“Phẫu thuật” bằng tia xạ trị ung thư phổi

Google News

(Kiến Thức) -Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đã ứng dụng kỹ thuật Xạ phẫu bằng CyberKnife cho bệnh nhân ung thư phổi (UTP) không tế bào nhỏ. Loại “phẫu thuật” không xâm lấn này có độ chính xác cao, có thể thay thế cho phẫu thuật mở mà không chảy máu. 

Đây là cứu cánh cho bệnh nhân UTP giai đoạn sớm không có khả năng phẫu thuật kéo dài thời gian sống.
Tử vong hàng đầu mà không có triệu chứng
Anh Nguyễn Văn H. (47 tuổi ở Hà Nội) đang rất khoẻ mạnh, khi đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ mới phát hiện UTP giai đoạn sớm nhưng không thể phẫu thuật. Anh đã áp dụng phương pháp điều trị mới bằng CyberKnife tăng liều xạ trực tiếp vào khối u, giảm các tai biến và biến chứng với các tổ chức lành. Nhờ đáp ứng tốt, sau 6 tháng khối u của anh đã giảm được 75%.
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết, UTP là loại ung thư thường gặp gây tử vong hàng đầu ở nam giới và đứng thứ hai ở nữ giới. Theo ghi nhận tình trạng ung thư ở Hà Nội, UTP chiếm 20% đứng đầu trong hàng trăm loại ung thư. Điều đáng nói ở giai đoạn sớm, bệnh không có triệu chứng. Các triệu chứng đặc biệt ít ở các trường hợp khối u xuất phát từ ngoại vi phổi. Có khoảng 5% bệnh nhân UTP vô triệu chứng lúc chẩn đoán. Các bệnh nhân này thường được phát hiện trong khi kiểm tra sức khoẻ, hoặc khi đến bệnh viện vì một bệnh khác không liên quan hoặc trên phim chụp ngực trước khi phẫu thuật. Thực tế, có khoảng 13% người bệnh không có biểu hiện bất cứ một triệu chứng nào khi khối u của họ được phát hiện. Hầu hết bệnh nhân UTP có triệu chứng đã vào giai đoạn tiến triển. Triệu chứng hay gặp nhất của bệnh là ho kéo dài.
“Phau thuat” bang tia xa tri ung thu phoi
 Thực hiện xạ trị bằng CyberKnife tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực cũng có thể là dấu hiệu chỉ điểm của UTP. Một thời gian sau người bệnh có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở hò khè và tràn dịch màng phổi...
“Phẫu thuật” chính xác không cần gây mê
BS Nguyễn Đình Tiến, Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho hay, điều trị UTP hiện nay là điều trị theo hướng đa mô thức bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích. Xạ trị lập thể định vị (SBRT) bằng CyberKnife là một kỹ thuật mới tiên tiến mới được ứng dụng nhờ sự ra đời của máy xạ trị tiên tiến CyberKnife. Phương pháp này chỉ định cho các bệnh nhân UTP giai đoạn sớm không có khả năng phẫu thuật do các bệnh lý kết hợp như bệnh lý phổi có giảm chức năng hô hấp, bệnh lý tim mạch, đái tháo đường... hoặc bệnh nhân không muốn phẫu thuật.
Theo ThS Bùi Quang Biểu, Chủ nhiệm Khoa Xạ trị - Xạ phẫu, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, xạ phẫu bằng CyberKnife được coi là hình thức “phẫu thuật” bằng tia xạ không xâm lấn dưới hướng dẫn hình ảnh theo thời gian thực với độ chính xác < 1mm, có thể thay thế phẫu thuật mở. Phương pháp này đã được Hiệp hội Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận khả năng điều trị hiệu quả các khối u và tổn thương ở nhiều vị trí trong cơ thể như não, tủy sống, phổi, gan, thận, tiền liệt tuyến... với độ chính xác cao, ít tác dụng phụ cho tổ chức lành, đặc biệt các khối u và tổn thương có hình dạng phức tạp, nằm gần các tổ chức quan trọng. Các bệnh nhân được chỉ định SBRT sau khi khám xét lâm sàng, làm các xét nghiệm thường quy và sinh thiết chuẩn đoán tuýp mô bệnh học, chẩn đoán giai đoạn bệnh và đánh giá di căn não. Trước điều trị, bệnh nhân phải được hội chẩn bác sĩ xạ trị, thần kinh để thống nhất chỉ định điều trị. Xạ phẫu bằng CyberKnife, bệnh nhân không cần khung cố định, định vị, không cần gây mê, khi điều trị không đau và không chảy máu. Chi tiết điều trị được phần mềm máy xử lý chính xác. Tùy theo tính chất của khối u có thể tiến hành điều trị từ 1 - 5 lần, mỗi ngày 1 lần, mỗi lần khoảng 30 - 90 phút.
Theo BS Nguyễn Đình Tiến, phương pháp này đã khắp phục được các nhược điểm của kỹ thuật xạ trị thông thường, cho phép nâng liều điều trị tại khối u và giảm liều chiếu đối với các tổ chức lành xung quanh, do đó làm tăng khả năng kiểm soát khối u, đồng thời làm giảm các tai biến, biến chứng đối với các tổ chức lành. Các nghiên cứu cho thấy, kỹ thuật này cho kết quả điều trị tốt hơn xạ trị thông thường và tương đương với phẫu thuật ở các bệnh nhân UTP dạng không tế bào nhỏ giai đoạn sớm T1-2, NO, MO với tỷ lệ kiểm soát tại chỗ từ 88 – 94%, thời gian sống thêm sau 2 – 3 năm từ 43 – 88%.
Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)