Tổng thống Putin: Sáp nhập Crimea là sửa chữa “bất công lịch sử”

Google News

(Kiến Thức) - Hãng tin RIA Novosti ngày 26/4 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng việc sáp nhập Bán đảo Crimea chính là để sửa chữa “bất công lịch sử”.

Việc sáp nhập Bán đảo Crimea vào Liên bang Nga hồi tháng 3/2014 đã gây ra khủng hoảng tồi tệ nhất giữa phương Tây và Nga kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Tong thong Putin: Sap nhap Crimea la sua chua “bat cong lich su”
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng việc sáp nhập Bán đảo Crimea vào Liên bang Nga chính là để sửa chữa “bất công lịch sử”. 
 “Việc sáp nhập này không phải vì Crimea có một tầm quan trọng chiến lược ở khu vực Biển Đen, mà là vì công bằng lịch sử. Tôi tin rằng chúng tôi đã làm điều đúng và tôi không hối tiếc bất cứ điều gì", hãng tin RIA Novosti dẫn lời Tổng thống Putin nói trong bộ phim tài liệu "Tổng thống".
Ông Putin cũng cho biết các biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt là nhằm ngăn chặn Nga trở thành một cường quốc toàn cầu.
Bộ phim “ Tổng thống” đánh dấu 15 năm nắm quyền của ông Putin và  đã được phát sóng ở khu vực Viễn Đông thuộc Nga. Bộ phim này được phát sóng ở miền tây Liên bang Nga vào lúc 21 giờ 30 ngày 26/4/2015.
Bán đảo Crimea vốn là một phần của Liên bang Nga, trước khi nó được lãnh đạo Liên Xô chuyển gia cho Ukraine trong năm 1954. Bán đảo này cũng là đại bản doanh của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga.
Bán đảo Crimea được sáp nhập vào Liên bang Nga năm ngoái sau “cuộc chính biến” lật đổ Tổng thống Ukraine Victor Yanukvych, sau khi ông này bãi bỏ một thỏa thuận xích lại gần Liên minh Châu Âu.
Tình trạng bất ổn sau đó lan sang khu vực nói tiếng Nga ở miền đông Ukraine, nơi giao tranh giữa quân chính phủ và quân ly khai thân Nga đã khiến cho hơn 6.000 thiệt mạng.
Tổng thống Putin cũng lên án các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ và Liên minh Châu Âu. Ông nói tiếp:  "Chúng ta đã chứng kiến những nỗ lực như vậy trong toàn bộ lịch sử nước Nga, có niên đại từ thời Sa hoàng. Chính sách ngăn chặn Nga đã được biết đến trong một thời gian dài, trong nhiều thế kỷ. Chẳng có gì là mới mẻ cả”.
Minh Châu (Theo Reuters)

Bình luận(0)