Quá nguy hiểm khi điện thoại di động biến thành rác

Google News

(Kiến Thức) - Điện thoại càng hiện đại thì càng khó tái chế, và việc tái chế thủ công như hiện nay rất nguy hiểm, dễ gây cháy nổ.

Rác thải điện tử, trong đó có phần đáng kể từ điện thoại di động, đang góp phần hủy hoại môi trường. Theo các chuyên gia, không thể tái chế thủ công rác điện thoại di động (ĐTDĐ) như hiện nay mà đòi hỏi phải có quy trình xử lý bài bản... 
Điện thoại hiện đại khó tái chế
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, chỉ trong vòng 2 năm qua, thị phần smartphone tăng nhanh do thói quen người tiêu dùng mua điện thoại mới, đổi đời điện thoại cũng như các tiện ích sản phẩm đem lại cho người dùng. Các nhóm điện thoại càng hiện đại, màn hình nặng, to hơn, pin và bản mạng có khối lượng lớn hơn so với dòng điện thoại cũ.  
Trong nghiên cứu về sử dụng ĐTDĐ tại đô thị Việt Nam và khả năng tái chế một số dòng ĐTDĐ của TS Lê Hùng Anh, Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường, trường Đại học Công nghiệp TPHCM, đã chọn một số mẫu ĐTDĐ điển hình tại các cửa hàng bán, tháo rời các bộ phận và phân loại thành: Nhóm 1 gồm các bộ phận có thể tái chế như kim loại, nhựa, cao su. Nhóm 2, gồm các bộ phận khó tái chế như pin, bản mạch điện tử và màn hình. Tỷ lệ khối lượng của các bộ phận có thể tái chế tại Việt Nam với các đời ĐTDĐ chiếm khoảng 24,7 - 41,1%. 
Điện thoại dòng smartphone có khối lượng màn hình lớn, dao động trong khoảng 34 - 42g, tương đương 30 - 35% trọng lượng máy. Khối lượng pin khoảng 18 - 25g, tương đương 20 - 25%. Khối lượng của bản mạch điện tử có sự thay đổi khá rõ rệt giữa các dòng điện thoại. Các dòng iPhone 3G và 4G có khối lượng bản mạch điện tử thấp nhất, Sony Ericson W880i và Nokia E63 có bản mạch khối lượng lớn nhất. 
Các dòng ĐTDĐ cao cấp có bản mạch điện tử công nghệ cao, khối lượng nhỏ hơn so với các loại ĐTDĐ thông thường, nhưng tỷ lệ phần khó tái chế cao hơn. Tuy nhiên, những bộ phận phức tạp như bản mạch điện tử, màn hình cảm ứng, pin lại chứa nhiều kim loại nặng, kim loại quý và đất hiếm, do đó việc thải bỏ là lãng phí, nhưng lại chưa thể tái chế hiệu quả với công nghệ tiên tiến tại Việt Nam.
Loại rác thải ĐTDĐ khó phân hủy tồn tại trong tủ kính các cửa hàng sửa chữa điện thoại. 
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo ông Nguyễn Như Dũng, Trưởng phòng Môi trường và Chất thải rắn, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới & Bảo vệ Môi trường, các nghiên cứu về khả năng tái chế ĐTDĐ ở nước ta còn rất hạn chế. Việt Nam chưa có trung tâm tái chế loại rác thải điện tử một cách an toàn, bài bản. Hiện nhiều hộ dân một số địa phương tái chế loại rác này ở quy mô thủ công, việc tái chế tiềm ẩn nhiều rủi ro, chất lượng sản phẩm tái chế chưa được kiểm chứng. Trong rác thải ĐTDĐ thì ngoài màn hình không thể tái chế, vi mạch và pin là bộ phận thường được sử dụng tái chế nhất. 
"Trong pin ĐTDĐ chia làm hai loại, loại chứa thành phần kim loại và loại chứa plastic. Nhóm thành phần kim loại cũng chia thành hai loại: Loại có giá trị như nikel, coban, đất hiếm... nhưng không thu hồi ở dạng kim loại nguyên chất mà chỉ ở dạng muối, loại không có giá trị thì thải bỏ. Chúng tôi đang nghiên cứu về tái chế an toàn một số dòng pin điện thoại, tránh vứt bỏ ra môi trường loại rác thải khó phân hủy này", ông Dũng cho hay.
Các chuyên gia cho rằng, sự nguy hiểm của tái chế pin điện thoại ở chỗ không chỉ đập, đốt gây nổ mà có loại ngâm trong nước cũng gây nổ như dòng pin lithium-Ion, trước khi tháo gỡ tái chế nên xả hết điện trong pin. Không nên tự tái chế thủ công, quy mô hộ gia đình, bởi ngoài những thành phần có thể gây cháy nổ thì còn có thành phần khí độc thải ra môi trường sống, khi hít phải nguy hiểm cho sức khoẻ. Cơ quan quản lý nên có giải pháp áp dụng luật về nghĩa vụ thu hồi tái chế cho các nhà sản xuất và thương mại ĐTDĐ. 
Phát triển các hệ thống thu hồi và tái chế chính thống, có khu tái chế riêng với công nghệ hiện đại, thực hiện quy định bảo hộ lao động. Hạn chế cho nhập khẩu ĐTDĐ cũ khi chưa hình thành được các trung tâm tái chế công nghệ cao. Một số quốc gia đã thực hiện giải pháp ký quỹ hoàn trả, liên kết giữa đại lý và các nhà phân phối để có giải pháp thu gom rác thải của sản phẩm xử lý và tái chế những bộ phận có thể tận dụng. 
Việc tái chế pin rất phức tạp, liên quan tới nhiều thành phần độc chất, khó đảm bảo an toàn khi sử dụng và chắc chắn người dùng không mặn mà! Muốn tận dụng được nguồn nguyên liệu trong rác thải ĐTDD cũng như để có được sản phẩm tái chế chất lượng thì cần phải đầu tư về công nghệ, cơ sở tái chế quy mô hiện đại, an toàn sức khoẻ và môi trường.
Ông Lê Thái Phong (Trưởng phòng Kỹ thuật Smartphone, Bệnh viện máy tính Care, TPHCM)
Quỳnh Hương

Bình luận(0)