường như không nằm trong dòng chảy ấy. Khán giả chỉ thường thấy những dự án kiểu “cúng cụ” từ các hãng phim nhà nước nhân dịp có ngày lễ lớn, còn nhóm công ty tư nhân hiếm khi nào động chạm tới thể tài này.
Bùi Thạc Chuyên giải thích: “Lý do đơn giản là phim chiến tranh rất tốn kém. Thêm nữa, đề tài đó không có giá trị thương mại. Tại Việt Nam, chiến tranh rất gần, rất đau thương nhưng liệu giới trẻ - những người bỏ tiền ra mua vé xem phim nhiều nhất - có quan tâm hay không?"
"Chúng ta có thừa thời gian để nhìn về chiến tranh theo cách công bằng hơn kiểu ‘ta thắng - địch thua’ như trong quá khứ. Đó là cái nhìn tuyên truyền, còn khán giả cần góc nhìn nhân văn hơn, công bằng hơn. Chỉ khi đó, các phim chiến tranh của Việt Nam mới có thể chạm tới trái tim của khán giả”.
Bản thân Sống trong sợ hãi của Bùi Thạc Chuyên khi ra đời cũng vấp phải không ít khó khăn bởi nhân vật chính là một cá nhân thuộc “phe thua cuộc”. Ngày đó, nhiều người cho rằng để một dự án như thế ra đời cần đến sự dũng cảm của Hội đồng duyệt phim Quốc gia thuộc Cục Điện ảnh.
“Đã đến thời điểm chúng ta cần có cái nhìn công bằng hơn. Chỉ như thế nghệ thuật mới có chỗ đứng, chứ các dự án phim chiến tranh không nên đơn thuần chỉ mang tính chất tuyên truyền”, nhà làm phim khẳng định.
Thời gian qua, cuốn sách Sử Việt - 12 khúc tráng ca ra đời, gây xôn xao dư luận và được giới trẻ quan tâm, bất chấp phần nội dung chưa thực sự hoàn thiện. Nhưng Bùi Thạc Chuyên vẫn cho rằng: “Trào lưu bây giờ là tiền bạc, hưởng thụ và tiêu dùng. Mối đe dọa về hòa bình, độc lập đối với người Việt hiện hữu thường trực, nhưng chưa đủ để xen vào xu hướng của giới trẻ".
"Chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng người trẻ Việt quan tâm đến chiến tranh không nhiều. Nhưng bản thân người làm phim cũng cần phải cảm thấy có trách nhiệm đưa lịch sử dân tộc đến với đại chúng. Chỉ như thế, điện ảnh Việt Nam mới có những bộ phim chiến tranh thực sự hay”, anh khẳng định.
Phim chien tranh Viet Nam van song trong so hai?-Hinh-5
 
Có một số dự án điện ảnh của Pháp xoay quanh cuộc chiến Đông Dương đã và đang âm thầm thực hiện tại Việt Nam. Nhưng tác giả của Sống trong sợ hãi cho rằng họ chỉ mang đến “cái nhìn từ bên ngoài. Người Việt chỉ tham gia vai phụ, chủ yếu để học hỏi kinh nghiệm. Còn muốn cho ra đời một bộ phim thực sự hay xoay quanh hai cuộc chiến, chúng ta phải tự làm ra thành phẩm của chính mình”.
Để vượt qua sức mạnh vô hình của sự tuyên truyền, của những quan điểm cũ lỗi thời, dòng phim chiến tranh Việt Nam phải vượt qua gánh nặng của chính mình là - phim 'cúng cụ'. Lịch sử đau thương từ 2 cuộc chiến cần hơn một góc nhìn, một quan điểm phá cách để có thể chảy tràn sự bi hùng của mình trên màn ảnh, để có thể chạm đến những tình cảm thổn thức nhất của khán giả.
Bùi Thạc Chuyên hiện trong quá trình xây dựng dự án điện ảnh tiếp theo sau Lời nguyền huyết ngải (2012). Anh tiết lộ đó là một bộ phim mang đề tài chiến tranh, lấy bối cảnh địa đạo Củ Chi, và hy vọng đó sẽ là tác phẩm chưa từng thấy về chiến tranh Việt Nam, và do chính người Việt Nam thực hiện.
Theo Quang Đặng/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)