Học sinh nhận xét gì về đề tham khảo thi THPT 2017?

Google News

(Kiến Thức) - Đa số các ý kiến cho rằng đề tham khảo thi THPT 2017 bám sát chương trình, riêng môn Toán "khó nhằn" còn môn Anh văn "dễ thở" hơn cả.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề tham khảo thi THPT 2017 hôm 14/5, nhiều học sinh lớp 12 đã làm thử đề thi và đưa ra nhận xét.
Hoc sinh nhan xet gi ve de tham khao thi THPT 2017?
Ảnh minh họa. (Ảnh: Kênh tuyển sinh). 
Môn Anh văn “dễ thở”
Đa số các ý kiến đều thống nhất ở việc đề thi tham khảo kỳ thi THPT năm nay bám sát với chương trình. Nhiều học sinh lớp 12 nhận xét môn Anh văn có nhiều chủ đề quen thuộc trong sách giáo khoa 3 năm học lớp 10, 11, 12 và không quá “nặng đô”.
Nguyễn Thái Minh (học sinh lớp 12 Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng: “Khi xem và làm thử đề tham khảo năm nay của môn Anh văn thì tôi thấy phần bài đọc là dễ hơn cả, các chủ đề thiên nhiên hoang dã và từ vựng quen thuộc đối với lớp 11 và 12. Nếu thi thật cũng như vậy thì học sinh dễ đạt được điểm để tốt nghiệp. Những câu khó là phân loại các bạn học khá giỏi và dùng cho mục đích tuyển sinh đại học”.
Đồng tình với quan điểm môn Anh văn có tính phân loại và bám sát chương trình, Nguyễn Minh Anh (học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho rằng: “Năm nay, tôi thấy trong đề thi có nhiều nội dung về từ vựng hơn. Về từ vựng đồng nghĩa và trái nghĩa: có 3 câu là từ mức độ dễ mà khi học tôi hay gặp và 1 cụm từ thử thách khả năng từ vựng, phải có vốn từ vựng tốt mới làm được. Phần nội dung bài đọc hiểu thì không khó dịch, đa phần học sinh có thể làm được vì đề tài quen trong chương trình lớp 12 như đề tài bảo tồn. Với đề thi thử này, học sinh đạt điểm trung bình dễ nhưng điểm cao thì phải cố gắng hơn”.
Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến nhận xét về đề tham khảo môn Ngữ văn năm nay khá dễ chịu.
Hoc sinh nhan xet gi ve de tham khao thi THPT 2017?-Hinh-2
Nhiều dòng bình luận nhận xét đề thi tham khảo môn Anh văn vừa sức và khá dễ được đăng tải trên mạng. Ảnh chụp màn hình. 
Môn Toán “khó nhằn”
Lý giải về việc làm bài thi thử môn toán có phần “đuối”, Nguyễn Anh Thái (trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) chia sẻ: “Khoảng 20 câu đầu tiên của đề toán thì tôi thấy tự tin vì đó là những bài toán cơ bản, thậm chí có những câu dễ như câu 20 về hình đa diện trong hình vẽ có bao nhiêu mặt. Hay có những câu tích phân dùng máy tính là tính được kết quả. Tuy nhiên, nhiều câu lại khó như câu 44 (biến đổi căn thức bị sai) hoặc câu 49. Sau khi so kết quả thì mình chỉ đạt 7 điểm”.
Môn Văn: người khó - kẻ dễ
Hoc sinh nhan xet gi ve de tham khao thi THPT 2017?-Hinh-3
Đề thi thử nghiệm THPT quốc gia môn Ngữ Văn. Nguồn: Bộ GD&ĐT. 
Đánh giá về đề tham khảo môn Ngữ Văn, có ý kiến cho rằng đề thi này khó, nhưng có nhận định đề dễ kiếm điểm hơn so với đề thi năm trước.
Nguyễn Mĩ Linh (học sinh trường THPT Nhân Chính, Hà Nội) cho biết: “Phần làm văn (7 điểm) với câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh trình bày về vấn đề về việc tìm ra đam mê trong cuộc sống là câu khá dễ, không đánh đố như nhiều năm trước. Câu này sẽ là câu “cứu cánh”, kiếm điểm đối với thí sinh. Ngoài ra, về phần phân tích nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” của Kim Lân cũng gần gũi, quen thuộc, sát với chương trình. Môn Văn kiếm điểm 7 theo tôi không khó”.
Trái ngược với ý kiến của Nguyễn Mĩ Linh, học sinh Trần Thanh Hà (lớp 12 trường THPT Nghĩa Tân, Hà Nội) lại cho rằng: “Đề văn năm nay khó, câu 2, 3, 4 phần đọc hiểu đều phải viết thành đoạn và suy luận. Các câu hỏi này đều tập trung kiểm tra, đánh giá năng lực vận dụng ở mức độ cao".
Theo, TS. Sái Công Hồng - Cục phó cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng ĐH (bộ GD&ĐT) nhận xét về điểm khác biệt lớn của đề thi năm nay so với các năm trước là các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm được sắp xếp theo trật tự lần lượt từ câu hỏi dễ đến câu hỏi khó ở tất cả các mã đề. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho thí sinh làm bài thi theo tuần tự các câu hỏi thi trong đề thi mà không cần mất thời gian đọc toàn bộ đề thi và tạo cảm hứng cho học sinh làm bài.
Linh Hoàng

>> xem thêm

Bình luận(0)