“Mục kích” ca ghép tạng độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Google News

Các bác sỹ hai miền Nam - Bắc đã thực hiện một ca ghép tạng có một không hai trong lịch sử Y học Việt Nam.

Ngày 5/9, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) thực hiện thành công ca ghép gan và tim cho hai bệnh nhân với nguồn tạng từ người cho chết não tại TP HCM. Khối gan và tim đã được vận chuyển bằng máy bay từ TP HCM ra Hà Nội. Gan được ghép cho một bệnh nhân nam gần 60 tuổi, tim cho bệnh nhân nam hơn 40 tuổi. Sau ca ghép tạng, hiện sức khỏe của hai bệnh nhân được ghép tiến triển tốt.
Bệnh nhân được ghép tim sau khi tháo nội khí quản đã có thể ăn cháo.
Trước đó, tối 3/9, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo cho Trung tâm Điều phối quốc gia có bệnh nhân chết não đồng ý cho tạng. Khi đó chỉ Bệnh viện Việt Đức có bệnh nhân chờ ghép gan tim cùng nhóm máu với người cho tạng.
Trưa hôm sau có kết quả khẳng định chắc chắn người hiến tạng đã chết não hoàn toàn; lập tức sáu bác sĩ trong đó có hai chuyên gia đầu ngành là giáo sư Trịnh Hồng Sơn và giáo sư Nguyễn Hữu Ước lên đường bay vào TP HCM nhận tạng.
Tuy nhiên chuyến bay gần nhất không còn chỗ trống, chuyến kế tiếp phải đến 16h chiều thì quá muộn. Kíp bác sĩ làm nhiệm vụ vẫn quyết định đến sân bay tìm mọi cách để có thể lên được máy bay sớm nhất.
May mắn là chuyến bay gần nhất có sáu người hủy không đi, đủ chỗ cho đoàn bác sĩ. Ngay khi chuyến bay cất cánh từ Hà Nội, thì tại TP HCM, các y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng tiến hành các bước phẫu thuật chuẩn bị lấy tạng.
Đến 17h30 cùng ngày, các bác sĩ hai bệnh viện mổ nhận tạng; sau đó tim gan được bảo quản lên máy bay ra Hà Nội kịp chuyến 21h30.
Máy bay về đến sân bay Nội Bài thì xe cứu thương đợi ngay ở dưới đường bay, không phải làm thủ tục. Đúng 23h30, hai khối tạng được chuyển về đến Bệnh viện Việt Đức. Trong suốt quá trình vận chuyển từ Chợ Rẫy ra Việt Đức, các bác sĩ đã phải nhiều lần bơm thêm dung dịch bảo quản cho hai khối tim gan.
Trước đó, ngay khi hai giáo sư báo về là tạng đủ tiêu chuẩn để ghép, các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Đức đã làm các thủ thuật cần thiết với hai bệnh nhân cần thay thế gan và tim.
Khi tạng về đến viện, ca mổ ghép tiếp tục ngay, đến 4h sáng ngày 5/9 ca ghép tim hoàn thành, gần 5h thì ca ghép gan xong.
Hơn 100 y bác sĩ được chia theo nhiều kíp khác nhau: kíp ghép tạng, lấy tạng, kíp lo thủ tục an ninh… Nhờ sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn này mà thời gian tính từ lúc gan, tim được lấy ra đến khi được ghép xong thì tim khoảng hơn sáu tiếng và gan là hơn bảy tiếng.
Thời gian bảo quản tim, gan khoảng 6 - 7 tiếng, vẫn đúng quy trình của quốc tế, với điều kiện bảo quản hết sức chặt chẽ. Trong suốt khoảng thời gian này, hai đầu cầu Hà Nội và TP.HCM liên tục thông tin cho nhau biết tiến độ để tiến hành các chuẩn bị, phẫu thuật cần thiết.
Điều các chuyên gia lo nhất là tạng để lâu bên ngoài không được ghép sẽ hoại tử tế bào, chất lượng kém. Rất may khi ra kiểm tra lại thì tình trạng này không xảy ra. Hai bệnh nhân được ghép tạng đã ở trong sức khỏe tốt, ăn uống bình thường, các xét nghiệm gần trở về bình thường.
"Chúng tôi đã vô cùng căng thẳng, đến khi tim ghép vào đập lại được, gan tiết ra được mật thì mới thở phào", giáo sư Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức trực tiếp tham gia ca phẫu thuật chia sẻ.
Bác sĩ Đào Kim Dung tham gia ca phẫu thuật hai ngày sau chưa hết hồi hộp khi đọc lại từng tin nhắn thông báo hành trình cũng như những cuộc gọi điện thoại của mọi người với nhau.
“Tối hôm đó, các bác sĩ còn bảo chúng tôi nếu chẳng may tạng không về kịp thì liên lạc với khoa chẩn đoán hình ảnh để chiếu xạ khối u gan cho bệnh nhân. Các phương pháp dự phòng cũng đã được tính đến", bác sĩ Dung kể.
"Chúng tôi tính toán thời gian kỹ lưỡng, lên các phương án xử lý nếu có tình huống bất thường. Để tiết kiệm tối đa thời gian, từ Chợ Rẫy lên ôtô chúng tôi vẫn mặc nguyên quần áo phòng mổ, sau đó lên ôtô thay quần áo; trên xe có sẵn bánh mì, bất cứ lúc nào có thể được thì ngủ", giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - lồng ngực nói.
Khi đó bệnh nhân cần ghép tim đang điều trị Bệnh viện Bạch Mai, còn trường hợp ghép gan thực chất là một bệnh nhân khác nhưng vì khối u đã di căn nên không thể ghép được. Bệnh nhân được ghép gan là nam giới 59 tuổi, là người đứng thứ hai trong danh sách chờ ghép gan.
Bệnh viện Việt Đức mỗi ngày có 2-3 ca chết não, thế nhưng trong năm năm qua mới chỉ có 26 người chết não đồng ý cho tạng. Trong đó các chuyên gia thực hiện được 11 ca ghép tim, 22 ca ghép gan và hơn 50 ca ghép thận...
Giáo sư Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô và bộ phận cơ thể hy vọng sẽ có nhiều người đăng ký hiến tạng. Gia đình nếu chẳng may có người chết não thì hãy vượt qua sự sợ hãi và quan điểm chết toàn thây mà hiến tạng để có thể cứu được nhiều người khác. Hàng nghìn bệnh nhân chờ đợi được ghép tạng, có nhiều người đã không thể đợi nhưng danh sách lại có thêm nhiều người mới.
"Một người thân không may mất đi, nhưng trái tim, lá gan của họ vẫn sống trong một cơ thể khác, mang lại một cuộc sống mới hồi sinh cho những người suy tạng. Nếu chỉ 1/4 số trường hợp chết não trong cả nước đồng ý hiến tạng, sẽ có biết bao người được cứu sống”, giáo sư cho biết thêm.
(Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết) 
Theo Nam Phương/ Báo Pháp Luật

Bình luận(0)