Bệnh nhân ghép tim đầu tiên kể chuyện “đã đóng... quan tài”

Google News

Quan tài đã đóng, ngày liệm cũng đã xem để phòng khi xấu nhất xảy ra. Vậy nhưng thần may mắn đã mỉm cười với tôi...

- Đã 17 tháng kể từ ngày ca ghép tim đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện 103, nhưng lật lại những ký ức về quãng thời gian đó, gần 100 y bác sĩ phục vụ cho ca ghép vẫn còn nhớ như in về những tiếng cười và cả giọt nước mắt chờ đợi và hy vọng...

Ca phẫu thuật tại Bệnh viện 103.
Ca phẫu thuật tại Bệnh viện 103.
 
Từ thực nghiệm trên lợn đến thực tế ở người
 
Để chuẩn bị cho đề tài ghép tim trên người lần đầu tiên này, trước đó Bệnh viện 103 đã tiến hành 2 đề tài cấp Bộ ghép tim thực nghiệm thành công trên động vật (lợn). PGS.TS Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 chia sẻ: Chúng tôi đã 2 lần thực nghiệm trên lợn thành công. Những chú lợn sống 72 giờ sau đó chúng tôi cho chết, bởi nếu duy trì sự sống của chúng nữa thì phải có người chăm sóc, thuốc men tốn kém và nhu cầu thực nghiệm đã thành công trên mong đợi rồi... Sau đó lãnh đạo Học viện và Bệnh viện đã cử đoàn cán bộ sang các nước như Đức, Singapore, những nơi có trung tâm phẫu thuật tim nổi tiếng để học tập kinh nghiệm.

Tháng 4/2009, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cộng đồng, Học viện Quân y vinh dự được giao nhiệm vụ thay mặt ngành y tế Việt Nam chủ trì thực hiện đề tài "Nghiên cứu triển khai ghép tim trên có người lấy từ người cho chết não". Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng toàn học viện đã dồn tâm sức cho công việc đầy ý nghĩa này.
 
PGS.TS Hoàng Mạnh An nhớ lại: Chúng tôi có danh sách khoảng 70 bệnh nhân từ các bệnh viện khác bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4 và thường xuyên theo dõi, kiểm tra số bệnh nhân này qua các kênh thông tin. Nhưng danh sách các bệnh nhân cứ vơi dần sau mỗi lần kiểm tra định kỳ, bởi những bệnh nhân này không còn đáp ứng được thuốc, nên tử vong dần... 
 
Chứng kiến từng người bệnh ra đi mà không cứu được, nhiều bác sĩ đã bật khóc. Những lúc đó, ai trong các y bác sĩ được giao thực hiện nhiệm vụ cũng bày tỏ sự quyết tâm cho ca ghép đầu tiên để hy vọng cho bệnh nhân...

100 y bác sĩ thuyết phục bệnh nhân...

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ bác sĩ, thì vấn đề người để ghép là quan trọng. Ai dám đứng ra thử nghiệm, bởi sự suy nghĩ một mất, một còn. Nếu để người nhà họ điều trị như thế này thôi thì may mắn cũng sống thêm một thời gian, nhưng nếu ghép mà không may mắn có thể sẽ vĩnh viễn không nhìn thấy người thân luôn. Lẽ ra cháu bé 16 tuổi sẽ tiến hành ghép, nhưng khi đoàn cán bộ bác sĩ của bệnh viện về quê để động viên gia đình thì ông bà cháu "xin cảm ơn tấm lòng bác sĩ" và khước từ...

PGS.TS Nguyễn Oanh Oanh, chủ nhiệm Khoa Tim mạch, là người chuẩn bị và chăm sóc bệnh nhân trước, sau ca mổ chia sẻ: Lần thuyết phục thứ hai, trong 20 danh sách bệnh nhân suy tim thể cơ giãn được tập hợp còn lại có anh Bùi Văn Nam (48 tuổi ở thôn 4, đội 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã đồng ý.
 
Nhưng tập thể đội ngũ các bác sĩ vẫn lo lắng nhỡ ngày ghép anh lại từ chối thì bao nhiêu thứ chuẩn bị sẽ phải bắt đầu lại. Từ lãnh đạo Học viện, Bệnh viện cho tới bác sĩ, nhân viên, ai cũng đến động viên, thuyết phục ý nghĩa của việc ghép tim cho anh Nam, động viên tinh thần và cả vật chất để anh yên tâm.
 
Những ngày này, các bác sĩ làm việc không có giờ giấc, nhiều khi đêm tối Bệnh viện hỗ trợ cho nồi cháo, ai nấy đều vui vẻ chỉ mong sao mọi sự thuận lợi theo đúng dự định.

PGS.TS Nguyễn Oanh Oanh luôn thăm hỏi, động viên anh Nam.
PGS.TS Nguyễn Oanh Oanh luôn thăm hỏi, động viên anh Nam.
Nhắm mắt chờ kết quả

Sau nhiều ngày chuẩn bị, đúng 9h, ngày 17/6/2011, ca ghép tim trên người đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành. Sau 2h, kể cả thời gian lấy tim từ người chết não, ca ghép đã thành công.

TS Nguyễn Trường Giang, Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại dã chiến, một trong những phẫu thuật viên của ca ghép chia sẻ: "Trước khi vào phòng ghép, chúng tôi lo sợ không biết có giống với những gì mình được học hỏi bên nước ngoài không, rồi thực tế từ ghép tim lợn và người giống nhau không. Nhưng may mắn, mọi sơ suất đều không có.

Khi quả tim của người khác được "đặt" vào người anh Nam, có bác sĩ hồi hộp, lo lắng, thậm chí nhắm mắt chờ kết quả. Những giọt mồ hôi rơi lã chã, những vết nhăn trên khuôn mặt các bác sĩ, thậm chí trong phòng lặng, nghe được cả tiếng thở hồi hộp của kíp mổ. Tất cả mọi người nhìn vào máy, bỗng vạch tim nháy (báo nhịp tim đập), giám đốc cũng "nhảy" lên, ôm chặt chúng tôi, mặc cho những vết máu trên găng tay dính vào áo blu trắng. Sau đó, từng phút, từng phút, mặt anh Nam hồng hào hơn, nhìn thấy rõ những nhịp tim đập, như thấu hiểu nỗi vui mừng của chúng tôi".

Sau khi được phẫu thuật, anh Nam được vào chăm sóc tại phòng đặc biệt. Lần đầu tiên chăm sóc một bệnh nhân ghép tim, chia sẻ những khó khăn đó, PGS.TS Nguyễn Oanh Oanh cho biết: Vì là ca bệnh nhân đầu tiên, nên chúng tôi chưa có kinh nghiệm chăm sóc, vì vậy luôn tham khảo ý kiến của các chuyên gia nước ngoài để quản lý chặt chẽ liều lượng, hàm lượng thuốc...
 
Cứ thi thoảng tôi lại nhìn anh, sau đó thấy biểu hiện khác lạ như sắc mặt, xem có nhiễm trùng không, rối loạn nhịp tim không hoặc băn khoăn điều gì tôi lại gửi mail cho bác sĩ nước ngoài nhờ tư vấn. Cứ như học sinh đi thi, "vừa nghé tài liệu, vừa nghé giám khảo". Từng giờ, từng ngày, mọi người thay nhau túc trực, vừa nhìn máy, vừa ghi chép, vừa đọc sách tìm hiểu... Tất cả như một cỗ máy mà mọi người phải tuân thủ lại là chính đội ngũ bác sĩ.

Giờ đây, sau gần 2 năm, sức khoẻ của anh Nam đã bình phục. Hằng tháng anh lại tới bệnh viện để kiểm tra sức khoẻ định kỳ. Trong lần kiểm tra này, chúng tôi gặp anh. Nhớ lại những phút giây ngày trước anh chia sẻ: Năm 2009, sức khoẻ tôi suy sụp nhanh chóng từ khi xuất hiện những cơn đau tim đột ngột. Các cơn đau như mũi kim cắm thẳng vào lồng ngực. Ăn vào là nôn, người đi chẳng vững, bệnh viện huyện chẩn đoán tôi bị suy tim. Thấy được ghép tim, tôi và gia đình chỉ nghĩ còn nước còn tát...

10 ngày trước ca phẫu thuật anh Nam yếu đến mức không còn cử động được nữa. Nhưng sáng ngày hôm chuẩn bị thay tim, cơ thể tôi như có một luồng sinh khí cực mạnh chạy qua. Tôi đột nhiên ngồi dậy, đi lại khắp phòng, ra cả hành lang và nói rất to "mai tôi được ghép tim", làm cho người nhà ngạc nhiên...
 
Có một điều không ai nói với tôi, đó là đại diện họ tộc đã thuê xe, quan tài cũng đã đóng, ngày liệm cũng đã xem để phòng khi xấu nhất xảy ra. Vậy nhưng cuối cùng, thần may mắn đã mỉm cười với tôi...".
 
Sau gần 2 năm ghép tim, anh Nam đã đạt 80% sức khoẻ và có thể lao động bình thường.
Sau gần 2 năm ghép tim, anh Nam đã đạt 80% sức khoẻ và có thể lao động bình thường.
Theo ước tính, số bệnh nhân vào viện vì bị suy tim chiếm tới 30,7% tổng số bệnh nhân tim đến điều trị. Trong số những bệnh nhân suy tim này có tới 20% là suy tim với NYHA III và IV, nghĩa là có chỉ định phải ghép tim. Thực tế mỗi tháng cả nước có khoảng 1.000 người mất do tai nạn giao thông. Nếu như, ai cũng có tấm lòng bác ái, "một người cho để một người sống" thì chúng ta sẽ giảm tối đa những người không may mắn.
Phạm Hằng

Bình luận(0)