Dọn nhà ngày Tết, coi chừng bị uốn ván

Google News

(Kiến Thức) - Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh uốn ván là một loại bệnh nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt biến chứng trên hệ hô hấp và tim mạch nên tỷ lệ tử vong cao, thời gian điều trị dài ngày, chi phí điều trị cao.

Chuẩn bị đón Tết, sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp bếp núc, sân vườn... vô tình đứt tay, đạp phải cái đinh gỉ, đôi khi chỉ là những vết trầy xước nên nghĩ chẳng sao. Vài ngày sau, bỗng dưng bị nói khó, nuốt khó, há miệng to cũng không được, co giật toàn thân. Vào bệnh viện mới biết là bị bệnh uốn ván thì đã muộn vì phải điều trị cả tháng trời, tốn kém... 

Có chút xíu mà ghê quá vậy?

Bác Lý Thị Năm, mẹ bệnh nhân Đỗ Văn T. (22 tuổi, quận Tân Bình TPHCM) đang điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện 175 TPHCM cho biết, trước nhập viện 3 ngày, anh T. sửa lại mái nhà đạp phải một cái đinh nhỏ nhưng không đi tiêm ngừa vì nghĩ bình thường. Sau ba ngày anh T. bị cứng hàm, nói khó, nuốt khó, há miệng to không được, cổ thì cứng, lưng cong như cái đòn gánh. Nhập viện, thì bị lên cơn co giật, bác sĩ phải cố định tay chân lại, phải thở máy, ăn qua ống thông dạ dày...

Tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM hiện đang có cả chục ca đang được theo dõi sát vì bị uốn ván nhưng không tiêm ngừa. Đa số, do chủ quan với những vết thương sinh hoạt. Tại giường số 3, cụ bà Vương Kim H. (88 tuổi, quận 6, TPHCM) đang được hồi sức tích cực, nuôi ăn qua thông dạ dày, thở máy, truyền dịch, dùng kháng sinh... Chị Lâm Kim Ngọc - cháu của bà H. cho biết, bà nội lớn tuổi nhưng lại siêng dọn dẹp nhà cửa. Hôm trước bà có đạp phải cái đinh nhỏ ở cái tủ gỗ, bà có lấy băng y tế dán lại nhưng không ngờ bị nhiễm trùng khủng khiếp như vậy.

BS Danh Thơm, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn,
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đang khám cho bệnh nhân uốn ván nặng. 

Tiêm ngừa để phòng bệnh

ThS.BS Phạm Văn Bình, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện 175 TPHCM cho biết, thời gian từ khi đạp đinh đến khi phát bệnh càng ngắn (dưới một tuần) thì bệnh càng nặng. Bệnh nhân T. mới đạp đinh có ba ngày nhưng bệnh đã phát nặng, nên phải theo dõi sát cơn co giật, tím tái sau co giật. Bệnh nhân phải điều trị khoảng ba đến bốn tuần. 

ThS.BS Lâm Minh Yến, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM giải thích: Bệnh uốn ván là một bệnh nhiễm độc cấp tính nặng do độc tố tetanospasmin của vi trùng uốn ván, có trong đất và có thể gây chết người. Đây là bệnh duy nhất gây ra do vi khuẩn có thể phòng ngừa được bằng văcxin và không lây truyền trong cộng đồng. Năm 2012, bệnh viện đã điều trị nội trú cho 249 ca bệnh uốn ván nặng. Hiện bệnh viện đang có 11 ca nặng đang điều trị. Bệnh nhân nhiễm vi trùng uốn ván chủ yếu do giẫm đinh, đạp gai, bỏng điện, đứt tay do máy cưa, dao kéo, xóc dằm, vết châm, tai nạn giao thông... nhất là vào dịp cuối năm, sửa chữa nhà cửa. 

Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh uốn ván là một loại bệnh nặng, nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt biến chứng trên hệ hô hấp và tim mạch nên tỷ lệ tử vong cao, thời gian điều trị dài ngày, chi phí điều trị cao. Ở những bệnh nhân bị uốn ván nặng gây tắc đường thở, bác sĩ phải mở khí quản, nếu tình trạng không cải thiện thì phải cho bệnh nhân thở máy. Trung bình, một bệnh nhân mất ít nhất 4 - 5 tuần mới bình phục, nặng thì thời gian điều trị có thể kéo dài đến 3 tháng.

Việc tiêm ngừa là giải pháp bảo vệ tốt nhất. Trẻ nhỏ và thai phụ được được tiêm ngừa trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tuy nhiên, sau mũi cuối cùng cách 5 năm thì cũng phải tiêm nhắc lại thì mới đảm bảo. Người lớn chưa tiêm ngừa uốn ván thì nên đến các trung tâm y tế dự phòng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Viện Pasteur TPHCM... để được tiêm ngừa, giá một mũi tiêm khoảng 50.000đ.
Vị trí xâm nhập thường thấy của nha bào uốn ván là bàn chân (chiếm 41,5% trường hợp), cẳng chân (8,6%), đầu - cổ (8,4%), bàn tay (8,3%), chỗ tiêm chích (4,4%)... Đặc biệt, có đến 31,9% trường hợp không xác định được vị trí xâm nhập. 
ThS.BS Lâm Minh Yến

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU

Bùi Hương

Bình luận(0)