Tính sáng tạo của khoa học Việt Nam yếu bởi...

Google News

Bài báo khoa học và số bằng sáng chế, thước đo về khả năng sáng tạo, chỉ ra rằng khả năng sáng tạo của Việt Nam đang suy giảm.

“Sáng tạo” là một khái niệm tương đối mới. Không biết hai chữ “sáng tạo” trong tiếng Việt xuất hiện từ lúc nào, nhưng chữ created xuất hiện trong Từ điển Oxford từ khoảng năm 1393, và mãi đến năm 1875 thì có thêm từ creativity mà chúng ta hiểu như là sáng tạo. Tuy nhiên, thời đó, chữ creativity dùng để chỉ sự tưởng tượng trong văn thơ. Vào cuối thập niên 1950s, một chuyên gia tâm lí định nghĩa sáng tạo với nghĩa hẹp là những hoạt động sáng chế, thiết kế, và xếp đặt sự việc.

Ngày nay, trong thế giới khoa học, sáng tạo được định nghĩa là những tri thức và kĩ năng mới, chưa từng được biết đến trước đây, gây ngạc nhiên và có ích. Khả năng sáng tạo có thể đánh giá qua nhiều thước đo như số bài báo khoa học, bằng sáng chế, và áp dụng ý tưởng mới vào thực tế.

Khả năng sáng tạo đang trở thành vấn đề thời sự. Gần đây, một số nhà bình luận thời sự và khoa học cho rằng khả năng sáng tạo của Việt Nam đang tụt hậu. Dữ liệu của Tổ chức sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO) cho thấy năm 2008 Việt Nam xếp hạng 65/153 nước về sáng tạo, năm 2012 thì tụt xuống hạng 76/141. Trong cùng thời gian, các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia thì đang trên đà tăng thứ hạng về sáng tạo. Trước đây, người viết bài này cũng đã phân tích và cho thấy số bằng sáng chế của Việt Nam còn rất thấp, có năm chẳng có bằng sáng chế nào được đăng kí. Có người gọi sự tụt hạng của Việt Nam là “chết lâm sàng”.

Thực tế cho thấy không chỉ số bằng sáng chế, mà số bài báo khoa học từ Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn. Trong 5 năm qua (2008-2012), Việt Nam công bố được 6.369 bài báo khoa học; con số này bằng 24% của Thái Lan (26.114 bài), 22% của Malaysia (28.509). Trong cùng thời gian, ĐH Chulalongkorn công bố 5.232 bài, ĐH Mahidol của Thái Lan công bố 5.111 bài, ĐH Malaya của Malaysia 7.083 bài. Số bài báo khoa học của Việt Nam chỉ xấp xỉ số bài báo của một đại học hàng đầu của Thái Lan và Malaysia.

Những con số trên chưa nói đến một thực trạng đáng lo ngại khác và đó là vấn đề lệ thuộc nước ngoài. Phần lớn (70%) những công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam là do hợp tác với nước ngoài. Có lĩnh vực như y khoa, tỉ lệ hợp tác với nước ngoài hiện nay khoảng 80%, có năm lên đến 90%. Hợp tác khoa học là điều cần thiết và cần khuyến khích, nhưng nếu 80% công trình nghiên cứu là do hợp tác thì có thể xem đó là một phản ảnh về nội lực yếu kém, hay nói cách khác, đó là một nền khoa học có nguy cơ bị lệ thuộc.

 Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn.


Bài báo khoa học và số bằng sáng chế là những thước đo về khả năng sáng tạo. Do đó, những dữ liệu thực tế trên đây cho thấy khả năng sáng tạo của Việt Nam đang suy giảm? Tôi không nghĩ vậy; khả năng sáng tạo của người Việt chẳng kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới, nhưng vấn đề là các yếu tố mang tính hệ thống và cá nhân đã là những rào cản để phát huy tính sáng tạo của người Việt. Đã có rất nhiều thảo luận chung quanh câu hỏi tại sao chúng ta đang tụt hạng. Nhưng hình như chưa ai đặt câu hỏi trực tiếp là yếu tố nào ảnh hưởng đến tính sáng tạo. Các chuyên gia xã hội học phân biệt hai nhóm yếu tố: yếu tố mang tính tổ chức, và yếu tố cá nhân. Những yếu tố tổ chức sau đây có ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo:

Thứ nhất là cởi mở với những ý tưởng mới
. Đây là yếu tố được đề cập nhiều nhất khi đề cập đến sáng tạo. Thông thường và cũng là tâm lí chung của đám đông, bất cứ một ý tưởng mới nào cũng được nhìn với sự dè dặt, thậm chí bị bác bỏ ngay từ đầu. Đối với những nhà khoa học trẻ, khi ý tưởng bị bác bỏ cũng là thời điểm ý tưởng đó bị tử vong, vì nhà khoa học cảm thấy ý tưởng của mình không được ủng hộ. Tuy nhiên, những tổ chức sẵn sàng chào đón cái mới, sẵn sàng chấp nhận những “con cừu đen” trong nhóm nghiên cứu khoa học, hay khuyến khích cái mới, thường là những tổ chức thành công trong việc sáng tạo.

Thứ hai là áp lực. Các nhà tâm lí thường cho biết rằng khi họ tiếp xúc với những cá nhân sáng tạo, điều được đề cập nhiều nhất là những trung tâm hay lab nghiên cứu có cơ chế tạo áp lực thì khả năng sáng tạo hay “làm một cái gì đó” thường gia tăng. Áp lực ở đây phải hiểu là những qui định về thành quả nghiên cứu, chẳng hạn như qui định mỗi nhà nghiên cứu hay giảng viên phải công bố kết quả nghiên cứu của họ trên các tập san quốc tế. Trong môi trường áp lực như thế, nhà khoa học sẽ cảm thấy bị thôi thúc để làm ra cái mới.

Thứ ba là tự do chọn đề tài và thay đổi hướng nghiên cứu. Qui trình sáng tạo bao gồm việc lựa chọn vấn đề, phương pháp, đối tác và nguồn tri thức. Sáng tạo đòi hỏi một môi trường tự do học thuật (academic freedom). Trong môi trường đó, nhà khoa học chẳng những có sự tự do lựa chọn vấn đề để theo đuổi, mà còn có tự do để thay đổi định hướng nghiên cứu khi cần thiết. Đề tài nghiên cứu tốt có thể xuất phát từ nhà khoa học, nhưng thường thường khởi phát từ người lãnh đạo khoa học. Người lãnh đạo khoa học có thực tài và kinh nghiệm là người có viễn kiến và khả năng nhận ra những vấn đề cần theo đuổi để có xác suất thành công cao.  

 Nhiều trung tâm ở Việt Nam không có chính sách đãi ngộ sáng tạo và nghiên cứu khoa học, nên nhà khoa học không có động cơ để sáng tạo.

Thứ tư là khuyến khích và đãi ngộ cá nhân sáng tạo. Nhiều người cho rằng chính sách đãi ngộ là một yếu tố rất quan trọng cho sáng tạo. Những hình thức khuyến khích và đãi ngộ có thể là đề bạt, giải thưởng, phần thưởng cá nhân, tự do dự hội nghị quốc tế, v.v. Trung Quốc đã áp dụng chính sách thưởng cho nghiên cứu khoa học, và họ đã thành công gia tăng số ấn phẩm khoa học cũng như số bằng sáng chế trong thời gian trên dưới 20 năm qua.

Ngoài những yếu tố thuận trên, một số yếu tố bất lợi cho sáng tạo cũng được đề cập đến. Các yếu tố sau đây được xem là kiềm hãm tính sáng tạo. Quá chuyên biệt hoá giữa các ngành khoa học là một yếu tố bất lợi cho sáng tạo. Sáng tạo thường xảy ra trong môi trường tương tác giữa các nhóm khoa học.  Những trung tâm quá chuyên biệt về một vấn đề thường kém khả năng sáng tạo vì thiếu sự tương tác với các đồng nghiệp từ các chuyên ngành khác. Hành chính hoá là một biện pháp tuyệt vời nhất để làm nản lòng nhà khoa học và kiềm hãm sự sáng tạo.  Những trung tâm phân biệt giai tầng từ cao đến thấp, hay nặng về quản lí và hành chính cũng là những trung tâm kém sáng tạo.  

Nhìn qua những yếu tố trên và đối chiếu với hiện tình ở Việt Nam, có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi thấy năng suất khoa học của Việt Nam bị tụt hậu. Về ý tưởng nghiên cứu, ngoại trừ một số ít có nghiên cứu có chất lượng cao, phần lớn những đề tài nghiên cứu thực hiện ở Việt Nam chỉ loanh quanh những ý tưởng cũ, những đề tài người khác đã làm (thậm chí làm rất lâu). Nghiên cứu sinh thì thiếu sự hướng dẫn của thầy cô, nên chỉ theo đuổi những đề tài ngắn hạn, tủn mủn, vụn vặt, khó có thể công bố quốc tế.

Nhiều thầy cô cũng không dám theo đuổi những đề tài mới, một phần vì sợ cơ quan tài trợ không yểm trợ, một phần vì sợ hội đồng xét duyệt bác bỏ. Thật vậy, có khi sự kìm hãm xảy ra ngay từ khâu duyệt đề cương nghiên cứu, mà trong đó hội đồng bình duyệt thường là những người hoặc không có kinh nghiệm chuyên ngành, hoặc không sẵn lòng chào đón các ý tưởng mới.Hệ quả là rất nhiều nghiên cứu của Việt Nam chỉ xoay quanh những đề tài cũ, hoặc những đề tài chẳng ai quan tâm, và do đó rất khó có cơ may xuất hiện trên những diễn đàn khoa học lớn.   

Các nhà khoa học Việt Nam cũng không có áp lực hay động cơ để nghiên cứu khoa học. Ngoại trừ các viện chuyên nghiên cứu thì còn có áp lực chút ít, các đại học và bệnh viện gần như không gây áp lực cho các nhà khoa học phải làm nghiên cứu. Họ chỉ cần làm những đề tài vụn vặt hay làm “cho có” để đăng trên các tập san trong nước và có điểm cho việc phong chức danh giáo sư/phó giáo sư. Đó có thể là một giải thích tại sao mỗi năm Việt Nam có hàng vạn bài báo khoa học tên các tập san trong nước, nhưng chỉ có khoảng 1500 trên các tập san quốc tế.  

Nhiều trung tâm ở Việt Nam không có chính sách đãi ngộ sáng tạo và nghiên cứu khoa học, nên nhà khoa học không có động cơ để sáng tạo. Có nhiều nhà khoa học công bố nghiên cứu trên tập san hàng đầu thế giới, mà lãnh đạo không hề hay biết hay có biết thì cũng dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra! Ngược lại, những hình thức “chiến sĩ thi đua” thực chất chỉ khuyến khích người ta làm những công trình nghiên cứu “me too” (bắt chước người khác) hay làm cho có làm, chứ không nhắm đến tính sáng tạo.  

Tính đố kị cố hữu của người Việt cũng là một rào cản lớn. Đồng nghiệp thay vì ủng hộ thì lại dèm pha và bôi nhọ những cá nhân có sáng kiến tốt. Những ai có sáng kiến gì mới thường bị mang nhãn hiệu “điên”, “khùng”, “mad”. Lại có khi bị đồng nghiệp cho là “chơi nổi”. Trong môi trường như thế là tính sáng tạo đã tử vong ngay từ giai đoạn đầu.  

Chưa có bằng chứng gì để nói người Việt là một dân tộc có khả năng sáng tạo kém.  Người Việt cũng có khả năng làm nghiên cứu khoa học ở cấp độ tiền phong như bất cứ ai. Người Việt cũng có khả năng sáng chế như bất cứ ai. Thực tế cho thấy người Việt Nam ở nước ngoài, hay nghiên cứu sinh Việt Nam ở nước ngoài, đã có những thành công có thể nói là ngoạn mục. Những trường hợp này cho thấy môi trường làm việc và tinh thần khoa học là một yếu tố rất quan trọng để tính sáng tạo được phát huy.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn/Đất Việt

Bình luận(0)