Không lo rủi ro khi phóng vệ tinh VNREDSat-1

Google News

(Kiến Thức) - Việc rút ngắn thời gian phóng đến nửa năm cũng như trục trặc trong lịch phóng khiến nhiều người đặt câu hỏi về chất lượng cũng như độ an toàn của vệ tinh VNREDSat-1.

Rút ngắn thời gian

Trong không khí tất bật chuẩn bị cho ngày phóng vệ tinh VNREDSat-1, TS Phạm Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Quản lý Dự án Vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) cho biết, việc rút ngắn thời gian (dự kiến ban đầu là phóng vào đầu năm 2014) cũng như việc hoãn phóng (dự kiến ban đầu là vào ngày 19/4) hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới chất lượng của vệ tinh.

Lý do là vì vệ tinh VNREDSat-1 nằm trong hệ thống vệ tinh Astrosat-100. Trước đó, Công ty EADS Astrium (Pháp) đơn vị chế tạo VNREDSat-1 đã từng chế tạo vài vệ tinh tương tự như VNREDSat-1. Những "người anh" của VNREDSat-1 đã được phóng thành công và hiện vẫn đang hoạt động bình thường trong vũ trụ. 

Việc lùi thời gian phóng cũng là để đảm bảo sự an toàn khi phóng. Thời gian phóng phải đáp ứng đủ các yếu tố gồm tính sẵn sàng của tên lửa phóng, tính sẵn sàng của các vệ tinh, điều kiện thời tiết thuận lợi cho phóng, độ an toàn trong các khu vực dự kiến tên lửa sẽ bay qua và các khu vực mà các bộ phận của tên lửa sẽ rơi xuống sau khi hoàn thành nhiệm vụ. 

Mô hình vệ tinh VNREDSat-1.  

TS Phạm Minh Tuấn cho biết, đến thời điểm này, ông thấy yên tâm về VNREDSat-1 bởi Công ty EADS Astrium là công ty chế tạo vệ tinh nổi tiếng mà chưa để xảy ra sai sót lớn nào. Khi chế tạo vệ tinh họ tuân thủ rất chặt chẽ các quy trình từ thiết kế, lựa chọn thiết bị, lắp ráp. Họ còn có cả một quy trình giám sát để đảm bảo việc chế tạo vệ tinh tốt nhất. Đơn vị sẽ thực hiện phóng VNREDSat-1 là Công ty Arianespace, công ty đã phóng 2 vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2 của Việt Nam trước đây. Công ty này đã phóng thành công tới 98-99% các loại vệ tinh khác nhau.

Không đặt nặng lỗ, lãi

Trước câu hỏi liệu vệ tinh VNREDSat-1 có đem lại lợi nhuận, TS Phạm Minh Tuấn cho biết, ngay từ đầu khi lập dự án cũng không đặt mục tiêu thương mại lên hàng đầu bởi quan trọng là chúng ta chủ động được nguồn ảnh. Việc tính lỗ lãi đối với vệ tinh cũng không đơn giản. Thứ nhất, khi vệ tinh được phóng lên đồng nghĩa với việc gia tăng quyền tự chủ của Việt Nam trên khoảng không vũ trụ. Việc này rất khó có thể mang ra cân đong đo đếm bằng tiền bạc.

Đoàn Việt Nam cùng các kỹ sư Pháp bên vệ tinh VNREDSat-1 sau khi
hoàn tất việc chế tạo. 

Hơn thế, trước đây muốn có ảnh, chúng ta phải đi mua với giá từ 2.000 - 5.000USD, nhiều trường hợp nhạy cảm chúng ta còn không mua được, đấy là chưa kể tới việc khi mua cũng phải mất vài tháng ảnh mới tới nơi. Trong trường hợp có sự cố thì ảnh mua về đã hết "nóng" không giúp ích cho việc giải quyết sự cố.

Trong khi đó, khi VNREDSat-1 đi vào hoạt động, chúng ta có thể hoàn toàn làm chủ về nguồn ảnh vệ tinh mà không cần phải đi mua (tiết kiệm được tiền mua). Hơn thế, do chủ động được nên chúng ta sẽ có những tấm ảnh vệ tinh ngay tại thời gian thực. Điều này giúp ích cho việc theo dõi, quản lý hiện trạng của mặt đất, hải đảo, đặc biệt trong việc giải quyết được nhanh chóng khi có các thảm họa xảy ra... 

Theo kế hoạch, vệ tinh VNREDSat-1 cùng với hai quả vệ tinh khác là vệ tinh PROBA-V của ESA và vệ tinh pico ESTCube-1 của Estonia sẽ được đưa lên quỹ đạo bởi tên lửa phóng VEGA. Dự kiến, khoảng 10h tối ngày 3/5, trạm điều khiển mặt đất của Việt Nam sẽ bắt được tín hiệu của VNREDSat-1. 

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Sơn Hà

Bình luận(0)