Vì sao Ấn Độ nghi ngờ tính năng tiêm kích Su T-50 Nga?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Nga không cung cấp tài liệu cũng như không chứng minh được tính ưu việt của Su T-50 so với F-22 khiến Ấn Độ muốn dừng hợp tác phát triển chiến đấu cơ hệ 5.

Theo nguồn tin từ Không quân Ấn Độ, việc ký hợp đồng liên quan đến việc hợp tác nghiên cứu máy bay chiến đấu thế hệ 5 FGFA dựa trên cơ sở Sukhoi PAK FA T-50 với Nga đã bị trì hoãn. Nguyên nhân dẫn đến việc này là do phía Nga từ chối cung cấp những tài liệu kỹ thuật liên quan đến loại máy bay chiến đấu thế hệ mới này, đồng thời hai bên cũng có những mâu thuẫn trong phân công cụ thể việc thực hiện chương trình.
Nguồn tin cho biết, Không quân Ấn Độ đã nhiều lần yêu cầu Nga cung cấp những tài liệu chi tiết về kỹ thuật và dữ liệu bay thử nghiệm của máy bay chiến đấu thế hệ 5, nhưng phía Nga luôn bỏ ngoài tai vấn đề này. Nga cũng nhiều lần tuyên bố rằng, tính năng của máy bay T-50 ưu việt hơn so với máy bay F-22 của Mỹ, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng cho Ấn Độ.
 Phía Nga nhất quyết không chia sẻ tài liệu kĩ thuật Su T-50 với Ấn Độ.
Không quân Ấn Độ cho rằng, với tình trạng hiện nay của máy bay T-50 thậm chí không thể vượt mặt F-35 của Mỹ, loại máy bay có tính năng tàng hình kém hơn so với F-22.
Trên thực tế, trong một số phương diện như hệ thống động lực học, thiết bị điện tử hàng không và các loại vũ khí có thể mang của máy bay T-50 không để lại chút ấn tượng sâu sắc nào đối với Ấn Độ. Theo Không quân Ấn Độ, các hệ thống phụ trợ của loại máy bay chiến đấu này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, việc kiểm tra và hoàn thiện cũng mất 10 năm.
Ngoài vấn đề này ra, trước đó Không quân Ấn Độ đã yêu cầu phía Nga cho phép nhóm công tác của Ấn Độ tiến hành đánh giá đối với loại máy bay này, nhưng cho đến nay, phía Nga vẫn không đồng ý.
Không quân Ấn Độ cũng chỉ ra, ngay cả khi hai nước có thể thành lập công ty liên doanh sản xuất máy bay chiến đấu FGFA, thì Ấn Độ cũng không thể có được những kỹ thuật độc quyền liên quan đến các hệ thống của máy bay chiến đấu này. Do đó không thể vận dụng nó vào việc thực hiện dự án máy bay chiến đấu hạng trung AMCA của Ấn Độ. Căn cứ vào kế hoạch của Không quân Ấn Độ, việc sản xuất của máy bay chiến đấu AMCA sẽ được bắt đầu sau khi hoàn thành dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas MK-2.
 Vụ cháy động cơ T-50 vừa qua cũng khiến uy tín của Nga giảm sút đáng kể, nhất là khi vụ việc xảy ra khi có đoàn Ấn Độ đang theo dõi cuộc thử nghiệm Su T-50.
Phía Nga cũng luôn cố gắng thuyết phục Ấn Độ ký hợp đồng cùng nghiên cứu máy bay chiến đấu FGFA với tổng trị giá 6 tỷ USD, nhưng người Ấn vẫn không thể tin Nga sẽ cung cấp công nghệ và tài liệu liên quan. Hiện nay, yêu cầu của Không quân Ấn Độ đối với FGFA vẫn dừng ở bản thiết kế, việc thực hiện cụ thể của nó phải đợi đến khi phía Ấn Độ cung cấp toàn bộ kinh phí.
Theo một quan chức cấp cao của Không quân Ấn Độ, để tiết kiệm tiền, nước này có thể sẽ huỷ bỏ việc thiết lập doanh nghiệp liên doanh sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ 5 với Nga, thay bằng trực tiếp mua máy bay T-50 mà Không quân Nga yêu cầu nghiên cứu, sau đó tiến hành nâng cấp một chút đối với máy bay này.
 Ảnh đồ họa FGFA.
Đồng thời Nga cũng đang cố gắng thu hút Brazil và Malaysia tham gia vào kế hoạch nghiên cứu chủng loại máy bay thế hệ 5, nhưng không được như ý muốn. Trước đó, nhờ có được đầu tư lớn của Ấn Độ cho dự án máy bay chiến đấu Su-30MKI, đã giúp Nga có thể phát triển loại máy bay chiến đấu Su-30 phiên bản xuất khẩu theo yêu cầu của nước khác. Tất nhiên, hiện nay Nga vẫn muốn có được nguồn vốn từ Ấn Độ để nhân rộng những thành công này, mở rộng thị trường nước thứ 3 cho máy bay chiến đấu thế hệ 5 phiên bản xuất khẩu.
Bằng Hữu

Bình luận(0)